Thứ năm, 12/3/2015, 10h03

Hiểu rồi hãy phượt

Phượt - ngoài lợi thế là loại hình du lịch tự túc, không bị áp lực về thời gian và hành trình như đi theo tour thì đây còn là cơ hội để giới trẻ thử thách bản thân, rèn luyện ý chí, sức chịu đựng, chứng tỏ sự can đảm và hiểu biết về thiên nhiên, con người, văn hóa, tập tục ở vùng đất đó. Tuy nhiên, hiện nay nhiều bạn trẻ phượt chỉ để thể hiện mình cũng sành điệu, cũng bắt kịp thời đại mà chưa tìm hiểu rõ những thử thách, hiểm nguy của loại hình du lịch này.

Nhóm phượt do anh Phạm Ngọc Sang tổ chức trong một chuyến phượt lên đỉnh Phan-xi-păng.

Những cái kết buồn
Chắc hẳn mọi người chưa quên việc 100 người cứu hộ phải đi tìm một nhóm phượt ở núi Bà Đen (Tây Ninh) hồi tháng 1 vừa qua. Núi Bà Đen là một quả núi nhỏ, xung quanh là đồng bằng có người dân sinh sống, mọi người nhận xét đây là một quả núi “lành” và rất nhiều trường ĐH, THPT đã tổ chức cho học sinh, sinh viên dã ngoại nơi đây. Thế nhưng, bỗng chốc nó trở thành điểm đáng sợ khi một nhóm gồm 20 bạn trẻ đi lạc 1 ngày và gần 1 đêm, với tâm lý hoảng loạn, họ gọi điện cầu cứu khắp nơi. Sau này, khi bị dư luận đánh giá là kém kỹ năng sống và xử lý tình huống thì các bạn lại thanh minh về sự cố mà nhóm mình gặp, rằng chẳng qua là do một số cá nhân không giữ được bình tĩnh nên đã làm phiền đến lực lượng cứu hộ chứ cả đoàn không bị lạc. Hay nguy hiểm hơn là vụ tai nạn do xe mất phanh khi đang đổ đèo khiến một nữ phượt thủ tử nạn trong chuyến phượt Hà Giang vào ngày 13-11-2014. Một vụ tai nạn khác xảy ra trên đường đi phượt Thái Nguyên - Bắc Cạn khiến một phượt thủ người TPHCM tử nạn vào ngày 1-11-2014. Hồi tháng 12-2013, một nữ sinh ở ĐH Thương mại Hà Nội cũng tử nạn trên đường phượt Mộc Châu...
Trao đổi về những rủi ro khi đi phượt, anh Nguyễn Thanh Phúc (cựu sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM), một “phượt thủ” có tiếng ở TPHCM cho biết: “Dân phượt luôn chấp nhận rủi ro, tuy nhiên làm thế nào để thành viên của mình gặp ít rủi ro đến mức tối đa lại là kinh nghiệm, kiến thức của người

* Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Ngọc Thảo, với loại hình du lịch này, trong ba lô các bạn phải có đầy đủ những vật dụng cần thiết như: Giày leo núi, áo thun hút ẩm, áo mưa, mắt kính đổi màu, túi ngủ du lịch, lều, dây dù, bình xịt côn trùng, bột lưu huỳnh chống rắn, dao, kéo, đèn pin, bật lửa, la bàn, đồ sửa xe, băng gạc y tế, thuốc sát trùng, thuốc cảm, thuốc tiêu hóa, nước uống, thực phẩm khô.

trưởng đoàn, từ khâu tuyển tài, kiểm tra sức khỏe, tâm lý của thành viên đến nắm cách xử lý tình huống”. Theo anh Thanh Phúc, việc lạc đường của nhóm bạn trẻ đi phượt ở núi Bà Đen, bên cạnh việc có thành viên chưa vững tâm lý (do đoàn chưa có người làm công tác tư tưởng) còn do đoàn quyết định thay đổi hành trình vào giờ chót. Việc thực hiện một hành trình dù ngắn dù dài cũng cần có lịch trình cụ thể và sự chuẩn bị chu đáo. Việc thay đổi lịch trình đột ngột nên khó kiểm soát được thời gian, sức khỏe và lương thực của cả đoàn.
Sức khỏe và kỹ năng
“Sức khỏe và kỹ năng sống là điều tiên quyết cho một chuyến phượt thành công”, đó là nhận định của các phượt thủ nhiều kinh nghiệm. Mỗi nhóm có một cách tổ chức hành trình riêng nhưng chung quy thì kỹ năng sống, sức khỏe và niềm đam mê của các bạn là yếu tố quan trọng.
Theo anh Phạm Ngọc Sang, chuyên tổ chức các chuyến phượt ở Phan-xi-păng chia sẻ: “Đồng ý là phải đam mê các bạn mới nên phượt. Tuy nhiên, điều kiện quan trọng là các thành viên phải hiểu về sức khỏe của bản thân mình, phải chia sẻ chân thực với cả đoàn về điểm mạnh điểm yếu của mình. Nếu là nhóm của Sang, ngoài cứng tay lái, tất cả các tài phải hiểu về xe cộ. Bất cứ một sự khác biệt lạ nào mà các bạn cảm nhận được từ phương tiện mình đang đi là phải dừng lại để cùng nhau kiểm tra. Tuyệt đối không tách đoàn nếu thành viên nào đó gặp sự cố, như vậy mới tạo tâm lý gắn kết, không gây hoang mang, lo lắng. Với các thành viên mới, trước khi thực hiện chuyến đi dài 34km lên đỉnh Phan-xi-păng, tôi thường tổ chức các chuyến đi ngắn để các bạn làm quen với loại hình du lịch này”.
Với hơn 10 năm kinh nghiệm dẫn đoàn đi du khảo, theo chị Nguyễn Thị Ngọc Thảo, Hội phó Hội Du khảo trẻ (thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM), cái đáng sợ là người trưởng nhóm muốn “lấy số” trong giới phượt mà chủ quan trong khâu tổ chức về thời gian, hành trình và tốc độ.
Chia sẻ về kinh nghiệm “tuyển quân” cho các chuyến du khảo của hội, chị Thảo cho biết, trước tiên đó phải là người có niềm đam mê với loại hình du lịch bụi. Để được tham gia cùng đoàn, thành viên phải có giấy chứng nhận sức khỏe hiện tại của trung tâm y tế. Đăng ký tham gia hành trình nào, các bạn cần tìm hiểu về thiên nhiên, văn hóa con người của vùng đất đó. Các thành viên sẽ phải trải qua những thử thách về kiến thức, kỹ năng sống và trải qua các bài tập về sức khỏe. Riêng những người cốt cán trong nhóm phải là người có hiểu biết một chút về thiên văn, biết xem bản đồ và sử dụng thành thạo la bàn, biết sơ cứu khi gặp nạn, hiểu về xe cộ. Trên đường, các trưởng, phó nhóm chia thành 2 tốp, một tốp đi đầu để kiểm soát tốc độ của cả đoàn, một tốp đi sau để hỗ trợ các thành viên yếu. Ngoài ra, phải tìm hiểu trước xem đặc điểm địa lý của vùng đất mình tới. Nếu lên rừng phải nắm được khu vực nào có suối, trên đó có loại trái gì có thể ăn được phòng khi thiếu lương thực...

THU HƯỜNG

(SGGP)