Thứ bảy, 28/5/2011, 09h05

Cần Thơ: Phụ nữ lười lao động lại muốn thu nhập cao dễ bị lừa bán

“Những phụ nữ chạy theo cuộc sống đua đòi vật chất, lười lao động dễ bị lợi dụng đưa vào hoạt động mại dâm hoặc bị bán ra nước ngoài...”.

 

Nhận định này được đại diện Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP Cần Thơ đưa ra tại Hội nghị tổng kết giai đoạn II dự án “Hỗ trợ quá trình tái hòa nhập cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của việc xâm hại và buôn bán vì mục đích bóc lột tình dục ở khu vực ĐBSCL” (dự án AAT) tổ chức tại TP Cần Thơ vào ngày 27/5.  
Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP Cần Thơ, thủ đoạn của bọn buôn người ngày càng tinh vi với nhiều hình thức qua mắt pháp luật, qua mắt nạn nhân. Bọn chúng thường tìm cách sao cho nạn nhân lầm tưởng là mình đang được cứu giúp. Chính điều này khiến phụ nữ dễ bị sa ngã. 
Qua thống kê cho thấy, đến đầu tháng 12/2009, TP Cần Thơ có 48 nạn nhân là phụ nữ bị buôn bán ra nước ngoài và 139 phụ nữ là nạn nhân bị môi giới lấy chồng nước ngoài, do Công an các tỉnh, thành phát hiện qua các năm. Từ khi dự án AAT đi vào hoạt động, Chi cục đã phối hợp cùng Hội LHPN TP tiếp nhận 6 nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về; trong đó có 5 trường hợp bị bán sang Campuchia, 1 bị bán sang Malaysia.  
Bà Nguyễn Hồng Xứng - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Kiên Giang - cho rằng một bộ phận người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, việc làm thiếu ổn định nên rất dễ bị bọn tội phạm lợi dụng lừa gạt, dụ dỗ bằng cách giới thiệu việc làm có thu nhập cao và một số chị em lại có mong ước đổi đời nên dễ sập bẫy. 
Bà Xứng nhấn mạnh: “Dù các ngành chức năng đã chủ động kịp thời phát hiện đấu tranh nhưng tình hình buôn bán phụ nữ, trẻ em vẫn còn tiềm ẩn, phức tạp, số phụ nữ và trẻ em bị mua bán, lừa gạt ngày càng tăng lên và đang là nỗi lo của một số địa phương”. Cũng theo bà Xứng cho biết, từ đầu năm 2008 đến nay, Hội LHPN tỉnh Kiên Giang tổ chức đón nhận 37 nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài trở về. 
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hậu Giang - bà Nguyễn Hồng Diện - cho biết, tính từ giữa năm 2005 đến nay, tỉnh Hậu Giang có 31 nạn nhân bị buôn bán, trong đó có 6 nạn nhân bị buôn bán trong nước và 25 vụ bán sang nước ngoài. Hình thức buôn bán là tìm việc làm và môi giới lấy chồng nước ngoài. Ngoài ra, tính từ năm 2004 đến nay, đã có 70 vụ hiếp dâm trẻ em xảy ra trên địa bàn tỉnh. 
Theo bà Huỳnh Thanh Thảo - Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Cần Thơ - trong giai đoạn 2 của dự án AAT đã tiếp nhận 66 nạn nhân từ các tỉnh ĐBSCL vào Trung tâm Trợ giúp Phụ nữ và Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Tại đây, các chị sẽ được chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh lý và phục hồi tâm lý; đào tạo nghề, bổ túc văn hóa và các hoạt động vui chơi giải trí khác. 
Tuy nhiên, theo bà Thảo, dù đã giúp nhiều chị em tái hòa nhập trở lại với cộng đồng nhưng trong quá trình hoạt động vẫn còn có những mặt hạn chế nhất định như tỷ lệ học viên bỏ học giữa chừng; học viên không học nghề còn chiếm tỷ lệ cao do trình độ học vấn thấp nên hạn chế khả năng tiếp thu… Hội đang có những biện pháp để giải quyết những mặt hạn chế này. 
Cũng trong buổi Hội nghị, một học viên là N.T.N (22 tuổi, ngụ quận Thốt Nốt, Cần Thơ) kể, giữa năm 2009, vì muốn nhanh chóng có tiền để giúp gia đình, N. đã nghe theo lời hàng xóm sang Malaysia tìm việc. Khi sang Malaysia, N. không ngờ là mình bị bắt bán dâm. “Lúc bấy giờ, tôi biết mình đã bị lừa và đành nghe theo lời chúng để không bị đánh, mong có cơ hội trốn thoát”- N.T.N cho biết. 
Đầu tháng 9/2009, N. trốn thoát và được Cảnh sát Malaysia cứu và sau đó đưa về Việt Nam. Hiện nay, nhờ dự án AAT mà N. đã có công ăn việc làm, hòa nhập lại với cộng đồng. 
Huỳnh Hải (dantri)