Thứ sáu, 12/11/2010, 15h11

Cha mẹ làm con sợ đi học

Cha mẹ phải hiểu và luôn bên con để trẻ đạt được những thành tích tốt trong học tập. Ảnh: H.Tr

Vừa qua, tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 đã diễn ra hội thảo “Tâm lý gia đình” Pháp - Việt lần thứ 8. Trong buổi hội thảo này, bác sĩ Hoàng Vân - Khoa Tâm lý BV Nhi đồng 2 đã kể lại trường hợp sợ đi học của học sinh N.V.A (SN 2001) - học lớp 4 tại TP.HCM.
Trước đó, ngày 28-9-2010, bé N.V.A được ba (đại tá hải quan) và mẹ (công nhân viên) đưa tới Khoa Tâm lý BV Nhi đồng 2 khám với lý do sợ đi học. Đặc biệt là hai ngày gần đây, em có vẻ mệt mỏi, sáng không muốn dậy mà chỉ nằm lì trên giường. Theo người mẹ thì trước khi xuất hiện triệu chứng sợ đi học, N.V.A là một đứa trẻ tự tin, hoạt bát, có học lực từ khá đến giỏi. Nguyên nhân mà N.V.A sợ đi học như em kể lại là bị cô giáo đánh vì không làm kịp bài tập cô giao tại lớp. Vì vậy, người mẹ đã gặp và trao đổi với cô giáo nhưng cô đã không hiểu mà vẫn tiếp tục đánh trẻ sau đó vài ngày. A. về nói với mẹ là cô giáo xúc phạm vì đánh và nêu ra trước lớp. Từ đó triệu chứng sợ đi học của A. càng trầm trọng hơn - mỗi sáng chuẩn bị đi học là cậu khóc, run rẩy và tỏ thái độ chống đối.
Trước khi đưa con đến BV, người mẹ đã làm đủ mọi cách để con đi học như động viên, an ủi, đánh đòn, rầy la. Người cha đang công tác xa cũng về để giải quyết vấn đề của con. Ba mẹ đổi lớp cho A. được học với những bạn học chung hồi lớp 3. Tuy vậy, A. lại hay than phiền với mẹ là không hòa đồng được với bạn bè và muốn trở về lớp cũ.
Khi tiếp xúc với A, chuyên viên tư vấn nhận thấy cậu là một đứa bé ngoan, vẻ mặt buồn, nói nhỏ và trả lời hầu hết các câu hỏi được đặt ra. A. cho biết không muốn đi học vì sợ cô đánh. Ngoài ra, em cũng cho rằng không cần đến lớp cũng có thể làm bài đầy đủ và theo kịp chương trình. Vì vậy em cảm thấy mất hứng thú với các hoạt động bình thường, không mong đợi điều gì. A. nói hiện tại chưa sẵn sàng đi học và sẽ trở lại lớp sau hai ngày nữa.
Trong khi đó người cha cho rằng không chấp nhận việc con không chịu đi học dù là lý do gì. Người cha sợ nếu con tiếp tục không đi học sẽ tạo nên phản xạ cứ sáng ra là nằm lì trên giường, tỏ thái độ chống đối khi phải đi học. Theo người cha thì phải thật cứng rắn con mới đi học lại được.
Ba ngày sau, gia đình em N.V.A lại đến. Khi hỏi về tình trạng của em trong ba ngày qua thì cả ba và mẹ đều bộc lộ sự căng thẳng. Những nhận xét của hai người cho thấy có sự mâu thuẫn trong việc dạy con. Người cha đổ lỗi cho người mẹ là quá cưng chiều nên con mới hư, còn người mẹ thì cho rằng ba không hiểu trẻ. Người cha cho biết, sáng nay không cho con tiếp xúc với mẹ vì sợ nếu gặp mẹ thì việc đi học của con sẽ khó khăn hơn nữa. Nhưng A. đã phản ứng rất dữ dội. Sau đó người cha thỏa thuận để con gặp mẹ trong 10 phút, rồi đưa đi học, nhưng đến trường A. lại không chịu vào lớp.
Riêng A. thì hợp tác với chuyên viên tâm lý kém hơn lần trước, em buồn nhiều hơn và ít chia sẻ hơn. Em cho rằng sự hiện diện của ba làm mình khó chịu. Ba lúc nào cũng nhắc đến việc học, em mong muốn ba chỉ nói đến việc học vào giờ trẻ học chứ không thích nói cả trong lúc sinh hoạt gia đình. Khi được hỏi khi nào đi học lại, em chỉ im lặng.
Lần thứ 3, A. đến BV cùng mẹ (lúc này ba đã đi công tác). Tại đây, em khẳng định là không có bệnh và cảm thấy khó chịu vì mẹ cứ dẫn mình tới BV. Ở lần này, em không hợp tác với chuyên viên tâm lý. Còn người mẹ cho biết, em mới đi du lịch, khi đi rất vui vẻ nhưng về thì lại tiếp tục không chịu đi học.
Minh Anh (ghi)

Qua ba lần tiếp xúc, có thể nhận thấy rằng nền tảng gia đình có thể gây trở ngại và làm trầm trọng thêm triệu chứng sợ đi học của trẻ.