Thứ sáu, 14/8/2009, 15h08

Con hư tại mẹ?

Mẹ luôn dành cho con những tình cảm ngọt ngào (ảnh chỉ mang tính chất minh họa). Ảnh: I.T

Xưa nay các cụ vẫn cho rằng: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Nhưng đấy là ngày xưa, khi mà trách nhiệm tề gia nội trợ thuộc về người phụ nữ, khi mà người phụ nữ chỉ biết quanh quẩn trong nhà. Vậy, hiện nay câu ca dao trên có còn giá trị?
Những đứa con “hư”
Từ ngày nghỉ hè, Đức M. – đang học lớp 7 tại một trường THCS trên địa bàn Q.3 thường xuyên đóng đô ở các tiệm internet. Thậm chí, buổi tối khi ba hoặc mẹ đưa tới trung tâm học ngoại ngữ, Đức M. cũng tìm cách trốn ra ngoài chơi game. Để ba mẹ không phát hiện ra, cứ gần đến giờ tan học, Đức M. lại chạy về trường đứng chờ phụ huynh tới rước. Mãi đến giữa tháng 7 - khi nhà trường tổ chức học hè, mặc dù Đức M. đăng ký học nhưng thường xuyên bỏ học nên nhà trường báo về cho gia đình thì vợ chồng chị Ngọc Vân mới hay biết. Sau khi bị ba đánh cho một trận tơi bời, Đức M. đã thành thật “khai báo” là nghiện game từ 2 năm nay rồi. Tiền ba mẹ cho để ăn sáng, tiêu xài đều được “đốt” hết vào các quán net.
Vợ chồng chị Tố Phương - P.Tân Định, Q.1 cũng đang đau đầu với cậu “quí tử” Quốc H. (15 tuổi). Cũng như Đức M., Quốc H. mắc chứng nghiện game online. Chị Tố Phương chua xót nói: “Nó thường xuyên “chôm” tiền của cha mẹ, rồi “chôm” đồ trong nhà đem đi bán để thỏa mãn cơn “nghiền”. Năm học vừa qua, kết quả học tập của nó quá kém nên không dám đưa sổ liên lạc cho cha mẹ, đến khi cô giáo chủ nhiệm gọi điện về nhà thông báo thì bỏ nhà đi bụi. Vợ chồng tôi phải đi tìm ngược xuôi mới thấy con. Chúng tôi rối quá, không biết phải làm sao bây giờ?”.
Trong khi các “quí tử” nghiền chơi game, thậm chí nghiện ma túy thì các “cô chiêu” lại cứ “đòi” lấy chồng. Chị Hà Quyên, Q.Phú Nhuận tâm sự: “Con bé đang học lớp 10 nhưng cứ một mực đòi nghỉ học để lấy chồng. Cha mẹ can ngăn thế nào cũng không được. Nó còn dọa nếu không cho lấy chồng thì sẽ bỏ nhà theo bạn trai…”.
Khi con “hư”, hầu hết các ông chồng đều đổ lỗi cho vợ là không biết dạy con. Nhiều ông cho rằng, việc dạy con là trách nhiệm của vợ chứ không phải của cả hai vợ chồng. Mặc dù người vợ cũng đi làm kiếm tiền, về nhà lại còn phải lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa…
Trách nhiệm dạy con là của hai vợ chồng
Bà Trương Ngọc Hoa – Trưởng phòng Tư vấn trẻ em cho biết: “Tiếp xúc với các bà mẹ có con “hư”, chúng tôi nhận thấy nhiều ông chồng rất gia trưởng. Về đến nhà là ôm lấy cái ti vi hay mấy tờ báo, chứ không bao giờ phụ giúp vợ làm việc nhà. Việc học hành, nuôi dạy con cái cứ giao phó cho vợ. Đến khi con hư thì đổ hết trách nhiệm cho vợ. Nguyên nhân khiến cho những đứa con ngoan trở thành “hư” phần lớn là lỗi của cả cha lẫn mẹ chứ không phải của riêng ai”.
Trước những đứa con “hư”, các ông bố, bà mẹ đều tỏ ra quá kích. Người thì đánh đập con, người khác thì lại dùng những lời lẽ thiếu tế nhị để lăng mạ con, người thì cấm đoán. Tuy nhiên, tất cả những thái độ này đều không hiệu quả, ngược lại chỉ làm cho con cái lún sâu vào “con đường lầm lỗi”… “Phụ huynh nên hiểu rằng ở cái lứa tuổi trẻ con chưa qua, người lớn chưa tới, tụi trẻ rất bướng bỉnh, chúng chỉ thích làm những gì người lớn cấm. Do vậy, khi con rơi vào những tình huống như kể trên, cha mẹ cần hết sức bình tĩnh, đối với một vài hoàn cảnh nào đó thì phải tạm thời chấp nhận. Chẳng hạn như trường hợp của chị Quyên, khi con gái đòi lấy chồng thì tạm thời chấp nhận mối quan hệ yêu đương của con. Nhưng dần dần phải phân tích cho con thấy nếu lấy chồng vào lứa tuổi này là vi phạm pháp luật, nếu con và bạn trai quan hệ tình dục với nhau thì bạn con sẽ phải ở tù vì con chưa tới tuổi vị thành niên. Tóm lại, khi con bước vào tuổi dậy thì, cha mẹ nên nhớ lại cái ngày xưa của mình để hiểu và thông cảm với con. Nên tạo cảm giác thân thiện với con để chúng có thể tâm sự, chia sẻ những tâm tư tình cảm. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên có mối quan hệ mật thiết với nhà trường, đặc biệt là thầy, cô chủ nhiệm và bạn bè của con để qua đó biết được tâm tư, tình cảm của con” – bà Hoa cho biết thêm.
Bảo Thoa