Thứ hai, 10/9/2012, 15h09

“Của để dành”

Chị Lương Thị Bé và con gái

Khi tôi hỏi, nhà các chị có của để dành không?, tất cả đều trả lời: “Nhà chúng tôi nghèo, cái ăn cái mặc còn thiếu, nói gì đến của để dành”. Nói thì nói vậy, chứ trong lòng những bà mẹ này hiểu tài sản để dành của họ chính là những đứa con biết vượt qua hoàn cảnh khó khăn để học giỏi…
Người mẹ “hai trong một”
Toàn thân người phụ nữ ấy toát lên hai chữ “khắc khổ”. Trông chị già hơn tuổi thật của mình tới 15-20 tuổi. 52 tuổi nhưng khuôn mặt chị đầy rẫy những vết chân chim, bàn tay và bàn chân đen đúa, gân guốc. Người phụ nữ ấy chính là chị Đoàn Thị Bích Đào (P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM).
Năm 1995, chị Đào cùng chồng bồng bế hai đứa con thơ từ tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương và Bình Phước) xuống TP.HCM mưu sinh. Ngày ngày, hai vợ chồng đi khắp hang cùng ngõ hẻm để bán vé số. Tuy vất vả nhưng cũng kiếm đủ tiền để rau cháo qua ngày. Những ngày tháng “đồng vợ, đồng chồng” nhanh chóng trôi qua. Người chồng dần dần sinh tật, không chịu đi làm, suốt ngày hết say rồi lại xỉn. “Chịu không nổi, tôi làm dữ nên ông ấy bỏ về Sông Bé. Từ đó đến nay, mười mấy năm rồi, bặt vô âm tín. Mà thôi, đừng nhắc tới ổng nữa, buồn lắm”, vừa nói, chị vừa lấy vạt áo chấm vội những giọt nước mắt cứ chực trào ra.
“Mồ côi chồng”, chị một tay nuôi hai đứa con nên người. Thời gian đầu bán vé số, sau đó (từ năm 2007) thì bán luôn cả báo. Cũng may, chị tạo được mối nên dù trời có mưa thì mỗi ngày cũng bán được hơn 100 tờ. “Bỏ mối thì ít lời hơn là bán dạo. Trung bình mỗi tờ chỉ lời 300-500 đồng, trong khi bán dạo thì lời khoảng 1.000 đồng. Ăn ít mà chắc”, chị khoe.
Mỗi ngày, chị dậy từ 3 giờ sáng, lọ mọ nấu cơm ăn. Vừa là ăn sáng, vừa là ăn trưa. “Ăn trưa ở ngoài mắc quá, tới 20.000 đồng/phần, lấy đâu tiền mà ăn. Ngay cả nước tôi cũng mang theo”, chị kể.
Khoảng 4 giờ sáng, chị bắt đầu ra khỏi nhà để lấy báo. Sau đó cùng với chiếc xe đạp cũ kỹ đi từ ngã tư An Sương đến Khu công nghiệp Tân Bình, rồi ngã tư Gò Mây giao báo. Giao hết mối thì đi bán dạo, bán kèm với vé số. Chị trở về nhà sớm hay muộn hoàn toàn phụ thuộc vào xấp báo trên tay còn nhiều hay ít. Hôm nào sớm thì 3 giờ 30 chiều về đến nhà, hôm trễ có thể 5, 6 giờ tối…
Niềm vui lớn nhất và cũng là động lực để chị vượt qua nắng mưa mỗi ngày là đứa con gái lớn Trần Thủy Lam, sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH Nông lâm TP.HCM và con gái út Trần Thủy Như, học sinh lớp 12 Trường THPT Trường Chinh (Q.12) chăm ngoan, học giỏi…
Cha mẹ có công, con không phụ
Thật may mắn, những ông bố, bà mẹ một nắng hai sương vất vả mưu sinh như chị Đào luôn được con cái ghi nhận công ơn và đền đáp.
Trường hợp của chị Lương Thị Bé (P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức) chẳng hạn. Không có vốn, cũng không được học hành nhiều nên chị chọn cho mình cái nghề phù hợp với hoàn cảnh, đó là nghề bán báo dạo. Chồng chị là anh Phạm Đình Ngô làm bảo vệ, nay công ty này, mai công ty khác nên thu nhập cũng bấp bênh. Còn chị, cái nghề tưởng rằng bấp bênh nhưng thu nhập lại tương đối ổn định, dẫu mỗi ngày chỉ kiếm được khoảng 100.000 đồng. Ngày nào cũng như ngày nấy, 5 giờ sáng là chị đã có mặt ở đại lý để lấy báo đi bán. Trước đây, bán không hết thì trả lại được. Mấy năm nay, bán không hết thì phải “ôm sô” nên chị không dám lấy nhiều, chỉ lấy đủ bán, từ 100 đến 120 tờ. Chị chọn cho mình nơi giàu sang nhất thành phố, đó là khu vực đường Nguyễn Huệ, chợ Bến Thành để bán. Bởi vậy, mỗi tờ báo chị lời ít nhất là 1.000 đồng. Cũng đáng cái công chị đi cả ngàn bước từ Q.Thủ Đức lên đây để bán…
Sau gần một ngày lang thang ở ngoài đường, chiều chị vội vã trở về để kịp đón con ở trường. Cô bé Phạm Thị Hương Giang - học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Hiệp Bình Phước (Q.Thủ Đức) - tuy còn nhỏ nhưng đã phần nào cảm nhận nỗi vất vả của mẹ nên luôn cố gắng làm mẹ vui lòng. Từ lớp 1 đến lớp 3, cô bé luôn là học sinh giỏi.
“Một hôm cô giáo ra đề tập làm văn là tả về công việc của ba mẹ. Lúc đó, em được nghe các bạn kể rằng ba mẹ các bạn là kỹ sư, bác sĩ, giáo viên đi làm bằng xe hơi, xe máy. Ba mẹ em thì không được như vậy. Ba mẹ em không có nghề nghiệp ổn định, đi làm bằng xe đạp…”, em Nguyễn Thị Thuận Ninh - học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Nguyễn Việt Hồng (Q.3) - tâm sự.
Ba mẹ Thuận Ninh làm nghề bán báo dạo vào ban ngày, ban đêm thì bán hột cút lộn, đậu phộng rang tại các quán nhậu. Khi còn học lớp 1, cô bé cứ thắc mắc là tại sao gia đình mình (4 người) lại phải sống trong căn phòng trọ bé tẹo, trong khi ba, mẹ thì đi làm cả ngày lẫn đêm. Cho đến một hôm, “Trên đường đi học, em nhìn thấy người ba ướt sũng, chiếc áo mưa cũ rách được dùng để bọc báo. Ba tới từng bàn mời những người đang ngồi uống cà phê mua báo, em đã hiểu tại sao”, cô bé kể.
Cách đền đáp công lao của ba mẹ đối với Thuận Ninh hiện nay chính là học giỏi, chăm sóc em khi ba mẹ đi làm…
Bài, ảnh: Hòa Anh