Thứ hai, 13/4/2015, 16h04

Đừng làm biến chất văn hóa rượu - bia

Từ thời xa xưa ông bà ta đã có uống rượu. Bản thân rượu không xấu nhưng đừng vin vào đó mà dùng quá đà để dẫn đến những việc không hay.

Một cuộc nhậu với bia bằng tô ở TP.HCM - Ảnh tư liệu

Người lớn đã làm gương xấu cho bạn trẻ

Câu tục ngữ “Học ăn, học nói, học gói, học mở” đã cho thấy theo truyền thống dân tộc, ông cha ta luôn chú trọng tới việc ăn uống, văn hóa trong ăn uống. Điều đó còn được thể hiện qua câu “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”.

Ngày xưa, việc ăn uống rất được quan tâm. Ăn, uống như thế nào để lịch sự, thể hiện một người có kỷ luật, có văn hóa và cư xử hòa nhã cùng mọi người xung quanh.

Chính vì trong gia đình xưa chú trọng những điều này nên khi đám tiệc hay có dịp nào đó sử dụng rượu, họ đều dùng những chung nhỏ, uống trong một chừng mực nhất định. Ông bà ta không thích việc uống say vì họ cho rằng khi ấy con người ta sẽ không kiểm soát, dễ làm những điều không phù hợp.

Tuy nhiên ngày nay, giáo dục còn nhiều bất cập, dường như gia đình và nhà trường đã thiếu đi sự chỉ dạy để con em nhận thức về vấn đề này.

Thậm chí ngay cả người lớn khi buồn phiền, chán nản là họ uống vô tội vạ. Gia đình, hàng xóm có chuyện vui buồn gì cũng mang rượu ra.

Có điều đặc biệt, việc uống rượu ngày xưa chỉ xảy ra với người lớn tuổi, trung niên, còn lớp thanh niên thì rất hạn chế. Nhưng ngày nay thì ngược lại hoàn toàn.

Ngày nay ngoài rượu còn có thêm bia. Nhiều người cho rằng bia có nồng độ cồn thấp hơn nhiều so với rượu nhưng nên nhớ khi uống bia, đơn vị tính sẽ trở thành ly lớn, chai, lon, thùng, két thay vì là chung nhỏ như rượu.

Bây giờ mọi người uống rượu bia quá dễ dàng, ai cũng có thể nhậu, nhậu bất kỳ đâu với bất kỳ lý do gì, thậm chí không có lý do, dẫn đến tình trạng say xỉn tràn lan.

Bia rượu không xấu

Tôi từng đến nhiều quốc gia và thật sự đau lòng khi phải nói rằng chưa ở quốc gia nào tôi thấy người dân nhậu nhiều như tại Việt Nam, cũng chưa quốc gia nào mà những quán nhậu từ hàng sang trọng đến bình dân, quán cóc lại có mặt khắp mọi nơi như Việt Nam. Ai cũng có thể mở quán, ai cũng có thể tìm đến quán.

Bên cạnh đó, hầu như tỉnh thành nào cũng có một hoặc nhiều công ty, thương hiệu bia rượu khác nhau. Các hãng này thi nhau sản xuất, phân phối sản phẩm của mình. Việc quản lý thiếu chặt chẽ trong sản xuất và kinh doanh bia rượu càng làm cho thực trạng nhậu nhẹt quá đà thêm nghiêm trọng.

Bản chất của rượu bia là không xấu vì thực tế nếu uống đúng liều lượng sẽ rất có lợi. Ông bà ta ngày xưa trong mỗi bữa cơm vẫn uống ít rượu để ấm bụng.

Người phương Tây cũng khuyên uống một ly rượu vang mỗi ngày để tăng cường sức khỏe. Nếu thật sự rượu không tốt thì chúng ta đã không dùng để dâng lên tổ tiên trên những bàn cúng.

Vậy, vấn đề là phải uống rượu bia sao cho hợp hoàn cảnh và uống có chừng mực. Uống rượu bia không vì tâm tình cùng tri kỷ hay chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của bạn bè, người thân mà uống vì tính số lượng lít, can, thùng… để chứng tỏ bản thân thì thật là biến chất.

Người trẻ nên làm việc thay vì hưởng thụ

Trong lao động người xưa rất cần cù, siêng năng. Họ ưu tiên công việc hàng đầu và chỉ dùng một ít rượu trong bữa cơm chiều chứ không bao giờ lạm dụng rượu bia như ngày nay.

Nhiều bạn trẻ cứ hễ rảnh rỗi là rủ nhau bia rượu. Một số khác lấy lý do công việc, xã giao để giải thích cho cái bụng ngày càng phình to của mình. Xin thưa rằng không ai có thể ép buộc bạn. Uống hay không là do quyết định của mỗi người.

Đừng bao giờ nghĩ rằng “Nam vô tửu như kỳ vô phong” bởi ý nghĩa thật sự của câu nói ấy không phải nằm ở chỗ bạn biết nhậu thì mới đáng mặt đàn ông, mà ông bà ta chỉ đơn giản nhắc rằng là con trai phải mạnh mẽ vì ngày xưa chỉ những người mạnh mẽ mới dám dùng rượu.

Ai cũng biết uống rượu quá đà sẽ có hại cho sức khỏe và ảnh hưởng đến những giá trị của con người. Vì vậy khi còn trẻ, hãy ra sức học tập, lao động để giúp đỡ chính bản thân mình, gia đình và xây dựng đất nước vươn lên những danh hiệu cao quý khác thay vì hoang phí thời gian vào việc rượu chè vô bổ để rồi đất nước bị liệt vào những nơi uống rượu bia nhiều nhất trên thế giới - một “danh hiệu” không ai mong muốn.

Tiến sĩ sử học NGUYỄN NHà

(TTO)