Thứ tư, 2/3/2011, 15h03

Khóc cười chuyện: mua bán... “trứng”

Hãy chọn những biện pháp TTTON một cách an toàn, đúng đắn, mang lại cuộc sống hạnh phúc cho con trẻ (các bác sĩ Khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ đang tìm trứng). Ảnh: I.T
Việc người phụ nữ tình nguyện hiến trứng của mình cho người phụ nữ khác không may bị vô sinh là việc làm cao cả. Nhưng, cũng có không ít trường hợp vì thu nhập, bất chấp những quy định nên đã cho ra những đứa trẻ không được trọn vẹn…
Thảo được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Năm nay em lên 6 tuổi, nhưng tính cách, ngoại hình giống như một cậu bé hơn là một cô bé. Em bị lưỡng giới. 9 năm về trước, mẹ Thảo - chị Vy, phát hiện mình bị vô sinh (rối loạn phóng noãn) nhưng nhờ có người mách bảo, chị Vy “mua con” từ trứng của một phụ nữ khác. Đâu biết rằng, người phụ nữ bị bệnh di truyền nên em thừa hưởng gen di truyền lặn từ người mẹ ấy…
Tìm đường đi mua “trứng”…
Năm 2002, chị Vy (thị trấn Trúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội) đi khám và phát hiện bị vô sinh. Chị cùng chồng là anh Đoàn lo lắng, tìm điều trị tại các bệnh viện từ Bắc vào Nam nhưng không tìm được người hiến trứng. Sau hai năm chờ đợi mòn mỏi, sang năm 2004, chị và chồng quyết định khăn gói đến trung tâm điều trị hiếm muộn A. tại Q.Gò Vấp (TP.HCM) qua môi giới. Quả thật, nhanh đến bất ngờ, chỉ sau hơn nửa tháng thương lượng mua bán, đã có một phụ nữ chấp nhận bán trứng với giá gần 20 triệu đồng. Số tiền ấy không lớn hơn so với thời gian điều trị trong bệnh viện, lại nhanh hơn, anh chị chấp nhận. Thảo được TTTON bằng tinh trùng của bố và trứng của người mẹ khác. Sau khi TTTON tạo thành phôi, phôi được mẹ Thảo nuôi nấng trong bụng. Ngày Thảo chào đời, anh chị vỡ òa niềm vui. Năm tháng qua đi, Thảo lớn lên mang hình dáng, tính cách của một cậu bé mà bộ phận sinh dục lại là nữ, em được bác sĩ kết luận bị bệnh lưỡng tính do gen di truyền từ mẹ. “Biết làm sao được, chắc ông trời không ban phúc làm cha làm mẹ. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, trách mình sao lúc ấy không suy nghĩ, xem xét cho kỹ rồi quyết định, để giờ đây, khi con ra đời mà cuộc đời nó không mấy trọn vẹn. Nhưng Thảo cũng là con mình mang nặng đẻ đau, con nào cũng là con, mong nó khỏe mạnh, sống hạnh phúc, gia đình tôi vui rồi” - chị Vy tâm sự.
Không dễ như tưởng
Liệu trường hợp như Thảo có thể xảy ra nữa không? Hay có những đứa trẻ khác khi sinh ra mang trong mình các căn bệnh khác nhờ TTTON qua môi giới, “cò” mua bán trứng…? Khi chúng tôi hỏi “Chữa hiếm muộn, tìm người hiến trứng ở đâu mà nhanh nhất vậy anh? “Cò” B. cùng nhiều “cò” khác hành nghề xe ôm trước cổng BV Từ Dũ TP.HCM xúm lại cho hay: “…Đến trung tâm X. trên đường Trần Đình Xu, P.Cô Giang, Q.1, vừa bớt khâu thủ tục, lại nhanh, rẻ… Cô xem nếu ưng thì làm, không thì thôi, có mất mát gì đâu ở đó toàn bác sĩ uy tín cả. Thôi đưa 50 ngàn tiền xe, chỉ đường đến tận nơi”. Sự thẳng thắn ấy khiến chúng tôi rùng mình vì “mua trứng” sao dễ quá!
Đem câu chuyện này đến bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Trưởng khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM thì được biết: “Hiện nay, ở Việt Nam tỷ lệ người vô sinh khá cao (chiếm 36%). Trong khi, người hiến trứng thì rất ít (1 tháng có khoảng 100 trường hợp đến khám thì chỉ khoảng 10 người tìm được người hiến). Người hiến lại gặp không ít khó khăn về thời gian, thủ tục như: chích thuốc kích thích liên tục mỗi ngày trong thời gian từ 2 đến 4 tuần, nằm trong độ tuổi từ 18 đến 35, đã có gia đình và ít nhất một con khỏe mạnh, con nhỏ nhất lớn hơn 12 tuổi, chưa từng cho trứng, không mắc các bệnh lý nội khoa, bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh lý di truyền, xét nghiệm HbsAg, HIV, BW âm tính, xét nghiệm nội tiết đánh giá chức năng buồng trứng bình thường, không có tiền căn phẫu thuật trên buồng trứng, tử cung, không có khối u buồn trứng, lạc nội mạc tử cung, không đang cho con bú, không đang sử dụng nội tiết tránh thai… Hơn thế nữa, một ca điều trị hiếm muộn cũng lên đến 30-40 triệu đồng, và bảo hiểm không thanh toán”.
Đây là khó khăn trong điều trị vô sinh cho nữ giới. Nhưng đây lại là cơ hội cho việc mua bán trứng bên ngoài phát triển, bởi người cần thì nhiều, người hiến thì ít. Tuy nhiên, liệu các trung tâm điều trị bên ngoài có đảm bảo các điều kiện như những quy định trên không thì rất khó xác định. Đặc biệt, hiện nay, việc mua bán trứng chưa được pháp luật công nhận. Chuyện bé Thảo ra đời chỉ là trường hợp hy hữu, bởi không may người hiến trứng mang trong mình căn bệnh di truyền mà bác sĩ không phát hiện ra. Tuy nhiên, đây cũng là bài học cho các gia đình có vợ hoặc chồng không may bị vô sinh, cảnh giác với việc mua bán trứng trái pháp luật sẽ mang lại những hậu quả không nhỏ. Người thiệt thòi vẫn là những đứa trẻ đáng thương.
Hiện nay, y học rất cần đến sự hiến trứng bởi việc tiếp nhận các phụ nữ hiến trứng còn ít, hơn thế nữa, trứng hiến tặng chỉ giữ được trong 24h, không bảo quản lâu như tinh trùng nên không có ngân hàng trứng như ngân hàng tinh trùng (tinh trùng của nam giới hiến tặng, nếu dùng không hết có thể bảo quản trong ngân hàng, về sau dùng cho người khác vẫn được). Tuy nhiên, việc tiếp nhận trứng của người hiến, người bán cần có cả đạo đức của người tiếp nhận và người hiến, người bán để tránh những rủi ro sau này khi đứa trẻ chào đời.
Ngọc Trinh

Nếu có trường hợp tìm đến bệnh viện hiến trứng, bệnh viện phải quản lí danh tính người hiến qua giấy chứng minh nhân dân để tránh trường hợp có lần hiến trứng thứ hai. Hơn thế nữa, phải giữ bí mật giữa người cho và người nhận để tránh trường hợp sau này người cho trứng quay lại tìm người xin trứng đòi lại đứa con.