Thứ sáu, 7/9/2012, 15h09

Những biểu hiện rối loạn thích ứng

Mọi lứa tuổi đều có thể bị rối loạn thích ứng, nhưng thường gặp nhất ở trẻ vị thành niên. Ảnh: T.Tri

Biểu hiện của rối loạn thích ứng thường là lo âu, trầm cảm, hành vi bất thường, ứng xử bất thường kéo dài khoảng 3 tháng và mất đi sau 6 tháng.
Tuy nhiên nếu không giải quyết được các nguyên nhân thì sẽ dẫn đến rối loạn thích ứng mãn tính.
Lứa tuổi nào cũng mắc bệnh
Theo TS. Nguyễn Thị Mỹ Châu - Khoa Tâm lý tâm thần, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - rối loạn thích ứng (Adjustment Disorder - rối loạn điều chỉnh) là rối loạn về mặt cảm xúc khi phải đối mặt với các yếu tố sang chấn (stressor) như khó khăn về tài chính, bệnh tật, cha mẹ ly dị, mất người thân, về hưu, khó khăn trong quan hệ giao tiếp… Nếu không giải quyết được các yếu tố sang chấn sẽ dẫn đến rối loạn thích ứng mãn tính rất nguy hiểm. Ngược lại, người biết chấp nhận hoàn cảnh (từ các yếu tố sang chấn) thì dễ dàng điều chỉnh được rối loạn thích ứng.
Ở Mỹ, tỉ lệ người bị rối loạn thích ứng từ 2-8% dân số. Mọi lứa tuổi đều có thể bị rối loạn thích ứng nhưng thường gặp nhất ở trẻ vị thành niên. Trẻ em nam và nữ có tỉ lệ rối loạn thích ứng bằng nhau, thường gặp do các vấn đề xảy xa nơi trường học (môi trường học mới, áp lực học tập…), cha mẹ ly dị hoặc bản thân nghiện ma túy. Đối với người trưởng thành, yếu tố sang chấn thường là các vấn đề trong hôn nhân, ly dị, chuyển đến môi trường sống mới, dậy thì và tỉ lệ ở độ tuổi này ở nữ luôn gấp đôi nam.
TS. Mỹ Châu khẳng định: Yếu tố sang chấn tác động trực tiếp lên con người. Mức độ nặng của các yếu tố sang chấn không luôn song hành với độ nặng của rối loạn thích ứng mà mức độ nặng của nó bao gồm cả độ, lượng, thời gian, môi trường và hoàn cảnh của cá nhân… Rối loạn thích ứng khởi phát từ một hoặc nhiều yếu tố sang chấn. Yếu tố sang chấn có thể đơn thân hoặc phức hợp; có thể chỉ ảnh hưởng lên một người hoặc cả gia đình, quần thể. Sự bất hòa trong gia đình hay một sự cố nào đó liên quan đến một cá nhân trong gia đình có thể sinh ra rối loạn thích ứng ảnh hưởng đến cả gia đình. Chẳng hạn người cha (trụ cột của gia đình) bị bệnh phải điều trị lâu ngày dẫn đến mất việc làm, ảnh hưởng tới đời sống kinh tế gia đình.
Một số giai đoạn phát triển trong cuộc đời con người cũng thường bị rối loạn thích ứng như bắt đầu đi học, rời khỏi gia đình, kết hôn, làm cha mẹ, thất bại trong nghề nghiệp, về hưu… Theo TS. Mỹ Châu, để hạn chế rối loạn thích ứng đối với trẻ, các bậc cha mẹ cần quan tâm đến môi trường nuôi dạy. Hãy là một bà mẹ tốt vừa phải (không nuông chiều những đòi hỏi của con một cách quá mức) là cơ hội để tạo nên cơ chế phòng thủ cho trẻ. Nuôi dạy trẻ đúng cách, khen chê đúng mực thì bản thân trẻ sẽ biết tự phòng vệ, đủ sức vượt qua những trở ngại một cách dễ dàng.
Phương pháp điều trị
Tùy theo bản chất của sang chấn mà điều trị cho từng cá nhân hoặc điều trị theo nhóm… Tuy nhiên, khi rối loạn thích ứng quá nặng có thể dùng thuốc để cá nhân đó dễ dàng “lướt” qua.
Có nhiều cách kiểm soát và điều trị rối loạn thích ứng, nhưng theo TS. Mỹ Châu, cách tốt và hiệu quả nhất là làm sao chấp nhận được yếu tố sang chấn và kiểm soát stress. Bản thân người bị rối loạn thích ứng phải tự thay đổi mình, nhìn tất cả yếu tố xảy ra và đương đầu một cách nhẹ nhàng, qua đó sẽ tự điều chỉnh cảm xúc cũng như cách xử sự theo hướng tích cực.
Người mắc rối loạn thích ứng nếu sớm thích nghi với các tác nhân kích thích sẽ tạo cho mình một cơ chế phòng vệ bằng cách dựa vào suy nghĩ, dự đoán, thăm dò, kế hoạch hóa hành động. Dựa vào cảm xúc để làm giảm bớt căng thẳng bằng cách chế ngự, loại bỏ tính bi quan, tích cực hóa, hợp lý hóa, lý tưởng hóa. Ngoài ra, một cách để tránh rối loạn thích ứng là thiết lập khoảng cách, tránh xa căng thẳng bằng cách trốn chạy, tránh né, phủ nhận và hài hước. Theo TS. Mỹ Châu, liệu pháp hữu hiệu trong điều trị rối loạn thích ứng là giải tỏa căng thẳng tích tụ bằng cách đàm thoại, giãi bày, tham vấn, tự huấn luyện, tìm cách kiểm soát stress. Chế độ nghỉ ngơi, ăn uống và sinh hoạt lành mạnh cũng là cách để kiểm soát các yếu tố sang chấn và sẽ không mắc rối loạn thích ứng.
Theo đó, mỗi ngày cần dành từ 15-30 phút chọn không gian yên tĩnh, thoáng mát với bài tập nhắm mắt tưởng tượng để cơ thể thả lỏng, tập trung hít sâu, thở thật chậm và từ từ mở mắt.
Trần Tuy An
Hình thức trị liệu trong thời gian ngắn cho người bệnh rối loạn thích ứng là can thiệp khủng hoảng với các kỹ thuật: Nâng đỡ, sự cam đoan, cải thiện môi trường, nhập viện…