Thứ bảy, 3/8/2013, 14h08

Nơi dạy viết chữ người

Mô hình tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng cai nghiện phục hồi cho những người nghiện ma túy tại Trung tâm giáo dục, lao động xã hội Hải Phòng là rất nhân văn và... hiệu quả xử lý được nhân rộng.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có gần 5.000 người nghiện ma túy nằm trong diện quản lý, nhưng trên thực tế con số còn lớn hơn rất nhiều.
Giám đốc bất đắc dĩ
Ngày 28/4/2005, gần 1.000 học viên của Trung tâm giáo dục, lao động xã hội Hải Phòng đã “nổi loạn”, đập phá tài sản, tấn công cán bộ, trốn ra ngoài, gây kinh hoàng, náo loạn trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Sở dĩ có chuyện như vậy là do thiếu thốn cơ sở vật chất, người nghiện chen chúc nhau trong những căn phòng chật chội, tối tăm. Trung tâm nằm giữa tứ bề đầm lầy, nước lợ, cách biệt với thế giới bên ngoài; giữa cán bộ trung tâm và học viên chưa tìm được tiếng nói chung.
Học viên của Trung tâm giáo dục, lao động xã hội Hải Phòng học thiền Yoga.
Ngày ấy, Thượng tá Nguyễn Quang Toàn thuộc Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an thành phố Hải Phòng) đã được lãnh đạo thành phố triệu tập khẩn cấp tới “điểm nóng vỡ trại” giải quyết tình hình. Thượng tá Toàn nhanh chóng điều tra và xác định được đối tượng cầm đầu là tên Nguyễn Công Tuấn. Các đối tượng này đã bị bắt và xét xử sau đó không lâu. Sự quyết đoán, xử trí nhanh gọn những tình huống gay cấn của Thượng tá Nguyễn Quang Toàn đã được lãnh đạo thành phố Hải Phòng ghi nhận. Anh được biệt phái về làm Phó Giám đốc Trung tâm trong vòng một năm. Khi Giám đốc trung tâm thuyên chuyển công tác, người lính hình sự bất đắc dĩ trở thành giám đốc, như một “duyên nợ” với những mảnh đời lầm lạc vì ma túy.
Lấy trí nhân để nâng tính thiện
Hiếm có nơi nào phức tạp như ở Trung tâm giáo dục, lao động xã hội Hải Phòng vì ở đây có tới 70% số người nghiện mang tiền án, tiền sự; trên 40% số người nghiện nhiễm HIV/AIDS và rất nhiều người đã mắc ADIS ở giai đoạn cuối. Hầu hết những người này khi vào trung tâm, nhân cách đã biến dạng. Nhiều người không màng đến sự sống và cái chết nên bất cần đời, nhất quyết không nghe theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cán bộ trung tâm.
Ông Toàn tâm niệm rằng, làm công an một năm chỉ phá vài vụ án, bắt vài chục đối tượng nhưng làm tốt công tác giáo dục tại trung tâm, hàng năm sẽ ngăn ngừa được hàng trăm vụ án, cứu vớt hàng nghìn người lầm lỗi. Và rồi những suy nghĩ đó được ông truyền sang cho các thành viên khác trong ban lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của trung tâm, tạo nên một sức mạnh đoàn kết thống nhất. Những ngày đầu khi trực tuần tra, Thượng tá Nguyễn Quang Toàn và cán bộ phải đem theo chó béc-giê và dùi cui điện để đề phòng bất trắc. Trước đó, đã có vài cán bộ bị phơi nhiễm HIV do một số đối tượng chống đối, vì thế không phải ai cũng hoàn toàn yên tâm. Việc cảm hóa những người nghiện thật sự rất khó khăn, thậm chí là nguy hiểm. Trung tâm có tới hàng nghìn học viên, chỉ cần một người trong số họ kích động, chống đối thì chắc chắn không thể ổn định lâu dài.
Ông Toàn tâm sự: “Nhiều gia đình coi họ là đồ bỏ đi, là mầm độc hại và tai họa của xã hội nên xa lánh họ. Vậy phải làm gì để giúp đỡ những người này trở về cộng đồng mà không mang họa cho xã hội? Câu hỏi ấy cứ làm tôi trăn trở mãi”. Đánh vào tâm lý phần “người” của những học viên, Thượng tá Nguyễn Quang Toàn hỏi rằng họ có phải đồ bỏ đi không? Có muốn làm lại cuộc đời không? Có quyết tâm không? Ông khẳng định nếu những học viên có ý chí và nghị lực, mong ước trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội thì ông và các cán bộ trong trung tâm sẽ giúp họ làm lại cuộc đời. Để thể hiện sự tin tưởng vào quyết tâm hướng thiện của các học viên, Giám đốc Toàn cho những người đã cắt cơn nghiện ra phá bỏ hàng rào. Vài tháng sau thấy tình hình yên ổn, ông mạnh dạn thu hồi hết tất cả dùi cui và công cụ hỗ trợ của cán bộ trung tâm và tuyên bố xây dựng một trung tâm không bạo lực, cán bộ và học viên yêu thương, tin tưởng lẫn nhau như một gia đình, đề cao giá trị con người, mang ý nghĩa “nhân văn, nhân đạo và nhân quyền” sâu sắc. Không những thế, mỗi ngày bốn lần, ông Toàn còn cho loa phát thanh của trung tâm phát những bài hát, những mẩu chuyện xúc động về tình cha con, tình vợ chồng và đạo đức làm người... Ông Nguyễn Mạnh Cường - một học viên đã cai nghiện thành công nhận xét: “Nghe mãi như thế, đến đá cũng phải mòn nên chúng tôi chẳng ai bảo ai đều động viên nhau dứt bằng được ma túy để sớm về với gia đình”.
“Ấm yêu thương, thắm nghĩa tình”
Những cán bộ chủ chốt của trung tâm đã tỏa đi khắp nơi tìm những trái tim nhân hậu bắt tay hợp tác. Sau nhiều tháng lặn lội tại mảnh đất Nam Bộ, những sứ giả của lòng nhân ái từ Trung tâm giáo dục, lao động xã hội Hải Phòng đã tìm được bài thuốc hỗ trợ cai nghiện hiệu Bông Sen do chủ nhân là Công ty Hapaco Bến Tre ủng hộ. Niềm vui lại được nhân lên sau những nỗ lực sưu tầm các bài thuốc quý trong kho tàng y học dân tộc. Trung tâm giáo dục, lao động xã hội Hải Phòng lại được dòng họ Vũ Đức ở thôn, Ô Mễ, xã Tràng An, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam - một dòng họ đã bảy đời làm thuốc cứu nhân độ thế từ tâm hiến tặng bài thuốc cắt cơn nghiện ma túy Trường An. Bài thuốc này kết hợp với thuốc Bông Sen sẽ giúp người nghiện không phải trải qua những cơn vật vã, hoang tưởng để phấn đấu tìm lại chính mình. Họ lại tiếp tục những bước chân không mỏi trên khắp các ngả đường, vì mục tiêu hạnh phúc con người và cộng đồng bình yên, những ý tưởng nhân văn đã gặp nhau quy tụ thành trí tuệ.
Hữu xạ tự nhiên hương
Rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi ở Việt Nam đã đến giao lưu, trình diễn từ thiện và viết nhiều bài thơ, bài hát về Trung tâm giáo dục, lao động xã hội Hải Phòng. Nhiều người từ Mỹ, Nga cũng vượt vạn dặm để tới đây chứng kiến những câu chuyện tưởng như huyền thoại, ngỡ ngàng về môi trường cai nghiện nhân văn và hiệu quả. Quốc Vụ Nga - Thượng tướng Saponop, khi đến trung tâm ngày 21/4/2010 đã phát biểu “Thay mặt đoàn đại biểu cơ quan kiểm soát ma túy Liên bang Nga, tôi xin chúc mừng nồng nhiệt các bạn - những người làm việc vô giá vì lợi ích của dân tộc Việt Nam. Chúng tôi mong rằng mỗi thành công của các bạn sẽ góp phần cho thế giới tốt lành, tươi đẹp và thịnh vượng hơn”.
Được ghi nhận và đánh giá những thành tích, kết quả đã đạt được, trung tâm đón nhận hai bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và vui mừng đón Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc... về thăm. Đây là nguồn động viên, khích lệ to lớn để trung tâm tiếp tục phấn đấu đạt nhiều thành tích hơn nữa trong tương lai.
Ma túy đã tước đi phẩm chất lao động sáng tạo của các học viên thì chính tập thể các cán bộ nhân viên ở Trung tâm giáo dục, lao động xã hội Hải Phòng đã giúp họ giành giật lại quyền thiêng liêng đó. Bởi lẽ, họ hiểu rằng được lao động là quyền cao quý nhất của con người. Đối với những người nghiện, liệu còn gì hạnh phúc hơn khi chính họ lại làm ra những sản phẩm tiêu dùng cho xã hội bằng chính bàn tay và khả năng sáng tạo của mình. Ông Phạm Anh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: “Sau khi người nghiện được điều trị cắt cơn theo đúng phác đồ của Bộ Y tế sẽ được luyện tập thể dục, thể thao, tham gia lao động sản xuất với một công việc phù hợp với sức khỏe và trình độ để họ có nghề sinh sống, đủ tự tin sau khi tái hòa nhập cộng đồng”.
Quyết tâm để da dạng hóa ngành nghề, tạo thêm việc làm cho các học viên, 5 cán bộ của trung tâm được tạo điều kiện đi học cách sản xuất gốm tại làng gốm truyền thống Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). Mỗi người phải thành thục một công đoạn trong quy trình sản xuất gốm sứ từ khâu tráng men, vẽ, đổ rót, tiện hàn rồi cuối cùng là sơn nung. Hơn 20 học viên khéo tay đã được tuyển chọn vào làm việc ở xưởng gốm. Học viên Nguyễn Quang Tùng chia sẻ: “Thật hạnh phúc khi thấy sản phẩm do chính tay mình làm ra. Thế mới biết những gì tay mình làm ra mới thật đáng quý, đáng được nâng niu trân trọng. Khi mẻ gốm đầu tiên được nung xong và chuyển lên giá đỡ, một số anh em vui sướng đã bật khóc. Không vui sao được khi những sản phẩm gốm kia có phần công sức từ bàn tay, khối óc và cả mồ hôi của mình”. Học viên Nguyễn Duy Quang tâm sự: “Chúng tôi ở đây, được điều trị cai nghiện, học nghề, vật chất, tinh thần đầy đủ, biết ơn “thầy Toàn” và các cán bộ lắm. Xưởng gốm này cũng do bạn của “thầy” về giúp xây dựng lên”.
Từ ngày về quản lý, ông Toàn đã huy động công sức học viên quy hoạch và xây dựng mấy trăm ha đầm lầy, nước lợ của trung tâm thành các ao thả cá, khu trồng nấm rơm, nấm linh chi, nuôi lợn rừng, lợn thịt quy mô công nghiệp, nung vôi, làm vàng mã xuất khẩu sang Đài Loan, đóng giày, làm gốm sứ, nuôi chim và thú rừng, trồng lan... mang lại hiệu quả kinh tế hàng tỷ đồng mỗi năm, nên học viên nào cũng có việc làm và họ đều được trả lương từ những thành quả lao động ấy. Mô hình hướng nghiệp dạy nghề mà trung tâm đang thực hiện được đánh giá cao không chỉ vì giá trị kinh tế mà quan trọng hơn là nhờ phương pháp cùng làm với các học viên, giúp cán bộ có thể hiểu học viên hơn và thay đổi được nhận thức trong công tác quản lý giáo dục học viên. Đồng thời, lao động đã tạo ra thu nhập giúp học viên từ bỏ thói quen chây lười, sống thụ động, tạo kỹ năng lao động và tăng thêm năng lực giúp họ chống tái nghiện và hòa nhập với cộng đồng.
Sự nỗ lực phi thường không biết mệt mỏi của các cán bộ và học viên trung tâm đã được đền đáp xứng đáng. Vùng Gia Minh chỉ có đồng chua, nước mặn, bèo tây và cỏ dại còn không sống nổi, vậy mà giờ đây nơi đó đã được thay thế bằng cơ ngơi khang trang với phong cảnh sơn thủy hữu tình. Hai câu thơ “Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đã cũng thành cơm” quả không sai khi nói về trung tâm này.
Không chỉ quan tâm đến việc dạy nghề, trung tâm còn chú trọng đến những hoạt động vui chơi giải trí, rèn luyện thân thể kết hợp với giáo dục nếp sống văn hóa cho các học viên. Bên cạnh đó, việc giảng dạy pháp luật cũng được chính thức đưa vào trung tâm, để giúp học viên nâng cao trí thức, tạo thói quen làm việc tuân thủ pháp luật. Trung tâm còn tổ chức khu “chợ phiên tình nghĩa” để các học viên bày bán các sản phẩm do chính họ làm ra, tạo không khí gắn kết giữa các học viên với cộng đồng xã hội. Có lẽ chính vì môi trường lao động yên lành và lý tưởng như vậy nên rất nhiều học viên sau khi cai nghiện thành công đã xin ở lại lao động sản xuất và được trung tâm chấp thuận, được cấp thẻ bảo hiểm xã hội và hưởng chế độ hưu trí, quả là một chính sách nhân văn chưa từng có.
Ngày hồi gia, mỗi học viên đều được đích thân Giám đốc Nguyễn Quang Toàn tặng cho một bộ quần áo mới và một đôi giày mới với mong muốn cho họ một hình hài mới và để họ tự đi trên chính đôi chân của mình trên con đường phục thiện, làm lại cuộc đời. Hơn nữa, tất cả các học viên khi ra khỏi trung tâm đều được lĩnh một khoản tiền tuy không lớn nhưng là thành quả lao động của họ, là món quà tinh thần lớn lao làm hành trang giúp họ tư tin hơn trên đường đời.
Bài và ảnh:Mỹ Lệ
Tin Tức