Chủ nhật, 16/6/2013, 22h06

Trẻ cần gì khi cha mẹ ly hôn?

Cha mẹ là chỗ dựa vững chắc của con. Ảnh: I.T
“Mẹ ơi ba đi đâu mà lâu rồi không thấy? Ba đi công tác lâu về thế mẹ? Mẹ ơi, sao ba chỉ chơi với con một chút là đi rồi?”...
Hậu ly hôn cha/mẹ phải hứng nhiều câu hỏi tưởng chừng ngây ngô của con nhưng lại chẳng khác gì những lưỡi dao cứa vào lòng mà không biết phải trả lời như thế nào.
“Sao không nói cho con biết”
Thật khó để cha mẹ thông báo rằng từ nay con chỉ có thể ở với cha hoặc mẹ. Chính vì thế giấu giếm con cái là cách được nhiều người lựa chọn để tránh đối mặt với sự thật, tránh cho con không bị tổn thương. Cha mẹ chọn cách nói dối vòng vo như vậy thì chỉ giải quyết vấn đề ở thời gian ngắn chứ không thể giải quyết dứt điểm.
“Hai chúng tôi đã ly hôn gần một năm nay. Con tôi cũng đã 6 tuổi, rất nhiều lần cháu hỏi mẹ ơi sao ba không ở chung với hai mẹ con mình nữa? Lâu rồi con cũng không thấy ba về đây đưa con đi công viên chơi. Những lúc ấy tôi thường trả lời ba đi công tác con à. Ba đi xa, phải lâu lắm ba mới về. Cháu nghe nói vậy thì thôi không hỏi nữa. Nhưng một hôm tôi rước cháu đi học về thì vô tình cháu thấy ba chạy ngược chiều, cháu hét lên “Ba ơi” và đưa tay vẫy vẫy. Sau đó thì tôi đành phải nói ba mẹ đã không ở chung với nhau nữa. Sau khi dứt tiếng nấc cháu nói ba mẹ ly hôn lâu chưa, sao không nói cho con biết? Quả thật tôi đã rất bất ngờ khi cháu mới 6 tuổi nhưng có thể nói ra hai chữ “ly hôn”. Sau đó thì cháu không còn đòi ba nữa mà chỉ mong đến cuối tuần lại được ba chở đi chơi”. Chị Ngọc Hân (Q.9) chia sẻ trong một buổi tư vấn hôn nhân gia đình.
Trẻ nhỏ vốn rất nhạy cảm với môi trường sống thay đổi. Đang sống đầy đủ trong tình thương đột ngột bị “sứt” một phần khiến trẻ hụt hẫng. Trẻ rất cần sự chia sẻ, giúp đỡ chuẩn bị tâm lí để đón nhận cuộc sống khuyết một thành viên trong gia đình. Hậu ly hôn cha mẹ cũng nên cân nhắc đến áp lực mà trẻ phải chịu. Áp lực nhiều nhất chính là từ bạn bè chọc ghẹo. Những lời nói vô tình không ác ý của bạn bè lại khiến trẻ mặc cảm, bị tổn thương sâu sắc.
Cha mẹ cần làm gì cho con?
Không ít trẻ đã thay đổi theo chiều hướng xấu sau cuộc hôn nhân đổ vỡ của cha mẹ. Cụ thể, trẻ sống khép mình lầm lì, tự kỉ hoặc sống buông thả cũng không phải là kết cục mà bất kì cha mẹ nào muốn.
Bằng mọi cách nên thông báo cho con biết sự đổ vỡ hôn nhân của cha mẹ để trẻ chuẩn bị tâm lí. Ngay cả cha mẹ khi ly hôn cũng cần một thời gian chuẩn bị thì tại sao không cho con mình hiểu hoàn cảnh mà trẻ cũng là người trong cuộc. Tìm một người thân đáng tin cậy như ông/bà, cô/chú… đóng vai trò là người thế cha/mẹ khuyên nhủ định hướng khi trẻ đang mất lòng tin vào cha/mẹ. Có một người động viên khi cha hoặc mẹ tạm thời không được con xem là chỗ dựa tinh thần nữa đó là thứ trẻ cần. Thế nhưng tư tưởng của những người trong cuộc thường là “đèn nhà ai nấy rạng” nên để làm được điều này cha mẹ phải thật dũng cảm vượt qua lối mòn suy nghĩ của mình.
Hậu ly hôn cha/mẹ thường có hai xu hướng sống chỉ nghĩ tới mình, thiếu sự quan tâm đến con và giáo dục con khắt khe hơn đồng thời xem con là nơi trút giận. Hai xu hướng này đều không tốt. Dúi cho con một ít tiền mỗi tuần, mỗi tháng, thuê người làm để mắt đến con thế là hết trách nhiệm. Ngược lại, cha hoặc mẹ lại quá khắt khe với con, làm gì không vừa mắt là mắng chửi, đánh đập. Quá đáng hơn khi cha/mẹ còn dí tay vào trán con mà chì chiết “mày giống bố mày, mày giống mẹ mày” khiến trẻ mặc cảm, tìm cách hủy hoại bản thân. Bên cạnh đó vấn đề về kinh tế đè nặng cũng khiến cho cha/mẹ không kiểm soát được hành vi của mình đối với con cái. Vậy nên cha/mẹ cần giữ cho mình “cái đầu lạnh” như lúc đặt bút kí vào đơn ly hôn.
Tiếp theo đó, việc tái hôn của cha hoặc mẹ cũng là một cú sốc lớn đối với trẻ. Đừng bắt trẻ phải chấp nhận đột ngột, cho con thời gian “tiêu hóa” thông tin và đón nhận thông tin.
Hậu ly hôn, cũng như cha mẹ trẻ cần chuẩn bị đầy đủ về mặt tinh thần cho một cuộc sống mới. Ai cũng mong muốn sẽ không có nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh éo le này. Thế nhưng, trong cuộc sống vốn dĩ không phải mong muốn là được nên cha mẹ cần xử sự đúng mực để những mầm non vẫn được lớn lên xanh tốt.
Khánh Đan
Cha mẹ cần tránh xung đột hậu ly hôn
Trẻ sẽ rất mâu thuẫn không biết mình nên theo “phe” ai. Nếu cả cha và mẹ cùng nói xấu lẫn nhau kéo con về phía mình sẽ ảnh hưởng đến lối suy nghĩ cả hai đều xấu, cha hoặc mẹ xấu. Nguy hiểm hơn nếu trẻ nghĩ mình là nguyên nhân tan vỡ cuộc hôn nhân của cha mẹ thì sẽ có nguy cơ sống khép kín xa lánh cha mẹ là điều tất yếu. Vì thế, hậu ly hôn cha mẹ nên hạn chế tới mức tối đa xung đột trước mặt con cái. Cho qua những tình tiết nhỏ nhặt và tốt nhất đừng khơi lại chuyện cũ làm trẻ càng trở nên dằn vặt, buồn bã. Càng lớn nhận thức của trẻ càng tăng dần sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ.