Thứ hai, 6/4/2009, 13h04

Đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn: Khó khăn từ chính đối tượng được đào tạo và thụ hưởng

Dạy nghề và đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn đang là một chủ trương lớn của Nhà nước. Chủ trương thì hết sức đúng đắn, chính sách hỗ trợ của nhà nước cho thanh niên nông thôn cũng hết sức cụ thể và rộng rãi khi quy định rõ ràng. Mọi việc tưởng chừng hết sức dễ dàng, tuy nhiên, có một thực tế hết sức bất cập đang tồn tại hiện nay đó là thanh niên nông thôn vẫn quay lưng lại với chuyện học nghề. Vậy nguyên nhân vì sao? Thực tế ở TP.HCM…

Cơ sở vật chất còn quá yếu kém

Đây có thể nói là một sự thật không thể chối bỏ và cũng là một nguyên nhân không nhỏ khiến cho thanh niên nông thôn quay lưng lại với việc học nghề. Khảo sát thực tế của chúng tôi tại một số trung tâm dạy nghề (TTDN) ở Bình Chánh, Nhà Bè, Q,12 (TP.HCM) cho thấy nhận xét trên là hết sức rõ. Chúng tôi sẽ không thể tìm ra TTDN huyện Nhà Bè nếu không có bảng chỉ dẫn ở ngoài đường. Nằm cách lộ chính có 100m nhưng nhìn vào không ai có thể ngờ đó là TTDN của một huyện tại TP.HCM. Tuy chúng tôi đến vào giờ hành chính (giờ giảng dạy, hoạt động của trung tâm) nhưng các phòng ở đây đều “cửa đóng, then cài”, chỉ có một vài phòng ban là có nhân viên làm việc. Sân trung tâm cỏ dại mọc đầy, ngoài hành lang lưa thưa vài chiếc ghế cũ rích nằm chỏng chơ. Đưa mắt nhìn qua cánh cửa khóa gỉ sét, bên trong còn một số “máy móc” xếp chồng lên nhau. Trao đổi với một nhân viên tại trung tâm chúng tôi được biết hiện nay trung tâm chỉ mở được một lớp may công nghiệp với vài chục em theo học còn các nghề khác thì hoàn toàn không có. Ông Nguyễn Hữu Hiệp, nhà cách TTDN khoảng 500 mét nói: “Hồi trước thằng út tôi học xong bậc THCS, thấy cháu nó học lên không nổi tôi tính cho cháu theo học một cái nghề ở đây. Nhưng vào hỏi thì họ nói dạy có mỗi nghề may, cơ sở vật chất thì quá tệ nên tôi để cháu nó đi làm cho một công ty giày da dưới quận 12, vừa có tiền vừa được học nghề”.

Tại TTDN huyện Bình Chánh, tình hình cơ sở vật chất cũng không sáng sủa gì hơn so với Nhà Bè. Các phương tiện, dụng cụ hỗ trợ việc thực hành và học của học viên quá cũ kỹ. Lớp nghề sửa chữa xe máy, nhưng phương tiện học tập của học viên tại trung tâm chỉ có vài lốc máy xe gắn máy cũ kỹ từ thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, nay vẫn được trung tâm mang ra dạy cho học viên mà không hề thấy một loại model mới nào. Hay như nghề phay-tiện-bào thì máy móc cũ kỹ so với máy móc các doanh nghiệp đang sử dụng hiện nay hàng chục năm.

TTDN Q.12 thì có điều kiện cơ sở vật chất tương đối tốt nhưng các phương tiện kỹ thuật phục vụ việc học của học viên cũng còn hết sức khiêm tốn.Theo cáo cáo của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM mà chúng tôi có được thì hiện TP có 370 cơ sở dạy nghề, trong đó có 9 trường cao đẳng và 22 trường trung cấp nghề. Quy mô đào tạo hàng năm trên 30.000 học sinh trung cấp nghề, 12.000 học sinh cao đẳng nghề và khoảng 320.000 học viên sơ cấp nghề. Năm 2008, quy mô tuyển sinh đào tạo các trường nghề đạt gần 360.000 học sinh. Song những thành tích kể trên chỉ tập trung vào các trường trung cấp, cao đẳng nghề hay một vài trung tâm có chất lượng như: quận Bình Thạnh, quận 9, Q.5, Q.3… còn phần lớn TTDN quận, huyện đang trong tình trạng cơ sở vật chất yếu kém, trang thiết bị thì “có cũng như không”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB-XH TP.HCM nhìn nhận: Hoạt động dạy nghề vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, bất cập lớn, như tỷ lệ lao động qua đào tạo chưa đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất kinh doanh, nhiều ngành nghề cần lao động có tay nghề không tuyển đủ nhân lực, chất lượng, hiệu quả đào tạo chưa cao, rồi đầu tư chưa tương xứng, tổ chức bộ máy và cơ chế quản lý chưa phù hợp. Một số quận huyện tuy được đầu tư cơ sở vật chất rất tốt như huyện Cần Giờ và Q.2 nhưng vẫn không có học viên đến học. Điều đó chứng tỏ một điều thanh niên nông thôn vẫn chưa thật sự mặn mà với việc học nghề mà còn mang nặng tư tưởng đi làm thuê là chính. Do đó việc dạy nghề, tạo việc làm cho thanh niên nông thôn hiện nay là bài toán không phải đơn giản.

Mang nặng tư tưởng làm thuê

Đây là một thực tế mà chúng tôi ghi nhận được tại một số địa bàn có tỉ lệ đất nông nghiệp còn tương đối cao như: Q.12, Q.9, Bình Chánh, Cần Giờ.

Hộ bà Nguyễn Thị T.C ngụ phường Thạnh Xuân, quận 12 là một ví dụ. Mặc dù chính quyền địa phương trợ vốn nhiều lần nhưng gia đình bà nghèo vẫn cứ nghèo, nguồn vốn vay được bà dùng vào việc…chi tiêu hàng ngày của gia đình. Bốn đứa con trong tuổi lao động nhưng không có nghề nghiệp lẫn trình độ văn hóa và phải làm thuê làm mướn đủ nghề để kiếm sống. Tuy vậy, khi chính quyền địa phương đề nghị trợ vốn cho các con bà học nghề, cả bốn đứa con của bà đều lắc đầu với lý do: “Lo kiếm ăn từng bữa còn không xong, thời gian đâu đi học nghề, chẳng thà cứ đi làm thuê như thế này mà chắc ăn, đi học nghề chắc gì khấm khá hơn”. Riêng cô con gái út của bà năm thì lại hơi phi thực tế khi nhất quyết chỉ học Anh văn và vi tính chứ không chịu học may. Bởi theo cô học may công nghiệp thì đi học làm gì, vào xí nghiệp người ta đã dạy rồi. Tuy nhiên, cô gái trẻ này lại quên mất một điều: đó là trình độ của cô còn chưa hết tiểu học thì làm sao theo học mấy ngành trên?.

Thực tế cho thấy Quận 12, Q.9, Bình Chánh, Thủ Đức trước đây là vùng nông thôn, với đất đai chủ yếu là đất nông nghiệp. Chính vì thế thanh niên nông thôn ở đây chủ yếu quen với việc làm nông và làm thuê, làm mướn, người dân ít chữ lại quen với nghề làm nông nghiệp. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa quá nhanh của TP nên những vùng đất nông nghiệp ở các quận trên phần lớn đều vướng vào quy hoạch. Sau khi được Nhà nước đền bù thỏa đáng họ nhận tiền di dời đi chỗ khác mà chưa kịp thích nghi hoặc tới chỗ tái định cư mà không có một nghề cụ thể nào trong tay, dù họ được chính quyền địa phương hết sức tạo điều kiện. Nhưng do tâm lý quen sống kiểu tự nhiên lại có suy nghĩ sống ngày nay không nghĩ đến ngày mai mà phần lớn thanh niên nông thôn ở đây khi “ly nông” chỉ chọn con đường làm thuê kiếm sống chứ không chịu theo học nghề.

Nói đến việc học nghề của thanh niên nông thôn, ông Đặng Bốn, Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp - đào tạo, Trung tâm Dạy nghề quận 2, bức xúc: “Năm trước chúng tôi có tổ chức cho thanh niên trên địa bàn quận học nghề để về làm việc tại khu công nghệ cao quận 9. Tiền học không phải đóng, trong khi học có xe đưa đón, học xong có việc làm liền. Nhưng thật trớ trêu học được 2-3 tháng không em nào chịu đi học nữa”. Gặp khó khăn tương tự như quận 2 trong việc kéo thanh niên nông thôn đến lớp học nghề là một số quận ngoại thành như: Nhà Bè, Bình Chánh, quận 9, quận 12, Củ Chi. Những quận trên tình hình còn thê thảm hơn vì quá trình đô thị hóa quá nhanh, thanh niên nông thôn không kịp thích ứng. Mặt khác, các trung tâm dạy nghề lại thiếu sự đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nên không đáp ứng được nhu cầu của người học.

Giải pháp nào?

Theo cán bộ chuyên trách XĐGN quận 12, phần lớn thanh niên những hộ nằm trong chương trình XĐGN của địa phương hiện nay đều không trình độ, không tay nghề, có tâm lý làm bữa nào xào bữa đó không chịu học nghề. Do đó các cấp ban ngành cần phải làm công tác tư tưởng để xóa bỏ nếp suy nghĩ trên của thanh niên nông thôn thì mới mong kéo họ đến trường nghề được.

Theo số liệu thống kê, bình quân mỗi năm các quận huyện vùng ven như quận 9, 12, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ… đều ưu tiên chi hàng trăm triệu đồng cho hoạt động dạy nghề (miễn giảm 50% - 100% học phí) cho diện XĐGN, cho các học viên thuộc chương trình 135 với hàng chục lớp, gồm nhiều ngành nghề và tất cả các buổi trong ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho họ lựa chọn nhưng số học viên đăng ký rất ít và nhiều người học nửa chừng thì bỏ vì cho rằng học nghề không hiệu quả. Chính từ tâm lý ngại khó, tính thiếu kỷ luật và lười học là rào cản lớn nhất ngăn cản số thanh niên nông thôn trên đến với trường nghề. Bởi theo báo cáo hàng năm của Ban xóa đói giảm nghèo TP thì BCĐ XĐGN&VL chi hàng tỷ đồng để đào tạo nghề cho người nghèo, trong đó tập trung khá nhiều ở vùng ven. Nhưng trên thực tế số lao động nghèo theo học nghiêm túc không cao và số có việc làm lại rơi rụng sau đó là rất nhiều. Từ những nguyên nhân chủ quan trên ông Trần Văn Sang, Phó giám đốc Trung tâm Việc làm thanh niên góp ý: Theo ông thì trước hết chúng ta cần phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, đầu tư mạnh hơn nữa vào cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học (đa ngành nghề) để thu hút được thanh niên nông thôn theo học nghề. Bên cạnh đó chúng ta cần có nhiều kênh thông tin hơn để cho thanh niên nông thôn dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu những ngành nghề mà mình dự định theo học, cũng như việc định hướng cho họ, giúp họ hiểu rõ hơn học xong ra trường họ sẽ làm gì…Có thực hiện đồng bộ và tháo gỡ những khó khăn còn tồn tại trên thì mới mong kéo được thanh niên nông thôn đến với trường nghề.

Theo GD&TĐ