Thứ năm, 14/5/2009, 10h05

Kinh nghiệm phổ cập bậc trung học ở Bình Tân

Cán bộ phải tâm huyết

Một lớp phổ cập quận Bình Tân

Nhân dịp quận Bình Tân vừa được UBND TP.HCM công nhận đơn vị đạt chuẩn phổ cập bậc trung học, phóng viên Báo Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc nói chuyện với ông Phan Thành Lập - Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Tân:
Ông cho biết những khó khăn và thuận lợi của quận nhà trong công tác phổ cập giáo dục?
- Sau khi tách quận, UBND quận Bình Tân đã đề ra chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09 của Đảng bộ về công tác phổ cập; sau đó được chỉ đạo xuống các phường, đảng ủy phường cùng thực hiện. Trưởng ban chỉ đạo công tác phổ cập bậc trung học tại các phường là các đồng chí bí thư đảng ủy phường. Đây chính là một thế mạnh riêng mà quận Bình Tân có được.
Việc xây dựng trường lớp ban đầu có khó khăn nhưng quận đã nhanh chóng thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp trong từng giai đoạn nên tạo nhiều thuận lợi cho công tác phổ cập. Năm 2007-2008 ngoài sửa chữa Trường THPT An Lạc, toàn quận đã xây mới được 4 trường mầm non, 4 trường tiểu học, 4 trường THCS và 1 trường THPT. Công tác xã hội hóa ngày càng được chính quyền quan tâm và phát huy thêm thế mạnh, cụ thể Công ty Big C ủng hộ 450 triệu đồng xây một trung tâm học tập cộng đồng tại phường Bình Hưng Hòa B, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Tân Tạo xây tặng Trường MN Tân Tạo…
Về khó khăn, tiến độ xây dựng trường lớp vẫn còn chậm, chưa đáp ứng đủ nhu cầu học tập của con em người dân. Nhiều năm nay phường Bình Hưng Hòa luôn quá tải do diện KT2, KT4 nên phải vận động phụ huynh cho con em về phường Bình Trị Đông nhập học lớp 1. Về cấp THCS, 3 phường (Bình Hưng Hòa, Bình Hưng Hòa A và Bình Hưng Hòa B) chỉ có một trường ở Bình Hưng Hòa B nên chúng tôi phải huy động học sinh về học tại Trường THCS Bình Trị Đông và Bình Trị Đông A dù phải học xa nhà.
Tình trạng học sinh bỏ học diễn biến phức tạp do nhận thức người dân nên rất khó huy động trở lại lớp. Trong quận có nhiều khu công nghiệp tạo thành lực hút cho thanh thiếu niên bỏ học đi làm để mưu sinh, danh sách luôn biến động nhất là diện KT4 chuyển sang KT3 nhanh nên phải phổ cập thường xuyên. Một số học viên phổ cập do liên tục tăng ca nên thiếu chuyên cần. Đội ngũ chuyên trách mỏng, tay nghề chưa cao.
Ngoài đóng góp của Phòng GD-ĐT các tổ chức khác như Hội khuyến học, Hội phụ nữ… đã có vai trò như thế nào trong việc vận động người dân ra lớp, xóa mù chữ và phổ cập giáo dục trung học?
- Phòng GD-ĐT chúng tôi quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ để sớm được công nhận đạt chuẩn phổ cập bậc trung học. Đội ngũ cán bộ năng động, thường xuyên tham mưu với UBND quận và có hướng chỉ đạo xuống cơ sở, giao ban kịp thời. Hội khuyến học trao nhiều suất học bổng, Hội phụ nữ cùng chuyên trách phường ký liên tịch với chính quyền đẩy mạnh phong trào xóa mù chữ cho chị em độ tuổi từ 15 đến 40.
Có được thành tích này chắc chắn phải nhờ sự đóng góp tích cực của nhiều đơn vị, cá nhân các ban ngành?
- Có thể kể một số cá nhân tích cực trong phong trào như: ông Trần Văn Thuận, ông Phạm Văn Mười (UBND quận), ông Nguyễn Văn Hoàng (Bí thư Quận ủy), chị Nguyễn Kim Liên, chị Trịnh Thị Ánh Hồng (BCH Hội phụ nữ quận), chị Thúy (P. Bình Trị Đông B), chị Nguyễn Thị Đẹp (P.An Lạc), ông Lê Thọ (Chủ tịch Hội khuyến học quận)… và rất nhiều cá nhân khác nữa.
Bài học kinh nghiệm về công tác phổ cập của một quận vùng ven, thưa ông?
Theo tôi, trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu đúng vai trò và nhiệm vụ của công tác phổ cập nhất là những người trình độ nhận thức còn hạn chế. Ban chỉ đạo phải có sự phối hợp và phân công cụ thể, có lộ trình đi rõ ràng. Phải đầu tư thỏa đáng hệ thống trường lớp; nếu xây đủ trường THCS, THPT thì sẽ không có tình trạng bỏ học. Đội ngũ cán bộ làm công tác phổ cập phải có kinh nghiệm, tâm huyết và quyết tâm cao thì khó mấy cũng làm được.
P.N.Q (thực hiện)