Thứ năm, 21/5/2009, 15h05

Về cơ bản, đội ngũ nhà giáo có ý thức chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt

Giáo viên nữ chiếm tỉ lệ cao trong các bậc học. Ảnh: Vĩnh Linh

Đạo đức nghề nghiệp của GV được đánh giá cao trong Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 09/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 09) và Đổi mới công tác tổ chức cán bộ và quản lý cơ sở GD. Tuy nhiên, GV mầm non còn hạn chế về năng lực trong việc nuôi dạy trẻ; GV phổ thông đang vừa thừa, vừa thiếu; khả năng giảng dạy thực hành của GV TCCN còn hạn chế; thiếu giảng viên ĐH, CĐ đặc biệt đối với những chuyên ngành mới, môn học mới…

Tăng số lượng giáo viên, giảng viên, song vẫn thiếu…

Tại Hội nghị (được tổ chức tại 4 đầu cầu truyền hình: Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh), báo cáo về QĐ 09 của Bộ GD- ĐT đã cho biết: Tính đến năm học 2007- 2008, cả nước có 1.055.078 nhà giáo, tăng 79.800 nhà giáo (7,56%) so với năm học 2004- 2005. Tuy nhiên, đi vào sơ kết từng cấp học thì ở GD Mầm non về số lượng vẫn thiếu so với định mức quy định. Ở cấp tiểu học, so với yêu cầu dạy học 2 buổi/ ngày thì số lượng GV hiện nay mới chỉ đáp ứng được 86% nhu cầu, đặc biệt là còn thiếu GV các môn: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Thể dục, Ngoại ngữ. Theo báo cáo, trong 2 năm tới phải tập trung đào tạo, chuẩn hoá cho hơn 4.600 GV tiểu học trong toàn quốc để đạt mục tiêu của QĐ 09. Cấp THCS cũng thiếu GV ở các môn: Tin học, Hoá học, Sinh học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ… Để đến năm 2010 có 100% GV THCS đạt chuẩn thì trong 2 năm tới phải chuẩn hoá cho 5.100 GV của cấp học này. Cấp THPT đến 2010 phải có 10% GV có trình độ thạc sĩ trở lên thì nhận định của Bộ GD- ĐT cho rằng chỉ tiêu này khó đạt được, vì trong 2 năm tới không kịp đào tạo 8.000 thạc sĩ cho các trường THPT. Ở GD thường xuyên, về cơ cấu, hầu hết các TTGDTX không bố trí đủ loại hình GV dạy 7 môn bắt buộc theo chương trình GDTX mà phải hợp đồng với GV từ các trường THPT. Trung cấp chuyên nghiệp, số GV có trình độ đạt chuẩn đào tạo chiếm tỷ lệ cao, trong đó số trên chuẩn đã tăng và cao hơn mục tiêu đề ra cho năm 2010 là 5,85%. Lĩnh vực dạy nghề có tỷ lệ GV/HS ở các cơ sở dạy nghề đạt 1/25. GD Đại học có tỷ lệ giảng viên trình độ sau ĐH tăng, nhưng tỷ lệ có trình độ tiến sĩ lại có xu hướng giảm (từ 15,56% xuống 14,77%). Tỷ lệ bình quân SV/GV năm học 2007- 2008 là 23.32, so với chỉ tiêu 20 SV/GV ở QĐ 09 thì tỷ lệ SV/GV hiện nay còn ở mức cao. So với chỉ tiêu đặt ra, đến 2010 phải có 40% GV các trường ĐH, CĐ có trình độ thạc sĩ, trên thực tế, chỉ tiêu này chỉ đạt được ở các trường ĐH, khó đạt được đối với CĐ.

Về đạo đức nghề nghiệp, Bộ GD- ĐT cho biết: Về cơ bản đội ngũ nhà giáo (NG) có ý thức chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt. Hầu hết NG tận tuỵ với nghề, cần cù chịu khó, có tinh thần trách nhiệm, sáng tạo và quyết tâm tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhiều NG được kết nạp Đảng, được công nhận GV dạy giỏi các cấp. Từ 2005 đến nay đã 484 NG được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, 64 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân. Tuy nhiên, đội ngũ NG vẫn còn những hạn chế, yếu kém như: GV mầm non vẫn còn thiếu, một bộ phận GV mầm non còn hạn chế về năng lực trong việc nuôi dạy trẻ. GV phổ thông đang ở tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, phương pháp dạy học, khả năng khai thác, sử dụng đồ dùng, thiết bị dạy học, đánh giá HS vẫn là điểm yếu của đội ngũ GV phổ thông. GV các TTGDTX cũng đang thiếu về số lượng và chưa cân đối về cơ cấu môn học. Khả năng giảng dạy thực hành, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm của GV TCCN còn hạn chế. Số lượng GV dạy nghề tăng chưa tương xứng với quy mô đào tạo, cơ cấu ngành nghề còn chưa hợp lý. Năng lực giảng dạy, kỹ năng thực hành nghề của một bộ phận GV còn hạn chế. Tình trạng thiếu giảng viên ĐH, CĐ vẫn chưa được khắc phục, đặc biệt đối với những chuyên ngành mới, môn học mới; phương pháp giảng dạy, khả năng nghiên cứu khoa học vẫn là điểm yếu của đội ngũ giảng viên. Trình độ tin học và ngoại ngữ của NG còn yếu; một bộ phận nhỏ nhà giáo thiếu gương mẫu, vi phạm đạo đức, lối sống và chuẩn mực của người thầy…
Cần tạo sự đột phá mạnh mẽ trong hoạt động quản lý GD

Sau 3 năm thực hiện QĐ 09, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) đã có sự cải thiện nhất định về số lượng, cơ cấu và chất lượng, nhưng chưa tạo ra sự đột phá mạnh mẽ trong hoạt động quản lý GD ở các cấp quản lý và các cơ sở GD do những hạn chế, yếu kém nhất định. Theo Bộ GD- ĐT, Năng lực của một bộ phận CBQLGD các cấp và các cơ sở GD chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ trong thời kỳ hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, còn hạn chế trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch; tham mưu, xây dựng chính sách; chỉ đạo, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn của bộ, ngành. Đa số CBQLGD các cấp và các cơ sở GD vẫn làm việc dựa vào kinh nghiệm cá nhân, tính chuyên nghiệp thấp; trình độ ngoại ngữ, tin học còn rất hạn chế; một bộ phận CBQLGD còn chưa thực sự chuyên tâm với nghề nghiệp nên chưa làm tốt chức trách nhiệm vụ được giao.

Sơ kết 3 năm thực hiện QĐ 09 cho thấy hệ thống đào tạo, bồi dưỡng NG và CBQLGD đã được củng cố tăng cường; đã đẩy mạnh việc xây dựng 2 trường ĐH sư phạm trọng điểm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; nâng cấp Trường Cán bộ quản lí GD và đào tạo thành Học viện Quản lí GD; đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng NG và CBQLGD; xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng và quản lý chất lượng, làm cơ sở cho việc xem xét, đánh giá chất lượng của các trường sư phạm. Mặc dù hệ thống các trường sư phạm đã được củng cố, tăng cường nhưng chất lượng đào tạo chưa được cải thiện nhiều, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Việc chuyển đổi hệ thống các trường sư phạm sang đa ngành mới chỉ đáp ứng một phần về nhu cầu lao động của xã hội nhưng chưa khẳng định được tính ưu việt trong đào tạo GV. Mạng lưới các trường/ khoa sư phạm tuy phủ rộng các vùng miền, đã có 2 trường ĐH sư phạm trọng điểm nhưng vẫn thiếu sự liên kết và thiếu các trung tâm sư phạm mạnh ở từng khu vực để hỗ trợ các cơ sở sư phạm khác ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa... Vẫn còn thiếu sự quan tâm đến các trường thực hành sư phạm và công tác rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, thực tập tốt nghiệp của SV sư phạm. Các cơ sở đào tạo GV chưa gắn việc đào tạo với nhu cầu. Dự báo nhu cầu, xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD còn chắp vá, ngắn hạn, thiếu cụ thể, chưa có quy hoạch chiến lược, dài hạn cho toàn ngành. Đội ngũ giảng viên sư phạm còn thiếu, trình độ hạn chế. Hệ thống các cơ sở đào tạo bồi dưỡng CBQLGD chưa được quy hoạch hợp lý…

Trong 3 năm qua, việc tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên các trường ĐH, CĐ, GV TCCN, dạy nghề hàng năm còn ít được chú trọng, chưa đáp ứng nhu cầu. Chưa có cơ chế phát huy tài năng, sàng lọc, cạnh tranh trong đội ngũ giảng viên ĐH, CĐ, TCCN, dạy nghề. Đội ngũ này còn thiếu động lực tự học, tự bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao trình độ...

Các trường sư phạm phải là "đầu tàu" không thể để lạc hậu

Bộ GD- ĐT đã nêu 4 giải pháp cơ bản để tiếp tục triển khai thực hiện QĐ 09. Trong đó, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua để tăng cường trật tự, kỷ cương, nề nếp trong dạy học và quản lý GD; tiếp tục đổi mới quản lý GD, xây dựng, hoàn thiện chính sách, chế độ đối với đội ngũ nhà giáo và CBQLGD; tập trung củng cố, nâng cao năng lực hệ thống các cơ sở đào tạo bồi dưỡng nhà giáo và CBQLGD, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên các trường ĐH, CĐ và GV các trường TCCN, dạy nghề; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD. Dự trù kinh phí để thực hiện từ nay đến 2012 là 28.000 tỷ (mỗi năm 7.000 tỷ, theo khái toán của Vụ KHTC).

Để thực hiện QĐ 09, Bộ GD- ĐT kiến nghị Chính phủ: Cho phép kéo dài lộ trình thực hiện Đề án 09 đến 2012; chỉ đạo các Bộ, ngành xây dựng các chế độ, chính sách ưu đãi thích hợp để tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo và CBQLGD yên tâm công tác, có chính sách phù hợp, đủ mạnh đê điều tiết cơ cấu thừa, thiếu GV giữa các vùng miền; cho phép ngành GD- ĐT tiếp tục thực hiện quỹ biên chế 8% bù nữ GV nghỉ sinh con và quỹ tiền lương tương ứng 5% biên chế GV thay nhau đi học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ tập trung; có chế độ phụ cấp thâm niên, phụ cấp nghề nghiệp cho nhà giáo và CBQLGD. Cho phép kéo dài thời gian công tác của NG có trình độ tiến sĩ, GS, PGS đã đến tuổi nghỉ hưu còn đủ sức khoẻ, có nguyện vọng tiếp tục được giảng dạy ở các cơ sở GD có nhu cầu; chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và các địa phương bố trí nguồn kinh phí cho công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ NG và CBQLGD… Bộ GD- ĐT cũng có kiến nghị các Bộ, ngành, đơn vị liên quan và UBND các tỉnh, thành phố TW một số nội dung nhằm góp phần thúc đẩy việc thực hiện QĐ 09.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Trong các bậc học lĩnh vực ĐH, CĐ, TCCN và dạy nghề là nơi mất cân đối lớn nhất về số lượng và chất lượng (Còn thiếu tới 20.000 GV ĐH để đảm bảo tỉ lệ SV/GV). Đây là thách thức rất lớn. Nếu không có giải pháp tập trung và đồng bộ thì không thể giải quyết được trong 5, 7 năm tới (mặc dù cách làm vừa qua có nhiều tiến bộ). Bộ GD- ĐT sẽ có Chỉ thị của Bộ trưởng về triển khai công tác bồi dưỡng và phát triển GV trong 2, 3 năm tới. Bộ trưởng Bộ GD- ĐT sẽ bàn với Bộ trưởng Bộ LĐ- TB &XH để có Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ LĐ- TB&XH về phát triển đội ngũ GV dạy nghề trong giai đoạn sắp tới.

Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 09/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 09) và Đổi mới công tác tổ chức cán bộ và quản lý cơ sở GD có sự tham gia của: 736 đại biểu của ngành GD, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, đại diện của UBND 42 tỉnh thành phố, các trường ĐH, CĐ, TCCN, dạy nghề.

Về phát triển các trường ĐH, CĐ sư phạm, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng cho biết: Vừa qua đã xác định những nội dung phải làm. Cần phải làm thế nào để sớm thành lập Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ sư phạm, hình thành ban chỉ đạo của Bộ về phát triển các trường sư phạm. Hàng năm, trong đánh giá công tác của Bộ phải đánh giá sâu về phát triển đội ngũ GV và CBQLGD. Chẳng hạn, cần có sự phối hợp giữa các trường để đánh giá chất lượng SV, chất lượng đội ngũ GV, chương trình đào tạo, về phương pháp đào tạo và cơ chế quản lý của các trường sư phạm. Trong năm 2009, đầu năm 2010 cần có sự rà soát lại hệ thống các trường sư phạm; từ đó đến 2010 có sự phối hợp phát triển đồng bộ hệ thống các trường sư phạm, phát huy vai trò của 2 trường sư phạm trọng điểm. Ví dụ, đến 2010 có thể hình thành bộ giáo trình dùng chung cho các trường ĐH, CĐ sư phạm đến mức nào đó; hoặc hình thành quy chế quản lý GV các trường sư phạm; hoặc mỗi trường sư phạm có thể liên kết với một tỉnh có trách nhiệm giúp phát triển GV của tỉnh, gắn với việc xây dựng chương trình, đổi mới giảng dạy, bồi dưỡng GV…

Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh: “Một số trường sư phạm hiện còn lạc hậu, lúc nào chúng ta có thể chấm dứt được nhận xét các trường sư phạm lạc hậu về nội dung, phương pháp so với thực tiễn? Đây là yêu cầu rất gay gắt. Trong 2 năm tới, đề nghị Bộ và các trường sư phạm bàn sâu về cái này để thay đổi được nhận định về các trường sư phạm. Các trường sư phạm phải là đầu tầu chứ không thể để lạc hậu được”.

“Không chấp nhận duy trì những trường ĐH, CĐ kém chất lượng”- khẳng định vấn đề này, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng nêu rõ- “ không chấp nhận duy trì là có thể phải đóng cửa”.

Về vấn đề GV phổ thông, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân phân tích: Từ thực tế vừa qua cho thấy phải triển khai mạnh mẽ phương châm đào tạo theo nhu cầu. Việc các sở GD cần có chương trình phát triển đội ngũ GV từ nay đến 2011, để sớm khắc phụ tình trạng mất cân đối, thực hiện đào tạo theo nhu cầu… Cần cân đối lại như thế nào, “đặt hàng” ở đâu các tỉnh phải có chương trình, cấp Bộ không thể làm sâu được. Từ nay đến 2011, trong chương trình công tác hàng năm các sở GD phải có “nhánh” giải quyết sự mất cân đối, thiếu đồng bộ về GV phổ thông. Nhiều địa phương đã gần giải quyết được sự mất cân đối này rồi. Phải có lộ trình làm việc này và đặc biệt là gắn với các trường sư phạm ở khu vực.

Trong quy trình tuyển chọn GV, làm thế nào để tuyển chọn được người có năng lực, chất lượng, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng chính địa phương (các sở GD- ĐT) phải đề xuất biện pháp khắc phục. Không nên chỉ dựa vào “điểm số” đơn thuần. Vấn đề ưu tiên có thể phải sửa lại một số tiêu chuẩn, tỉ lệ điểm số ưu tiên, để lựa chọn trước hết là những người có năng lực tốt cho đội ngũ GV địa phương.

Cũng theo Phó Thủ tướng - Bộ trưởng, cần phải rà soát lại chính sách đối với giáo viên, giảng viên. Ví dụ, chính sách đối với GV ở vùng khó hiện nay đã hợp lý chưa, nếu chưa hợp lý cần bổ sung thêm. Về luân chuyển GV thì GV ở ngay một tỉnh có thể đưa đến vùng khó khăn thì sau đó có thể chuyển về vùng thuận lợi ngay trong tỉnh đó chứ không phải chuyển đi tỉnh khác.

Theo GD&TĐ