Thứ bảy, 27/12/2008, 10h12

Cơ sở giáo dục chất lượng cao: Cần được “nhìn nhận” đầy đủ

Mấy năm gần đây, phụ huynh ở các thành phố lớn bắt đầu quen dần với sự xuất hiện của những cơ sở giáo dục có gắn “mác” “trường chất lượng cao”. Trường “chất lượng cao” tự phát có, “tự xưng” có... song nhu cầu về chất lượng GD và dịch vụ GD tốt hơn, cao hơn là có thực. Hiện tượng này đã đến lúc đòi hỏi cần có những điều chỉnh, chỉ đạo kịp thời, tránh những bùng phát khó kiểm soát và “vàng- thau” lẫn lộn.

> Chiến lược giáo dục: Số liệu đánh giá không rõ ràng

> Hội nghị sơ kết kiểm định chất lượng giáo dục đại học

Kỳ 1: Mỗi trường một “màu sắc”

Trong thời kỳ hội nhập, số HS, SV đi du học ngày càng tăng, sự xuất hiện các cơ sở GD có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam cũng ngày càng nhiều, và dĩ nhiên xuất hiện mối lo “mất HS” là có thật đối với cả trường công lập và ngoài công lập “made in Việt Nam”.

TS Nguyễn Văn Hoà (hiệu trưởng Trường THPT dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm nói rằng: “Chúng tôi vẫn nghĩ cách để phát triển nhà trường, nhưng trước hết là để tồn tại được đã. Bởi thực tế đang có một làn sóng HS phổ thông ra nước ngoài du học”. Nói về cách triển khai dịch vụ giáo dục chất lượng cao (GD CLC) ở trường của mình, ông Hoà cho biết hiện nay có nhiều quan điểm và sự lựa chọn khác nhau với mô hình dịch vụ GD CLC. Đó là đáp ứng nhu cầu XH về một chương trình theo kịp trình độ GD của thế giới và khu vực; không chỉ dạy kiến thức, có khả năng vượt qua các kì kiểm tra kiến thức để đi học nước ngoài mà còn quan tâm dạy kĩ năng, xây dựng phong cách học tập hiện đại, đáp ứng yêu cầu học tập và làm việc theo chuẩn quốc tế; đó là sự chăm lo đến con người, đến HS, học tập kết hợp vui chơi, rèn luyện thể chất, dịch vụ ăn, ở, học cả ngày..., cơ sở vật chất ngang tầm quốc tế. Theo ông Hoà, cũng có những lựa chọn xây dựng dịch vụ GD CLC theo kiểu “càng đậm yếu tố nước ngoài thì càng cảm thấy...CLC”. Đó là “nhà trường kiểu Tây, giống như trường nước ngoài đặt tại Việt Nam, trong trường tiếng Anh được sử dụng để dạy học và giao tiếp, một số môn học hay nhiều môn học do người nước ngoài dạy. Về bằng cấp, đó là bằng của một trường nước ngoài. Trường mang tên “Tây”, liên kết với nước ngoài, thu học phí cao gần như trường nước ngoài, có ô tô đưa đón tại nhà, thuận tiện và sang trọng.

Ông Hoà cho biết, trường THPT dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm cho ra mô hình dịch vụ GD CLC và xác định là thực hiện mục tiêu của trường THPT Việt Nam, bổ sung thêm 3 mục tiêu cụ thể như: Nâng cao năng lực tiếng Anh, nhất là năng lực giao tiếp, hình thành kỹ năng sử dụng tiếng Anh và Tin học như công cụ cạnh tranh...; hình thành thói quen và phương pháp học tập, làm việc độc lập, sáng tạo; xây dựng thái độ tự tin, mạnh dạn hơn, ứng xử nhạy bén, thân thiện, thông minh hơn cho HS. Các yếu tố được trường học này chú trọng khi phát triển mô hình dịch vụ GD CLC có cả yếu tố tài chính, CSVC; đội ngũ; chương trình và phương pháp GD; yếu tố chất lượng “đầu vào” được coi là “cực kì quan trọng”. Ông Hoà cho rằng “nếu xuất phát điểm cao thì mọi việc đều thuận lợi, chi phí không cao mà hiệu quả cao”, tuy nhiên “không có HS giỏi thì vẫn có mô hình CLC, trường CLC sẽ có khả năng làm cho HS tiến bộ lên...”. Việc xác định mục tiêu của nhà trường là yếu tố khiến mỗi trường CLC có một màu sắc riêng, ông Hoà nhận xét, không nên trường nào giống trường nào.

Bà Lê Thị Oanh (Phó hiệu trưởng trường THPT Hà Nội- Amsterdam) thì cho rằng: Hội nhập đang tạo ra những “nguy cơ tiềm ẩn” đối với các trường học trong nước, khi các trường có yếu tố nước ngoài nhiều lên. Bà Oanh cho rằng “nguy cơ” xảy ra với trường Hà Nội - Amsterdam đó là “chảy chất xám” khi giáo viên giỏi chuyển sang các trường có thu nhập cao hơn, mất GV giỏi, cũng đồng thời mất HS. Bà Oanh cho rằng trường của bà cũng như các trường học khác phải phát triển dịch vụ GD CLC cũng để thu hút, hấp dẫn giáo viên, HS. Trong “hướng đi” của mình, trường THPT Hà Nội- Amsterdam lại quan tâm đến quốc tế hoá ở nội dung GD, việc xây dựng các chương trình học ngoại khoá, xây dựng các nội dung cần thiết để phát triển toàn diện cho HS, nâng cao năng lực cảm xúc, bên cạnh đó là các giải pháp về CSVC, về đội ngũ giáo viên, về thu chi tài chính... Theo bà Oanh, điều đáng quan tâm không chỉ là chỉ số IQ (chỉ số thông minh) mà còn cần quan tâm đến chỉ số EQ (chỉ số năng lực cảm xúc) của HS.

Chủ tịch HĐQT trường tiểu học và THPT dân lập Nguyễn Siêu, ông Nguyễn Trọng Vĩnh thì khẳng định: “Dù xây dựng dịch vụ GD CLC, nhưng đã là trường Việt Nam phải học theo chương trình của Việt Nam, nhưng phải là mô hình như thế nào chứ áp nguyên chương trình như hiện nay sẽ có những bất cập”. Ông Vĩnh cũng cho rằng, dịch vụ GD CLC ở trường Nguyễn Siêu không thể so với các trường chuyên, mà chỉ so với mặt bằng chung của GD Việt Nam và trước hết phải đáp ứng được chất lượng GD chuẩn và trên chuẩn của chương trình GD quốc gia. Hiện trường này đang có khoảng 50% số lớp phát triển theo hướng dịch vụ GD CLC và ông Vĩnh cho biết đến năm học 2012- 2013 trường phấn đấu nâng lên 100% số lớp theo dịch vụ GD CLC.

Theo PGS.TS Trần Khánh Đức (ĐH Quốc gia HN), dịch vụ GD ở một trường học thuộc huyện Thanh Trì khác với dịch vụ GD ở một trường học thuộc quận Hoàn Kiếm. Dù cùng phát triển dịch vụ CLC, thống nhất ở tính chất, chuẩn mực về trường CLC, song mỗi trường có thể có những nét khác nhau ở mô hình, hình hài... Ông Đức cho rằng người tiếp nhận dịch vụ (phụ huynh, HS) “Có quyền lựa chọn trong sự đa dạng của trường CLC và các trường phải đáp ứng được đa dạng ấy. Nếu không nhận thức rõ tư tưởng này thì dịch vụ CLC sẽ vẫn theo kiểu được bao cấp, nhà nước cứ việc đầu tư vào, rồi tôi dạy ai, dạy như thế nào không cần chú trọng, không cần điều tra, tìm hiểu nhu cầu của người tiếp nhận dịch vụ...”.

Mặc dù khác nhau ở cách làm, hay hình thức, quy mô, song nhiều cơ sở GD có dịch vụ GD CLC đều chung một quan điểm là phục vụ nhu cầu của một bộ phận gia đình có thu nhập khá trở lên. Đáng nói hơn là trong thời gian gần đây không chỉ ở bậc mầm non xuất hiện ngày càng nhiều trường “treo biển” CLC, trường “cao cấp” mà cả cấp tiểu học, THCS, THPT cũng có xu hướng “nhân rộng” tên gọi khá mới và “hấp dẫn” này. Tuy nhiên, chất lượng cao thật, hay cao giả thì chưa có một cơ quan chức năng, hay một đơn vị thẩm định nào “chứng thực”.

Hoàng Minh

Theo Giáo dục & Thời đại