Thứ sáu, 21/10/2011, 15h10

Đại học Nguyễn Tất Thành qua cái nhìn của các lãnh đạo

Ngày 12/10, Đại học (ĐH) Nguyễn Tất Thành vinh dự được Giáo sư Tiến sĩ - Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng với Thứ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận đến thăm và làm việc. Nhân dịp này, Báo Giáo Dục TP.HCM xin trích dẫn lời nhận xét của một số vị lãnh đạo các cấp, các ngành về ngôi trường mang tên Bác.
Sau khi đi thăm cơ sở vật chất của trường tại các khoa, viện, trung tâm và các cơ sở đào tạo, Phó Chủ tịch nước đã giao lưu, gặp gỡ với tập thể thầy cô và sinh viên của trường.
Nhân chuyến viếng thăm này, Phó Chủ tịch nước đã đánh giá về trường như sau: “Tôi thật sự vui mừng và ấn tượng về sự phát triển của nhà trường: cơ sở vật chất khang trang, chất lượng đào tạo ngày càng chuyển biến rõ rệt, phương pháp đào tạo được quan tâm đổi mới. Học viên, sinh viên có tư duy sáng tạo, yêu ngành yêu nghề, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế học tập, đội ngũ giáo viên tận tụy, hết lòng vì học viên, sinh viên. Công tác nghiên cứu khoa học, liên kết đào tạo, hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, sự phối kết hợp 4 nhà: nhà trường, nhà doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học tạo sức mạnh cho chiến lược đào tạo. Tất cả nhân tố đó tạo nên uy tín, hình ảnh tốt đẹp cho nhà trường, được xã hội quan tâm và đánh giá cao.
Điều này không nằm ngoài nhận xét của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khi đánh giá về trường nhân Lễ công bố Quyết định thành lập Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trên cơ sở nâng cấp từ Trường Cao đẳng (CĐ) Nguyễn Tất Thành vào cuối tháng 5/2011 vừa qua: “Trường Nguyễn Tất Thành có 3 điểm khác biệt nổi bật: Một là, đây là ngôi trường mang tên thời thanh niên của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ra đời đúng vào ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước ngày 05/06. Từ một trung tâm đào tạo nghề phát triển thành trường cao đẳng rồi trở thành một trường đại học, cho thấy ĐH Nguyễn Tất Thành phát triển liên tục và song hành với sự phát triển của ngành giáo dục nói riêng và đất nước nói chung. Hai là, trường được quản lý bởi những con người làm kinh doanh nhưng tâm huyết với giáo dục nên có sự gắn kết hiệu quả với nhu cầu xã hội, đây là thế mạnh của mô hình “Trường trong doanh nghiệp”. Ba là, CĐ Nguyễn Tất Thành (2009 - 2010) là trường đầu tiên công bố chuẩn đầu ra cho các ngành đào tạo, hình thành các trung tâm hỗ trợ sinh viên, trung tâm quan hệ doanh nghiệp… đúng như trong một quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quản lý giáo dục là khâu đột phá”.
Cũng trong dịp trường được nhận quyết định lên đại học này, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Vũ Huy Hoàng chia sẻ: “Sự kiện trường CĐ Nguyễn Tất Thành được nâng cấp lên thành trường đại học là sự kiện trọng đại trong suốt quá trình phát triển của trường, phản ánh tốt sự nỗ lực lâu dài, bền bỉ của toàn thể ban lãnh đạo và giáo viên nhà trường luôn vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đi đến thắng lợi vẻ vang như ngày hôm nay. Đây là một niềm tự hào chung của ngành Công Thương, và cũng là một may mắn, một cơ hội tốt cho các sinh viên đang theo học có cơ hội liên thông lên đại học. Tuy nhiên, đây cũng là một trách nhiệm, đòi hỏi tất cả những đồng chí lãnh đạo đến các giáo viên, các em sinh viên tại đây phải phấn đấu hết mình để xứng đáng với cương vị mới và cũng là niềm mong mỏi của lãnh đạo Bộ Công Thương. Trong thời gian tới, nhà trường cần chú trọng đến khâu liên doanh, liên kết với các trường trong và ngoài nước, tìm bước đột phá mới có lợi cho nhà trường, có lợi cho ngành giáo dục nước nhà. Chủ động được nguồn tài chính, tìm kiếm và khai thác thế mạnh sẵn có để thực hiện đúng mục tiêu và chiến lược của nhà trường là nằm trong TOP 200 trường có thương hiệu mạnh ở khu vực và thế giới, luôn xứng đáng với tên gọi người thầy vĩ đại Nguyễn Tất Thành”.
Riêng Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng - Nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thì nhấn mạnh 4 điểm mà Nguyễn Tất Thành đã làm được tại Lễ kỷ niệm ngày truyền thống của trường: “Một là thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ, nhà trường đã làm tốt công tác xã hội hóa trong Giáo dục Đào tạo, huy động được sức mạnh tổng hợp của xã hội để phát triển và đặc biệt là tận dụng được lợi thế so sánh để phát triển bền vững. Hai là ĐH Nguyễn Tất Thành đã đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu xã hội, một phương châm, một cách làm giáo dục mới thiết thực và hiệu quả. Có thể lấy trường Nguyễn Tất Thành là một bài học kinh nghiệm quý báu mà theo đó giá trị cốt lõi là giáo dục đào tạo phải đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của xã hội. Ba là thầy Hiệu trưởng và ban lãnh đạo trường Nguyễn Tất Thành tự chủ, sáng tạo, đổi mới, đoàn kết và quan tâm xây dựng và phát triển nhà trường theo định hướng với tầm nhìn xa, trông rộng, có lộ trình và bước đi chặt chẽ hiệu quả. Bốn là không những tập trung xây dựng đội ngũ thầy giáo, cô giáo đáp ứng yêu cầu đào tạo trước mắt và lâu dài, kỹ năng nghề nghiệp vững vàng mà trường Nguyễn Tất Thành với nguồn lực tổng hợp đã phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật với nguồn lực dồi dào, đặc biệt huy động mạnh mẽ sự đóng góp của các cổ đông, sự hỗ trợ tư vấn của các ngân hàng và sự quan tâm của các cấp chính quyền TP.HCM”.
Còn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga lại ấn tượng về nỗ lực, cố gắng của trường Nguyễn Tất Thành trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Các cán bộ trẻ của trường có rất nhiều tiềm năng về nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất và đời sống, góp phần gắn kết đào tạo và thực tiễn”.
Nguyễn Tất Thành hiện là một đơn vị đào tạo đa ngành, đa nghề, đa bậc học đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Số học sinh của trường ngày càng tăng, năm 2006 mới có 500 thì năm 2009 đã tăng lên 17.000 HS-SV. Đến nay, Trường đã có hơn 36 ngành nghề của bốn bậc học: đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng nghề với hơn 25.000 HS-SV. Hiện trường đã đưa vào sử dụng tòa nhà 10 tầng hiện đại và 5 cơ sở khang trang, có thư viện gần 30.000 đầu sách các loại, phần mềm tra cứu trực tuyến và ký túc xá cho 1.500 HS-SV.
PV