Thứ sáu, 6/1/2012, 16h01

Giáo dục Đắk Nông hướng đến sự phát triển bền vững và toàn diện

Ông Trương Anh, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông phát biểu trong hội nghị tổng kết công tác quy hoạch luân chuyển cán bộ giai đoạn 2006 - 2010

Tỉnh Đắk Nông được thành lập năm 2004, bảy năm trôi qua là giai đoạn trải qua nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành giáo dục tỉnh nhà.
Nhân dịp trước thềm năm mới 2012, Báo Giáo Dục TP.HCM có cuộc trao đổi với ông Trương Anh, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông về phương hướng và nhiệm vụ của những năm sắp tới nhằm thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông khóa X nhiệm kỳ 2011-2015, Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy khóa X với quyết tâm đưa ngành GD-ĐT tỉnh nhà hướng đến sự phát triển bền vững và toàn diện.
PV: Xin ông cho biết khái quát ngành GD-ĐT tỉnh Đắk Nông có những khó khăn và thách thức vào thời điểm hiện nay như thế nào?
Ông Trương Anh: Từ ngày thành lập tỉnh đến nay, thời gian tuy không dài nhưng là giai đoạn có nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành GD-ĐT của tỉnh. Đó là khoảng cách về sự phát triển giáo dục giữa các địa phương trong tỉnh, khoảng cách chênh lệch giữa Đắk Nông với các địa phương trong khu vực, trong phạm vi cả nước về năng lực quản lý, giảng dạy của đội ngũ giáo viên vẫn chưa đáp ứng so với yêu cầu của xã hội, đặc biệt về trình độ chuyên môn, thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy - học còn nhiều thiếu thốn.
Đứng trước vô vàn khó khăn, ngành GD-ĐT tỉnh đã nhận thức rõ về đường lối giáo dục của Đảng và lời dạy của Bác Hồ “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”. Toàn ngành giáo dục của tỉnh đã từng bước khắc phục khó khăn và đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận: Hoàn thành công tác phổ cập giáo dục THCS, phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ, hệ thống trường lớp phát triển nhanh từ mầm non đến THPT, đặc biệt là công tác xã hội hóa giáo dục được quan tâm đúng mức. Sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội đã tạo tiền đề cho ngành GD-ĐT của tỉnh mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng.
Trong bộn bề những khó khăn, thách thức, những người làm công tác giáo dục của tỉnh có quyền tự hào về những thành tích đã đạt được, góp phần đưa ngành giáo dục của tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Xin ông cho biết mục tiêu và những biện pháp của ngành GD-ĐT tỉnh nhằm hướng tới sự phát triển bền vững và toàn diện?
Thực trạng ngành GD-ĐT tỉnh còn thấp, gần như cuối bảng xếp hạng của cả nước nên ngành GD-ĐT có mục tiêu và biện pháp phù hợp với thực tế của ngành, đó là:
+ Mục tiêu chất lượng giáo dục làm trọng tâm, phấn đấu nâng dần chất lượng dạy và học của toàn tỉnh lên mức trung bình của cả nước, cụ thể là hàng năm phấn đấu tăng từ 5-7 bậc trên bảng xếp hạng của Bộ GD-ĐT về kết quả các kỳ thi học sinh giỏi, các kỳ thi tuyển quốc gia và thi đỗ vào các trường CĐ, ĐH.
+ Mục tiêu về cơ sở vật chất: Cố gắng đến năm 2015, xóa được phòng học tạm, mượn, giải quyết được khoảng 70% nhu cầu nhà công vụ cho giáo viên và xây dựng 30% trường học đạt chuẩn quốc gia.
Ngoài việc phải thực hiện tốt những đề án của Chính phủ, của Bộ GD-ĐT đã được triển khai, ngành GD-ĐT của tỉnh nhà chuẩn bị ba đề án trình UBND tỉnh phê duyệt:
1. Một số chính sách cho GV, học sinh trường THPT chuyên
2. Nâng cao chất lượng học sinh người dân tộc
3. Xây dựng nhà công vụ cho giáo viên
Để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng (cụ thể là chất lượng dạy và học), ngành GD-ĐT của tỉnh còn triển khai các biện pháp như đổi mới sự lãnh đạo và quản lý cho các đơn vị, khuyến khích động viên đội ngũ giáo viên, quản lý tham gia học sau đại học. Từng bước tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy - học, tăng cường hoạt động dạy có ứng dụng CNTT, tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc và nâng dần tỷ lệ tốt nghiệp ở các bậc. Đặc biệt tốt nghiệp THPT và học sinh giỏi quốc gia. Tăng cường cơ sở vật chất để giảng dạy tiếng Anh, chú trọng và khuyến khích học sinh sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp. Xây dựng trường chuyên của tỉnh, trường CĐ cộng đồng. Trang bị các thiết bị tin học, các thiết bị nghe nhìn khác phục vụ Đề án 1400. Với mục tiêu, biện pháp như nêu trên, trước mắt vẫn còn nặng nề và không ít khó khăn, nhưng với sự lãnh đạo của tỉnh, sự ủng hộ và đồng tình của xã hội cùng với sự đoàn kết, trưởng thành và quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ giáo viên toàn ngành thì sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh Đắk Nông sẽ ngày càng phát triển bền vững và toàn diện, đáp ứng yêu cầu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài”, góp phần đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn!
Bài, ảnh: Mai Đình