Thứ sáu, 16/4/2010, 09h04

Kỳ 4: Cả dân tộc cùng hướng về ngày giỗ tổ

Ngày giỗ Tổ (10/3 ÂL), cả dân tộc cùng hướng về Đền Hùng như là đến với hồn đất nước, là cuộc hành hương về với cội nguồn dân tộc với lòng tôn kính và biết ơn công lao của tổ tiên. Với ý thức "trăm con một bọc", biểu hiện cao đẹp nhất của tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, gắn bó cộng đồng các dân tộc, mỗi chúng ta - dù Nam hay Bắc, dù miền ngược hay miền xuôi, dù người Kinh hay người dân tộc thiểu số đều là con một nhà trong đại gia đình dân tộc Việt Nam…
Có lẽ trên thế giới này hiếm có nơi nào lại có được hình thức tín ngưỡng thờ Tổ độc đáo như ở Việt Nam khiến chúng ta phải nhìn nhận nó như một hiện tượng xã hội mang bản sắc riêng của Việt Nam, góp phần tạo nên hệ giá trị tinh thần và bản lĩnh văn hóa Việt Nam. Đó là truyền thống thờ gia tiên trong từng gia đình, thờ tổ họ của dòng họ, thờ Thành Hoàng của làng và thờ Tổ chung của đất nước ở Đền Hùng. Ngày Giỗ Tổ đang đến gần; người dân Việt Nam ta ở mọi miền đất nước và ở xa Tổ quốc, đều hướng về Đền Hùng, hướng về cội nguồn dân tộc với lòng biết ơn công lao các Vua Hùng và với niềm tin vào sự trường tồn và sức mạnh của dân tộc. Nhân dịp này, báo Giáo Dục TP.HCM trân trọng giới thiệu đến độc giả tập sử thi “Quốc Tổ Hùng Vương” của tác giả Huỳnh Uy Dũng.
 
SỬ THI QUỐC TỔ HÙNG VƯƠNG
(tiếp theo kỳ 3)
 
Chử Đồng Tử! Cái “tên không khố”
Vì chàng nghèo, chàng khổ quá đi
Hai cha con chẳng có gì
Ngoài ra một chiếc khố thì… đương nhiên
 
Chàng mỗi phải “nhường quyền mặc nó”
Cho bố mình chứ! Có chi sai? (470)
Vì chân đạo hiếu xưa rày
Đạo hiếu trong trái tim này đúng chăng?
 
Đã nhất thiết dạy rằng nếu bạn
Có mỗi khố thôi hẳn phải nhường
Để cho bố mặc cho tươm
Còn mình thì phải ráng chuồn… xuống ao
 
Rủi hay may? đúng vào hôm ấy
Trong khi Chàng nọ hãy còn đang
Lang thang trên bãi cát vàng
Một nơi vắng vẻ bỏ hoang xưa giờ (480)
Thì thuyền Nàng cũng vừa c?p bến
Rồi ngẫm rằng nơi đến quá xinh
Bèn truyền lệnh đám gia đinh
Giăng màn trên cát cho mình tắm chơi
 
Thế, có phải duyên trời không nhỉ?
Khéo se giăng buộc chỉ hai người
Một người vời vợi trên trời
Một người dưới đáy vực đời lầm than
 
Vì cái nỗi anh chàng không khố
Nên phải chui vào giữa cát mà… (490)
Thế là duyên đáng xảy ra
Đã xảy ra đúng như là tự nhiên
 
Ơi! Những cổ tích thiên ý Bụt
Đất và trời là một - khác chi
Khác là tiểu dị tí ti
Còn đại đồng mới là ni tấc trời
 
Nối kết hợp cái đôi thành một
Một Dương nghi và một Âm nghi
Khéo tương giao, khéo thuận tùy
Lung linh xảo diệu sinh kia khắc này (500)
Cho Mây đó với Rồng đây mãi
Cho Trúc này với lại Mai kia
Cái lằn ranh của phân chia
Xem ra thật mỏng với quê hương này
 
Khi cái bọc đã đầy trăm trứng
Thì cái lòng nó cũng trăm hoa
Những trang cổ tích đời ta
Nó thông điệp cái đang là Văn Lang
 
Nghĩa là cái đá vàng nhân nghĩa
Cái sắc son đạo lý tình yêu (510)
“Chiều chiều lại nhớ chiều chiều”
Nhớ người đảy gấm khăn điều vắt vai
 
Chử Đồng Tử chàng trai không khố
Sao lại thành bất tử quê hương
Thần thông biến hóa không lường
Trong ngôi Tứ Bất Tử đương trị vì
 
Trong cõi đạo huyền vi nước Việt
Phản ảnh vầng trăng biếc trời xanh
Đẹp sao những áng tinh lành
Trong từng trang cổ tích dành muôn sao (520)
Ngoài cái đẹp cái giàu vô lượng
Của tình yêu cao thượng nhân sinh
Của trầm thống của băng trinh
Còn bao cái đẹp cái xinh cái hùng
 
Ví dụ như cái hùng Thánh Gióng
Của bé thơ Phù Đổng Thiên Vương
Một hình ảnh sáng kim cương
Một bài thơ sáng từng chương đạo người
 
Khi đất nước gặp thời yên ổn
Thì bé thơ ngủ muộn trong nôi (530)
Suốt ba năm vẫn nằm ngơi
Ba năm không nói không cười - ngủ say
 
Những bé của quê này như thế
Cứ lớn lên như thể quê mình
Thở từng hơi thở bình minh
Nhịp tim theo nhịp thanh bình tao nôi
 
Nhưng khi nước gặp thời binh lửa
Thì bé không ngủ nữa ngang nhiên
Ngồi nhổm dậy cất lời lên
Cho con dẹp giặc để yên Sơn Hà (540)
Rồi với chín vại cà ngâm muối
Mười nồi cơm trộn với ngô khoai
Bé liền đứng dậy vươn vai
Để cao như ngọn núi Đoài non Đông
 
Rồi Bé đòi một ông ngựa sắt
Rồi cưỡi lên ngựa sắt xung phong
Đuổi xâm lược lập kỳ công
Bằng một bửu bối thần thông lạ đời
 
Ấy là bụi tre nơi đầu ngõ
Bụi tre già tuổi thọ ngàn năm (550)
Bụi tre cho Bé măng ăn
Bụi tre cho Bé chốn nằm nghỉ ngơi
 
Cho Bé cả một trời thơ đạo
Với vầng trăng sáng tạo treo cành
Với bầu trời ơi là xanh
Với cánh diều trắng long lanh nắng vàng
 
Với sức mạnh của ngàn thiên tướng
Bé nhổ bụi tre lớn mười ôm
Xông vào lũ giặc lôm côm
Quét như quét bụi cả muôn quân thù (560)
Đuổi giặc khỏi cõi bờ xong xả
Bé tiên vương chi xá đòi công
Bèn cưỡi ngựa vút lên không
Mặc ai bia đá tượng đồng với ai
 
Ôi những bậc anh tài thuở trước
Chỉ một nguyền xin được hiến dâng
Lấy sức từ của nhân dân
Cá muối cơm độn thiết thân vạn đời
 
Lấy khí giới từ nơi Đất Mẹ
Bụi tre làng lặng lẽ hiên ngang (570)
Dẻo dai, gai gốc, ngang tàng
Thủ thời tử thủ, công càng kỳ công
 
Và ngựa sắt - rèn lòng son sắt
Và lửa hờn đốt giặc xâm lăng
Và điều đẹp nhất sao trăng
Là lòng yêu nước chẳng bằng… thịt xôi
Và khi thắng giặc rồi Thánh Gióng
Chẳng thèm ngồi lóng ngóng ăn chia
Mà dong ngựa sắt quay về
Cõi trời tịch mặc, chữ đề Sóc Sơn (580)
Ôi! Những khối kim cương hùng vĩ
Những anh hùng chiến sĩ vô danh
Một dâng trọn trái tim mình
Để cho nước đặng hòa bình tự do
 
Những thông điệp truyền cho hậu thế
Của đời Hùng sao vĩ thế kia
“Nhất cao là núi Ba Vì
Cây cao nhất núi không gì bằng Thông”
 
Anh khí của non sông hùng tráng
Phúc sinh - ca núi Tản sông Đà (590)
Chuyện xưa ai nhớ chăng là
Vua Hùng có gái xinh là Mị Nương
 
Bấy giờ có hai chàng xin được
Làm rể vua một lượt ấy là
Sơn Tinh - thần Tản Viên, và
Vị thần sông nước tên là Thủy Tinh
 
Hai vị thần cùng xinh cùng trẻ
Cùng tài ba địa vị ngang nhau
Lại cùng chung một yêu cầu
Lại tâu một lượt chẳng sau trước gì (600)
Trước sự việc cực kỳ hy hữu
Hùng Vương bèn kêu cứu… rủi may
Bày giải pháp cực kỳ thay
Rằng: ai đến trước rạng ngày hôm sau
 
Và Sơn Tinh đã may mắn trước
Dẫn một đoàn lũ lượt ngựa voi
Dâng bao nhiêu thức trên đời
Sừng tê, mật gấu, ngà voi,… bộn bàng
 
Để, chung cuộc được nàng công chúa
Dẫn lên non làm vợ “vua non” (610)
Còn Thủy Tinh chậm bước hơn
Đành dâng mối hận thành cơn thủy triều… (Còn tiếp)
Nguyễn Điệp (thực hiện)