Thứ tư, 9/9/2009, 14h09

Ngành CNTT và xu hướng trong tương lai

Ngành công nghệ thông tin (CNTT) là lĩnh vực mà nhiều thí sinh yêu thích. Tuy nhiên, khái niệm ngành này ra sao, nhu cầu tuyển dụng trong tương lai sẽ như thế nào thì không phải bất cứ người nào cũng nắm bắt được. Trao đổi về vấn đề này, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với GS.TS Hoàng Văn Kiếm - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM).

GS.TS Hoàng Văn Kiếm - Hiệu trưởng Trường ĐH CNTT

* Thưa ông hiện nay khái niệm ngành CNTT rất rộng. Ông có thể cho biết một cách khái quát về ngành này?
GS.TS Hoàng Văn Kiếm: Có thể nói, CNTT là một trong những ngành phát triển mạnh tại Việt Nam trong những năm gần đây. Trong thập niên 90 với chuyên ngành phổ biến là Tin học, về sau các chuyên ngành liên quan được phát triển theo hướng khoa học, đặc thù hơn. CNTT hiểu theo nghĩa rộng và tổng quát nhất là việc sử dụng công nghệ hiện đại vào việc tạo ra, lưu trữ, truyền dẫn thông tin, xử lý, khai thác thông tin. Hiện tại phân thành 5 chuyên ngành chính: Khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, hệ thống thông tin, mạng máy tính truyền thông, kỹ thuật phần mềm.
* Theo ông thì những người theo học ngành CNTT cần hội tụ những tố chất gì? Vấn đề ngoại ngữ khi theo học CNTT có phải là nhiệm vụ hàng đầu?
Trước đây, khi CNTT mới phát triển, làm việc với máy tính là rất khó khăn và đòi hỏi các chuyên gia có những kỹ năng đặc biệt nên để học được ngành CNTT cần những người có khả năng Toán học, đầu óc tư duy tốt. Tuy nhiên, với sự phát triển của ngành CNTT và việc ứng dụng rộng rãi CNTT trong đời sống, nhu cầu nguồn lực trở nên đại chúng hơn và bất cứ ai có đủ khả năng vào trường ĐH cũng đều có thể theo học và làm việc trong ngành CNTT. Tất nhiên những vị trí mũi nhọn và một số công việc nghiên cứu chuyên sâu thì vẫn rất cần và luôn có chỗ đứng cho những cá nhân xuất sắc.
Ngoại ngữ là điều bắt buộc khi theo học CNTT, nhưng nếu bạn chưa biết hay còn rất yếu về ngoại ngữ thì cũng đừng nên xem đó là rào cản cho niềm say mê của mình. Ví dụ như tại ĐH CNTT, những sinh viên chưa biết ngoại ngữ sẽ được đào tạo qua nhiều mức độ, từ thấp đến cao, tạo điều kiện cho sinh viên dễ dàng tiếp cận.
* Năm 2009 được coi là năm nền kinh tế toàn cầu gặp khá nhiều khó khăn, nhiều thương hiệu có thế lực ở ngành CNTT đang có xu hướng cắt giảm nguồn nhân lực. Vậy theo ông điều này có ảnh hưởng gì đến việc chọn ngành học của học sinh?
Đã khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì chắc chắn không ngành nào có thể tránh được khó khăn. Nếu ngành CNTT Việt Nam không thay đổi và vẫn giữ nguyên cách làm cũ thì chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, ít nhất là tốc độ tăng trưởng sẽ không thể giữ được cao như những năm qua. Nhưng nếu biết cách thay đổi và chất lượng nguồn nhân lực cho phép thì chúng ta thậm chí có thể tận dụng được cuộc khủng hoảng này để phát triển tốt hơn vì các khách hàng đều có nhu cầu cắt giảm chi phí. Họ sẵn sàng chuyển giao các công việc không thể cắt giảm được sang khu vực có chi phí thấp hơn như Việt Nam nếu chất lượng được đảm bảo.
Nhưng với các bạn sinh viên bây giờ mới bắt đầu chọn theo học ngành CNTT thì chẳng có gì đáng lo cả mà thậm chí còn là may mắn vì 4, 5 năm nữa khi các bạn ra trường, chắc chắn ngành CNTT sẽ phát triển còn mạnh mẽ hơn so với trước khủng hoảng và cơ hội cho các bạn sẽ rất lớn. Điều này đã có tiền lệ sau khủng hoảng những năm 2.000.
* GS.TS đánh giá như thế nào về “Cung - Cầu” của ngành CNTT?
Nhìn chung nguồn nhân lực CNTT của nước ta chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiển. Theo công bố của WB (Ngân hàng thế giới) thì tại các doanh nghiệp phần mềm, 80-90% các sinh viên tốt nghiệp vừa tuyển dụng phải đào tạo lại mới đáp ứng được nhu cầu công việc. Hiện nay, nước ta có khoảng 450 trường ĐH-CĐ đào tạo về CNTT. Mục tiêu đến năm 2015, các trường này sẽ đạt chuẩn khu vực ASEAN và 80% sinh viên tốt nghiệp ra trường sẽ có đủ năng lực tham gia thị trường nhân lực toàn cầu.
* Thưa GS.TS, phương hướng nhiệm vụ của Nhà trường trong năm học 2009-2010?
Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, phấn đấu sẽ có nhiều ngành đào tạo tốp 10 khu vực. Đề làm được điều này, Nhà trường đã và đang chủ động đổi mới nội dung đào tạo phù hợp với nhân lực hiện nay; đổi mới phương pháp dạy học theo hướng ứng dụng hiệu quả thành tựu CNTT trong giảng dạy; mở rộng qui mô, chương trình đào tạo; tăng cường nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế. Đặc biệt, Nhà trường đã ký kết với 20 công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp đội ngũ cử nhân, kỹ sư CNTT chất lượng cao. 
* Xin cảm ơn ông!
THANH TÀU (thực hiện)