Thứ sáu, 5/3/2010, 15h03

Trăn trở người làm công tác tư vấn – tuyển sinh

Ban tổ chức chương trình tư vấn “Học một nghề giỏi một đời” năm 2009

Vào mỗi dịp đầu năm, những người làm công tác tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp cho học sinh THCS, THPT lại tất bật lên kế hoạch, nội dung chương trình tư vấn định hướng nghề. Chương trình “Học một nghề, giỏi một đời” do Báo Giáo Dục TP.HCM phối hợp với Trường Cao đẳng nghề iSPACE tổ chức cũng là một hình thức như thế.
Đa số chưa đánh giá đúng tầm quan trọng công tác tư vấn hướng nghiệp
Chọn nghề là công việc quan trọng nhất của cả cuộc đời. Với các bạn trẻ, ngay từ bước đầu nếu bỏ chút công cố gắng tự tìm hiểu mình, xác định được ngành học để sau này có thể theo đuổi những nghề phù hợp với mình thì rất là lý tưởng. Quyết định ngành học là quyết định rất quan trọng, ảnh hưởng sâu đậm trong cuộc đời mỗi người. Nghề nghiệp là nền tảng vững chắc đầu tiên cho bạn xây dựng ngôi nhà cuộc đời của mình. Nếu không có nó bạn sẽ mãi mãi không có gì. Cũng vậy, một nghề nghiệp thiếu vững chắc, không phù hợp với khả năng: Bạn như căn nhà chắp vá, tạm bợ sẽ dễ dàng sụp đổ trong giông bão cuộc đời…
Từ trải nghiệm của chính bản thân và từ thực tế của các thế hệ học sinh đã qua, Ban tham vấn chương trình “Học một nghề, giỏi một đời” luôn hiểu sâu sắc trách nhiệm định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh chọn đúng ngành nghề phù hợp với sở thích, năng lực và phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình cũng như nhu cầu xã hội.
Tuy nhiên, không phải bậc phụ huynh nào cũng hiểu rõ tầm quan trọng của việc định hướng nghề cho con em mình. Xuất phát từ những nguyên nhân phổ biến mà trước hết là quan điểm định kiến của cha mẹ có tư tưởng ép buộc hoặc mong muốn con em mình lựa chọn ngành nghề truyền thống của gia đình hay hướng đến những ngành nghề ổn định, không quan tâm hoặc không chịu tìm hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng hoặc sở thích của con cái. Nhiều bậc phụ huynh khác thì không thực sự hiểu rõ con mình thích học gì nên để con tùy ý lựa chọn ngành nghề theo chúng bạn. Từ những định hướng lệch lạc của phụ huynh cộng với tầm nhận thức hạn hẹp của con em đã dẫn đến những sai lệch trong việc chọn nghề của các em, làm ảnh hưởng không nhỏ tới công tác định hướng nghề của Ban tổ chức cho các em học sinh.
Công tác tư vấn hướng nghiệp chưa đạt hiệu quả cao

Học sinh tại các chương trình tư vấn hướng nghiệp

Đề cập đến chất lượng và hiệu quả của công tác tư vấn hướng nghiệp, những người làm công tác tư vấn hướng nghiệp đã nhìn nhận lại những cố gắng và nỗ lực của mình. Tuy nhiên, do thời gian tiếp cận để tư vấn còn hạn chế và do nội dung tư vấn chưa thực sự phong phú, chưa xen lồng những ví dụ điển hình và những thực tế sống động nên chưa lôi cuốn các em học sinh tiếp nhận thông tin. Đây thực sự là trăn trở của người làm công tác tư vấn. Xuất phát từ điều này, Ban tham vấn có nguyện vọng được sự hợp tác của nhiều ban ngành, nhiều chuyên gia và nhất là giáo viên các trường trong nỗ lực xây dựng một nội dung tư vấn định hướng nghề hoàn toàn mới mẻ, thực sự lôi cuốn các em. “Chúng tôi luôn mong rằng cũng với một nội dung và cũng với một mục đích là giúp các em định hướng đúng nghề nghiệp mà các em sẽ gắn bó cả cuộc đời, làm sao chúng tôi có được chương trình tạo ấn tượng từ các em và giúp các em nhìn nhận công tác định hướng nghề ở một góc độ mới mẻ và thú vị hơn”, Lương Nhung, Trưởng bộ phận tư vấn – tuyển sinh trường Cao đẳng nghề iSPACE tâm sự.
Hiệu quả và chất lượng của công tác tư vấn định hướng nghề chưa cao còn xuất phát từ sự thiếu hợp tác của lãnh đạo một số trường THCS và THPT. Ngoài ra, thái độ thờ ơ, chưa thực sự nghiêm túc trong việc xác định chọn ngành, chọn nghề của các em học sinh cũng là một trở ngại.
Công tác phân luồng học sinh còn gian nan
Phân luồng học sinh vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề đã được ngành giáo dục – đào tạo triển khai từ nhiều năm qua. Đây là chủ trương được đẩy mạnh thực hiện nhằm cung ứng đội ngũ lao động lành nghề cho xã hội, đồng thời tiết kiệm chi phí đào tạo và thời gian của các em.
Tuy nhiên, cứ đến mùa tuyển sinh, những người làm công tác tư vấn định hướng nghề thấy hầu hết các em đều nộp đơn vào ĐH, CĐ mà bỏ qua các trường trung cấp. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, mỗi năm cả nước có trên 700.000 học sinh tốt nghiệp THCS không vào được THPT và rớt tốt nghiệp THPT nhưng chỉ có gần 10.000 chọn vào học trung cấp nghề.
Đây là gánh nặng của toàn xã hội và đã đến lúc các bậc phụ huynh cần có cách nhìn thật sự khách quan về tầm quan trọng của các trường nghề trong vai trò dẫn dắt các em vào đời và tiếp bước cho các em tiến lên những nấc thang trình độ cao hơn. Biết rằng ngưỡng cửa đại học luôn là mơ ước và hoài bão của các em và cần mạnh dạn thực hiện ước mơ ấy, nhưng các em cũng cần đánh giá đúng thực lực và khả năng của mình.
Phan Ngọc
Những năm gần đây, nhiều thông tin không chính thức và chính thức liên quan đến các kì thi đại học, cao đẳng được phổ biến rộng rãi và nhanh chóng trên tất cả các phương tiện truyền thông. Từ đó nhiều đơn vị ban ngành cũng chú trọng đến công tác tư vấn định hướng nghề đến học sinh trên toàn quốc. Với nhiệm vụ khai mở và chỉ đường đúng hướng cho học sinh, những người làm công tác tư vấn – tuyển sinh như chúng tôi mang nhiều trăn trở…