Thứ sáu, 21/11/2014, 14h11

“Trợ thủ” của ngành giáo dục

Hội Khuyến học Q.Ninh Kiều trao học bổng và xe đạp cho HS vượt khó học tốt
Là quận trung tâm của TP.Cần Thơ, Ninh Kiều có 13 phường với quy mô học sinh (HS) lớn nhất TP, gần 48.000 em. Thời gian qua, ngành GD-ĐT Q.Ninh Kiều luôn giữ vững danh hiệu lá cờ đầu của TP về chất lượng giáo dục và duy trì sĩ số. Trong thành quả ấy có sự đóng góp quan trọng của Hội Khuyến học quận.
Cách làm căn cơ
Cuối tháng 10, tôi có dịp cùng cô Nguyễn Thị Ngọc Thu, Chủ tịch Hội Khuyến học quận và cô Lê Thị Thảnh, nguyên Trưởng phòng GD-ĐT Q.Ninh Kiều, đến thăm và tặng quà các lớp học tình thương của nhà dòng chúa Quan Phòng Cần Thơ trên địa bàn phường Hưng Lợi. Nhà dòng đang dạy 55 em, từ mẫu giáo đến lớp 5. Đây là con em người lao động từ các nơi đến làm ăn, không có hộ khẩu, nhiều em không có giấy khai sinh. Với sự chung tay của cộng đồng và sự chia sẻ của nhà dòng, các em được cấp tập vở, sách giáo khoa, hàng ngày được ăn bữa sáng và bữa trưa… Nhiều năm nay, những lớp tình thương này đã giúp con em người lao động nhập cư nghèo có được cái chữ, được giáo dục đạo đức, sau đó học một nghề. Mỗi đầu năm học, Hội Khuyến học quận tặng tập vở, bút, sách giáo khoa và quần áo cho các em.
Toàn Q.Ninh Kiều có 3 lớp học tình thương với 72 học viên. Hội Khuyến học quận luôn dành nhiều ưu tiên hỗ trợ những lớp này, bởi theo cô Nguyễn Thị Ngọc Thu: “Các em cần sự quan tâm giúp đỡ để có thể an tâm học tập, nhất là những em lớn sớm phải lao động giúp cha mẹ”...
Hội Khuyến học Q.Ninh Kiều hiện có 1.278 hội cơ sở với gần 35.000 hội viên. Ngoài chỉ đạo của UBND quận yêu cầu các cấp ủy, ban ngành, đoàn thể tích cực ủng hộ công tác khuyến học - khuyến tài; tại các phường, chủ tịch hội được cơ cấu là cựu nhà giáo hoặc Phó chủ tịch UBND phường nên có tầm ảnh hưởng nhất định khi động viên sự tham gia của xã hội vào công tác khuyến học. Chẳng hạn phường An Phú, Chủ tịch hội là thầy Nguyễn Hữu Danh, nguyên Hiệu trưởng nhiều trường THCS. Thầy vận động xây dựng quỹ khuyến học từ những học trò thành đạt ở trong và ngoài nước, đồng thời đề xuất nhiều kế hoạch và mô hình hiệu quả trong mục tiêu khuyến học - khuyến tài. Thầy Nguyễn Hữu Danh cho biết: “Đa số HS nghỉ học do hoàn cảnh khó khăn. Do vậy ngoài việc động viên, phân tích cho phụ huynh hiểu giá trị của con chữ đối với tương lai con cái, chúng tôi thực hiện “3 đủ” của Bộ GD-ĐT là: Cấp gạo hàng tháng, cấp quần áo và tập vở, nhà trường cho mượn sách giáo khoa. Nếu nhà quá nghèo thì chúng tôi đề nghị địa phương cấp sổ hộ nghèo, giới thiệu việc làm hoặc học nghề tại trung tâm học tập cộng đồng”. Từ năm 2012, hội đã tham mưu cùng Đảng ủy và chính quyền xây dựng mô hình “6 không” gồm: Không có người mù chữ; không HS lưu ban bỏ học; không trẻ nào đến tuổi đi học mà ở nhà; không có trẻ mắc tệ nạn xã hội; không có trẻ suy dinh dưỡng; không người lao động nào không được đào tạo nghề… Với rất nhiều nỗ lực, đến nay phường An Phú đã cơ bản đạt mục tiêu trên.
Một điểm cộng khác: Những người làm khuyến học ở Ninh Kiều rất tâm đắc với lời khuyên của ông cha ta: “Có thực mới vực được đạo”. Do vậy việc khuyến học - khuyến tài không chỉ động viên mà còn tạo điều kiện giúp hộ nghèo có công ăn việc làm, con cái họ có cái ăn cái mặc. Để có kinh phí cấp học bổng, việc xây dựng quỹ khuyến học rất quan trọng. Phường An Cư và phường Hưng Lợi ngoài việc vận động, hàng năm còn tổ chức trình diễn văn nghệ gây quỹ. Chi hội Khuyến học chùa Phật Học có phong trào nuôi heo đất Sen Vàng, theo đó 100 gia đình phật tử hảo tâm tình nguyện nhận nuôi heo. Sau 1 năm chùa tổ chức đập heo trước sự chứng kiến của các tăng ni, phật tử và hội viên khuyến học… Mỗi năm Chi hội Khuyến học chùa Phật Học tặng hàng trăm suất học bổng cho HS nghèo (1 triệu đồng/suất) thuộc các quận/huyện của TP.Cần Thơ cùng với quà gồm gạo, tập, viết. Trong các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, chùa hỗ trợ chỗ ăn nghỉ cho hơn 10.000 lượt thí sinh...
Những thành quả đáng ghi nhận

Cô Nguyễn Thị Ngọc Thu (thứ hai, từ trái sang) và cô Lê Thị Thảnh (đứng kế bên) tặng sách cho một lớp học tình thương
Q.Ninh Kiều có 71 đơn vị trường học, gồm 37 trường mầm non công lập và tư thục; 22 trường tiểu học công lập và tư thục; 10 trường THCS; 3 trường THPT. Các trường đều có chi hội khuyến học với chất lượng hoạt động tốt. Công tác khuyến học góp phần để quận đạt tiêu chí phổ cập tiểu học đúng độ tuổi từ năm 2004, và luôn dẫn đầu thành phố về duy trì sĩ số. Hàng năm, trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10, Trường THPT Châu Văn Liêm có điểm trúng tuyển của 3 môn thi (văn, toán, ngoại ngữ) đạt từ 24,5 trở lên; 2 trường THPT còn lại điểm trúng tuyển từ 17 điểm trở lên. Để có thành quả trên, ngoài nỗ lực của nhà trường là sự hỗ trợ rất lớn của các cấp hội khuyến học. Theo đó, hội cùng địa phương vận động trẻ ra lớp, trẻ bỏ học trở lại trường. Với những trẻ không đủ điều kiện học chính quy ở trường, các chi hội khuyến học cơ sở cùng thầy cô vận động các em ra học lớp phổ cập, lớp tình thương. Tiêu biểu cho công tác này trong nhiều năm qua là các trường THCS Lương Thế Vinh, Đoàn Thị Điểm; hội khuyến học các phường An Hội, Cái Khế, Hưng Lợi… Trong hoạt động vận động nguồn tài chính để chăm lo HS nghèo, khen thưởng giáo viên và giáo viên đạt thành tích cao, nổi bật là chi hội cơ sở các trường tiểu học Võ Trường Toản, Ngô Quyền, Lê Quý Đôn, Mạc Đĩnh Chi; các trường THCS Trần Hưng Đạo, An Hòa 2, Trần Ngọc Quế, Chu Văn An, Đoàn Thị Điểm, Lương Thế Vinh…
Cô Nguyễn Thị Ngọc Thu cho biết: Với cách làm công khai, minh bạch, hoạt động khuyến học - khuyến tài ngày càng huy động được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng xã hội. Có những người như cô Lê Thị Thảnh, bà Đỗ Thị Giàu - Giám đốc Công ty TNHH Quang Giàu (phường Hưng Lợi) - 5 năm qua đã tặng quỹ khuyến học quận 10 triệu đồng/năm và 100 tấn gạo; đồng thời hỗ trợ thêm khi hội cần kinh phí tổ chức các hoạt động hoặc khen thưởng đột xuất. Cô Lê Thị Thảnh trao đổi thêm với chúng tôi: “Tôi có lương hưu, lại được con cái giúp đỡ nên có điều kiện chia sẻ, trợ giúp các cháu. Giúp các cháu học tập để đi tới tương lai cũng là góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh”.
Q.Ninh Kiều có hơn 22.000 gia đình hiếu học, 29 dòng họ hiếu học; 19 khu vực và phường An Phú đạt tiêu chuẩn cộng đồng khuyến học. Ông Nguyễn Quang Duy, Phó chủ tịch UBND Q.Ninh Kiều, nhận xét: “Hội Khuyến học quận làm việc rất bài bản, các hoạt động tổ chức chặt chẽ, hiệu quả. Đặc biệt là vai trò của Chủ tịch hội Nguyễn Thị Ngọc Thu - cô làm việc với cái tâm của nhà giáo, cùng Ban Chấp hành hội luôn đi đầu trong các phong trào và đóng góp xây dựng quỹ khuyến học. Tôi nhớ khi cô Thu làm Hiệu trưởng Trường THCS An Hòa I đã đưa công tác khuyến học của trường dẫn đầu quận với nhiều hoạt động chăm lo HS nghèo, góp phần giúp phường An Hòa đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS với tỷ lệ gần 98%. Hồi ấy cô Thu đề xướng phong trào “Giao thầy cô giáo đỡ đầu HS nghèo trong trường, từ vật chất đến việc phụ đạo nếu các em học yếu. Mô hình này sau đó được Phòng GD-ĐT nhân rộng trong quận.
Về hưu, phụ trách công tác khuyến học, cô Thu cùng Ban Chấp hành hội, với hỗ trợ của xã hội đã đưa hoạt động hội ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, giảm tệ nạn xã hội… Theo tôi, học vấn chính là con đường thoát nghèo căn cơ và bền vững nhất”.
Bài, ảnh: Đan Phượng
Tính từ năm 2010 đến 2013, các cấp hội trong quận vận động xây dựng quỹ khuyến học được gần 14 tỷ đồng, mỗi năm hơn 2.500 sinh viên HS được cấp học bổng; hơn 10.000 lượt giáo viên, sinh viên HS được nhận quà, trợ cấp, khen thưởng…