Thứ hai, 21/12/2009, 08h12

Trường Chuyên biệt Hy Vọng Gò Vấp: Mái ấm tình thương của nhiều cảnh đời bất hạnh

Cũng thầm lặng như chính công việc của họ, những giáo viên Trường Giáo dục Chuyên biệt Hy Vọng Gò Vấp tìm thấy niềm vui, sự ấm lòng khi luôn nỗ lực truyền đạt kiến thức, giáo dục kỹ năng sống, tìm lại niềm vui, hạnh phúc cho trẻ khuyết tật; giúp các em có được cuộc sống bình thường, hòa nhập với xã hội để các em giảm đi phần nào sự mặc cảm của bản thân và luôn có ý chí vươn lên…

Thầy Huỳnh Bá Trân - Hiệu trưởng nhận huân chương lao động hạng 2

Làm thế nào để người khuyết tật nói chung, đặc biệt là trẻ em khuyết tật nói riêng có cơ hội vươn lên hòa nhập cộng đồng vì các em có những đặc điểm tâm sinh lý không thuận lợi, quá trình nhận thức bị suy giảm làm cho các em khó khăn trong việc lĩnh hội kiến thức và vận dụng những kiến thức đó vào cuộc sống. Từ những suy nghĩ và nhận thức trên, trong suốt 19 năm qua, tập thể CB-GV Trường Giáo dục Chuyên biệt Hy vọng Gò Vấp với quyết tâm “Làm cho trẻ khuyết tật những gì tốt đẹp nhất trong khả năng có thể”; đã xây dựng chương trình giáo dục xuyên suốt để hướng cho trẻ khuyết tật nắm vững những kỹ năng hòa nhập cuộc sống cộng đồng. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh việc giảng dạy kiến thức văn hóa, Nhà trường còn dạy cho các em những kỹ năng trong môi trường thực. Chia sẻ về vấn đề này, Thầy Huỳnh Bá Trân - Hiệu Trưởng Nhà trường, cho biết: “Dù biết rằng việc giảng dạy cho các em ở nơi công cộng sẽ khiến cho Nhà trường gặp khó khăn hơn về kinh phí và quản lý, nhưng những kỹ năng này sẽ giúp trẻ khuyết tật học cách cư xử phù hợp. Chẳng hạn, khi đến Thảo Cầm Viên hay Công viên Văn hóa, các em không chỉ được thầy cô hướng dẫn thực hiện đúng quy định của công viên mà còn tìm hiểu môi trường xung quanh về cây, hoa, động vật; đến nơi tôn nghiêm biết giữ trật tự, yên lặng… và biết sử dụng các tiện ích của cộng đồng như: Đi lại bằng xe buýt, đi mua sắm ở chợ, siêu thị, nhà sách, đến bưu điện gửi thư, gọi điện thoại công cộng…”.
Việc giảng dạy kỹ năng sống cho các em trong môi trường thực của Trường Hy Vọng Gò Vấp đã mang lại nhiều kết quả: Các em hiểu biết về cuộc sống bên ngoài, biết ứng xử phù hợp trong các tình huống khác nhau; đa số các em sử dụng thành thạo các tiện ích của cộng đồng… Nhiều bậc cha mẹ học sinh, tin tưởng cho biết trước đây họ không muốn hoặc ít khi đưa các em đến nơi đông người do e ngại, bối rối, ngượng ngùng vì những hành vi “xa lạ” của con em mình và vì sợ các em bị chế giễu; nay họ mạnh dạn đưa các em ra ngoài vui mừng nhận thấy những người xung quanh đã thay đổi cách nhìn về các em. Song song với việc dạy kỹ năng sống thì công tác can thiệp sớm cực kỳ quan trọng. Thực hiện tốt công tác này sẽ hạn chế và tránh được những nguy cơ khuyết tật về sau đồng thời tránh được những hậu quả đáng tiếc cho gia đình, xã hội và bản thân trẻ. Nhà trường đã xác định rõ tầm quan trọng của công tác can thiệp sớm trẻ khuyết tật. Trong nhiều năm qua, công tác can thiệp sớm đã đạt được những kết quả rõ rệt và đã đưa trên 30 em học sinh học hòa nhập tại các trường mầm non, tiểu học trong quận. Trong năm học này, Nhà trường đã tổ chức một lớp can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật tại trường do 2 giáo viên chuyên trách đảm nhiệm gồm 2 dạng tật: Chậm phát triển trí tuệ và khiếm thính. Đồng thời Nhà trường tiếp tục tư vấn và hướng dẫn cách chăm sóc trẻ khuyết tật cho phụ huynh trên địa bàn dân cư trong quận và một số phường của các quận lân cận có con em trong độ tuổi được can thiệp sớm tại trường và tại nhà đạt hiệu quả.
Công việc vất vả nhưng những thầy, cô nơi đây đều rất yêu nghề, yêu trẻ bởi trong họ luôn có một nỗi niềm thương cảm đối với những số phận bất hạnh... Vượt lên mọi khó khăn của số phận, các em khuyết tật đang cố gắng để khẳng định, xóa bớt rào cản và hòa nhập với cộng động. Trường Giáo dục Chuyên biệt Hy Vọng Gò Vấp đã và đang trở thành nơi ươm mầm cho những ước mơ đó trở thành hiện thực…
Thầy Huỳnh Bá Trân - Hiệu Truởng Trường Giáo dục Chuyên biệt Hy Vọng Gò Vấp, chia sẻ: “Mong muốn lớn nhất của nhà trường là được các cấp chính quyền, các ban ngành cũng như sự hỗ trợ nhiều hơn nữa của các mạnh thường quân các nhà hảo tâm để tạo điều kiện đầu tư trang thiết bị phục vụ giảng dạy, phục hồi chức năng và nâng cao đời sống cho đội ngũ CB-GV-CNV nhà trường…”.
VĂN VINH