Thứ sáu, 4/9/2009, 11h09

Trường THPT Lê Hồng Phong – TP. Vũng Tàu

 

11 năm nhìn lại

Ông Võ Thành Kỳ - Phó chủ tịch UBND tỉnh (bìa phải) trao giấy khen cho lãnh đạo nhà trường

11 năm là một khoảng thời gian không ngắn nhưng cũng không dài đối với một ngôi trường có truyền thống hiếu học, đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau như Trường Lê Hồng Phong.
1. Được thành lập năm 1998, Trường Lê Hồng Phong là một trong số những trường “trẻ” nhất trong hệ thống giáo dục của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và là trường đầu tiên cho ra đời mô hình trường dân lập. Những ngày mới thành lập với quyết tâm của những người xây dựng và quản lý, cùng sự khích lệ của các cấp các ngành, nhà trường đã có những kế hoạch, cách làm hợp lý, nên những khó khăn bước đầu dần được đẩy lùi. Trong 11 năm qua, sự cố gắng phấn đấu không ngừng của thầy và trò đã đem lại những kết quả đáng mừng. Thành công ấy trước hết phải kể đến số lượng học sinh mỗi năm một tăng (từ 700 học sinh vào năm 1998, đến nay con số này là hơn 1.600 em). Chất lượng giáo dục toàn diện cũng mỗi ngày một nâng cao; tỷ lệ tốt nghiệp THCS năm học 1998-1999 là 93%, đến năm 2001-2002 tăng lên 99,5%. Năm học 2006-2007 học sinh nhà trường vinh dự đoạt giải nhất môn vật lý khối 9 và giải nhì môn lịch sử khối 12 ở kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Đội ngũ giáo viên, nhân viên của trường đã giáo dục cảm hóa được hàng trăm học sinh chưa ngoan, học yếu trở thành những người con ngoan trò giỏi. Bên cạnh việc chăm lo đào tạo học sinh về kiến thức chính khóa, BGH còn tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa về an toàn giao thông, thành lập câu lạc bộ văn học để bồi dưỡng thêm cho học sinh. Đồng thời, trường còn đặc biệt chú trọng việc bồi đắp tâm hồn, trí, lực cho các em bằng các hoạt động văn nghệ, sinh hoạt trại, thời trang thanh lịch, thể dục thể thao (TDTT)… Ở các hoạt động trên, cả thầy và trò đều mang về cho mái trường thân yêu những kết quả tốt đẹp: giải nhất hội thi văn nghệ dành cho giáo viên với chủ đề “Mừng Đảng mừng Xuân” năm 2000, giải nhì Liên hoan đồng ca hợp xướng năm 2001, giải 3 Hội thi an toàn giao thông tỉnh, huy chương đồng Taekwondo toàn quốc, huy chương vàng Hội khỏe Phù Đổng môn đẩy tạ năm học 2006-2007,… Đặc biệt trong năm 2009, em Trần Thị Thanh Tuyền đã đạt giải nhất (huy chương vàng) lứa tuổi 18 thế giới, giải Vovinam, được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 7-2009 với 26 nước tham dự. Tập thể CB, GV, CNV nhà trường đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến năm học 2008 – 2009. Riêng với những thành tích đã đạt được về TDTT, trường được Sở TDTT khen tặng danh hiệu “Đơn vị tiên tiến về TDTT”.
 

2. Thầy Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trong năm học vừa qua, cùng với toàn ngành giáo dục, thầy và trò nhà trường tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động chống bệnh thành tích, chống tiêu cực trong thi cử, đổi mới trong các kỳ thi, đẩy mạnh xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Vì vậy kết quả hai mặt cơ bản là học lực và hạnh kiểm phản ánh khá chính xác, khách quan. Có 9 lớp tiên tiến, trong đó có lớp 11A1 đạt tiên tiến xuất sắc. So với học kỳ I, đây là kết quả rất đáng mừng. Điều này cho thấy đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức của học sinh, đặc biệt đối với một trường mà đầu vào thấp như trường chúng tôi thì kết quả trên rất đáng phấn khởi”. Vâng, một chặng đường đã qua, sự lãnh đạo sáng suốt, nhiệt huyết của BGH, sự thương yêu dạy bảo tận tình của thầy cô Trường Lê Hồng Phong nay đã “đơm hoa kết trái”, hàng trăm học sinh của nhà trường đã thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng trong nước. Trong thời gian qua, có rất nhiều cơ quan từ Trung ương tới các tỉnh bạn đã đến thăm và dành cho trường những lời khen tặng, làm nức lòng thầy và trò ngôi trường mang tên Lê Hồng Phong. Con đường phía trước còn dài, thầy và trò luôn nhìn lại quãng đường đã qua để vững tin bước vào chặng đường mới, có lẽ sẽ không ít khó khăn, song cũng mở ra thật nhiều triển vọng. Hoa trái đầu mùa sẽ trở thành động lực góp phần làm nên những vụ mùa bội thu trong các năm học tiếp theo của Trường THPT Lê Hồng Phong.
“Hàng năm, sau khi thi tuyển vào lớp 10, có rất nhiều em học sinh không đủ điểm chuẩn vào học tại các trường công lập. Vì vậy, các em sẽ được tuyển vào học tại trường dân lập, như vậy gia đình các em sẽ phải “ gánh chịu” một khoản học phí mà không phải gia đình nào cũng có thể kham nổi. Từ đó, sẽ dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học. Trong những hội thảo, hội nghị do ngành giáo dục tổ chức, tôi đã có những kiến nghị tới các cấp lãnh đạo, cần có một cơ chế, chính sách hỗ trợ về học phí cho những đối tượng này. Băn khoăn của tôi là tại sao các em học tại trường công lập thì được nhà nước hỗ trợ về học phí, còn các em đang theo học tại các trường dân lập, con nhà nghèo, gia đình chính sách thì không được hưởng những ưu đãi này? Tuy được Sở GD-ĐT ủng hộ và đề đạt những kiến nghị hợp lý hợp tình trên tới các cấp lãnh đạo, nhưng đến bây giờ vấn đề vẫn “giậm chân tại chỗ”. Như vậy, sự thụ hưởng giáo dục của các em con nhà nghèo, đang học ở các trường dân lập đã thật sự công bằng!? - Thầy Nguyễn Văn Quang tâm tư.
 
Quang Huy