Thứ sáu, 26/11/2010, 09h11

Cô gái tật nguyền mở lớp dạy học tại gia

Với nghị lực và tấm lòng nhân nghĩa, cô gái tật nguyền Kiều Thị Ánh Thuyết (ở thôn ổ Gà, xã Cao Phong, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đã đem vốn kiến thức học được từ thời phổ thông của mình dạy cho nhiều đứa trẻ nơi vùng quê nghèo ấy trở thành con ngoan, trò giỏi.
Kiều Thị Ánh Thuyết sinh năm 1980. Ngay từ lúc lọt lòng mẹ cho đến tuổi vị thành niên, cô bị còi cọc, thân hình nhỏ xíu. Với bản thành tích 12 năm liền là học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, cô ấp ủ  ước mơ thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo Trung ương. Song, vì lý do sức khỏe và kinh tế gia đình còn khó khăn, nên ước mơ đáng trân trọng ấy của Thuyết mãi mãi chỉ là… mơ ước.  
Cô giáo Thuyết và những học trò của mình.
Nhưng đã là duyên nợ, thì nghề giáo vẫn cứ đến với Thuyết vào năm 2000. Lúc đó, cháu Kiều Quang Hanh (con anh trai ruột của Thuyết) tuy học lên lớp 5, nhưng không thuộc nổi bảng cửu chương. Điểm tổng kết trung bình các môn  của Hanh chỉ đạt 4,1. Thuyết tâm sự: “Khi biết cháu mình không chỉ học kém, mà còn là học sinh cá biệt, tôi đã có dự định giúp Hanh lấp lại lỗ hổng kiến thức. Thế là, cứ buổi sáng Hanh đến trường, buổi chiều về nhà hai cô cháu tôi lại cùng nhau học bài. Tôi không dạy theo kiểu nhồi nhét kiến thức, mà luôn hướng dẫn Hanh phải suy nghĩ, sáng tạo, tìm tòi phát hiện và phản biện các vấn đề...”.
Vẫn sự tự tin ấy, Thuyết tiếp tục trải lòng mình: “Sau một năm được tôi kèm cặp, Hanh tiến bộ và ham học hẳn lên. Từ một học sinh “đội sổ”, cháu trở thành học sinh tiên tiến vào năm lớp 6, học sinh giỏi môn toán, lý, hóa cấp huyện, cấp tỉnh vào những năm tiếp theo... Cho đến khi Hanh đỗ vào Đại học Ngân hàng, thì niềm vui trong tôi thực sự vỡ òa. Tôi đã khóc vì sung sướng, khóc vì những kỳ vọng của mình đã trở thành hiện thực”. 
Thế rồi, cái tin Hanh đỗ đại học làm cả thôn ổ Gà phải sửng sốt. Không ai có thể ngờ việc dạy học tại gia của một cô gái tật nguyền lại “vực” được đứa cháu vừa học kém, vừa ngỗ nghịch trở thành niềm tự hào trong dòng tộc. Niềm tự hào ấy đồng nghĩa với sự ra đời một lớp học của họ Kiều.
Thuyết kể: “Năm đầu tiên tôi nhận kèm 10 em học sinh thì có đến 3 nhóm với 3 trình độ khác nhau. Mỗi buổi lên lớp vừa phải dạy tập viết chính tả, vừa dạy ghép vần và luyện đọc cho các em. Không biết nhờ sự thông minh, hay sự tận tình hướng dẫn của tôi mà cuối năm học ấy, các em đều đủ điều kiện lên lớp, trong đó có 4 em đạt danh hiệu học sinh giỏi và 2 em đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Đây là kết quả nằm ngoài sự mong đợi của các bậc phụ huynh trong họ tộc. Đó cũng là một phần thưởng quý giá mà tôi nhận được khi tổ chức lớp học tại gia đình mình”.
Tiếng lành đồn xa, một số người dân ở hai thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) vào  dịp con em mình được nghỉ hè đều mang đến gửi gắm cô Thuyết. Không thể từ chối, Thuyết "đành" lấy nhà làm lớp, lấy giường làm bàn ghế, lấy phản làm bảng để thực hiện cái nghiệp “giáo viên không chuyên” của mình.  Đã mấy năm trở lại đây, những đứa trẻ mải chơi, lười học ở xã Cao Phong khi được bố mẹ đưa đến nhờ cậy cô Thuyết dạy dỗ đều trở thành con ngoan, trò giỏi. Đặc biệt, hơn 20 cháu được cô Thuyết kèm cặp đã thi đỗ vào các trường đại học danh tiếng như: ĐH Bách khoa, Kinh tế quốc dân…
Em Khổng Thanh Hải, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền tâm sự: “Cô Thuyết truyền đạt rất dễ hiểu, dễ nhớ, gợi mở nhiều bí quyết hay,  giúp chúng em rất hứng thú trong học tập. Ngày học phổ thông, em là học sinh “đội sổ”, thế mà được cô “vực” thành học sinh giỏi, rồi thi đỗ đại học”.
Càng tiếp xúc, tôi càng hiểu cô gái tật nguyền này luôn có một tình yêu vô tận đối với nghề giáo. Nhắc về quá trình đem đến những kỳ tích cho các trò mà không lấy một khoản lệ phí nào, Thuyết chỉ cười: “Giúp người là giúp mình mà! Niềm vui lớn nhất đối với tôi chính là sự tiến bộ của các em trong học tập".

Theo Quân đội nhân dân