Thứ ba, 21/4/2015, 10h04

Vào bệnh viện chỉ thấy xô chậu là hàng Việt

Vụ hàng Việt "ra rìa" khi đấu thầu, hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ bức xúc trước một thực trạng nhức nhối họ phải âm thầm gánh chịu lâu nay.

Sản xuất máy phát điện tại nhà máy của Công ty SBMpower - Ảnh: Hồng Quý

Sau bài viết “Hàng Việt “ra rìa” khi đấu thầu”, hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ bức xúc trước một thực trạng nhức nhối họ phải âm thầm gánh chịu lâu nay. Trong đó có ông Phan Mạnh Hùng, giám đốc Công ty CP khoa học công nghệ P.E tại TP.HCM.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hùng cho biết tình trạng các đơn vị dùng ngân sách nhà nước chuộng mua hàng ngoại, loại thẳng hàng Việt ngay từ đầu trong những cuộc đấu thầu công khai đang diễn ra hết sức phổ biến, cả trong lĩnh vực cần mua sắm nhiều, thường xuyên như y tế.

“Có một thực tế là vào bệnh viện hầu như chỉ thấy xô chậu và vài thứ vặt vãnh là hàng Việt, còn lại máy móc, thiết bị, thậm chí cái giường cũng là hàng nhập. Đó là kết quả của những cuộc đấu thầu đầy định kiến” - ông Hùng khẳng định.

Đưa cho chúng tôi xem một loạt thông báo mời thầu cung cấp thiết bị y tế của các bệnh viện trong nước gần đây, ông Hùng cho biết hầu hết trong phần yêu cầu chung đều ghi ngay từ đầu những câu rõ ràng như: “sản xuất chính hãng, chính quốc”, “nhập khẩu đồng bộ nguyên chiếc”, “xuất xứ EU”...

Với các đơn vị mua sắm nhỏ, không cần đấu thầu, hàng Việt vẫn rất khó chen chân. Theo ông Hùng, rất nhiều nhà thầu chưa cần gặp, chưa cần xem năng lực của doanh nghiệp Việt, mới nghe nói tới hàng Việt Nam 100% là lắc đầu từ chối.

“Có nhiều chỗ không đòi hỏi yêu cầu nhập ngoại, nhưng lại đặt các doanh nghiệp Việt vào tình thế “con gà và quả trứng”. Chẳng hạn khi chúng tôi bán máy khử trùng cho bệnh viện, họ hỏi đã có nghiệm thu của sở ngành nào chưa. Đến sở ngành xin nghiệm thu, họ nói phải được dùng ở bệnh viện nào đó rồi mới có thực tế mà nghiệm thu” - ông Hùng kể.

Ông cũng cho biết chỉ một vài trường hợp may mắn khi lãnh đạo các bệnh viện là người hiểu biết chuyên môn về khử trùng và am hiểu máy móc liên quan mới dùng các tiêu chí kỹ thuật để kiểm tra và dùng hàng Việt.

Ông Hùng cho rằng điều trớ trêu là các đơn vị dùng ngân sách nhà nước sẵn sàng quay lưng với hàng Việt, dù sản phẩm đó được chính Nhà nước cấp ngân sách để nghiên cứu phát triển.

Chẳng hạn, máy khử trùng dụng cụ y tế tự động của công ty ông là kết quả của dự án nghiên cứu khoa học công nghệ chế tạo thiết bị thay thế hàng ngoại nhập được TP.HCM cấp vốn ngân sách tài trợ nghiên cứu phát triển, do hội đồng khoa học gồm các chuyên gia đầu ngành chấm điểm, được bằng khen của Bộ Khoa học - công nghệ và UBND TP.HCM song vẫn không tham gia được các cuộc đấu thầu của các bệnh viện công.

“Các giấy tờ liên quan tới đề án, chứng nhận của hội đồng khoa học và sở ngành tôi đều cung cấp, ghi rõ nhưng họ vẫn có ý tránh” - ông Hùng nói.

Liên tiếp mất sân chơi từ khi dự án chế tạo thiết bị thành công năm 2008 tới nay, công việc kinh doanh của Công ty P.E không mở rộng được như mong đợi. Để duy trì công ty, nuôi đội ngũ kỹ sư làm thiết bị, bên cạnh sản xuất hàng thuần Việt, Công ty P.E đành chấp nhận nhập khẩu một số thiết bị nhỏ như máy lọc không khí, máy khử mùi thuốc lá về VN bán.

“Nhìn anh em mày mò làm khoa học, tự sản xuất để gây dựng cơ nghiệp hết sức khó khăn. Riết rồi ai cũng muốn đi buôn hàng nhập vì dễ kiếm tiền hơn” - một kỹ sư của P.E vừa cho máy chạy thử vừa chia sẻ.

HỒNG QUÝ

(TTO)