Thứ bảy, 13/9/2014, 09h09

Cấp bách tái cấu trúc thị trường xuất khẩu

Ngày 12-9, gần 500 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đã tham dự Diễn đàn xuất khẩu năm 2014 do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức. Với chủ đề “Định hướng thị trường và sản phẩm xuất khẩu”, hàng loạt vấn đề nóng bỏng đã được đặt ra cho xuất khẩu Việt Nam (VN) trong giai đoạn mới, đặc biệt là sự dịch chuyển đơn hàng và ngành hàng từ các nước vào VN đang diễn ra khá phổ biến.

Thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích

Theo Bộ Công thương, 8 tháng đầu năm 2014, nền kinh tế thế giới nói chung và VN nói riêng tuy còn nhiều khó khăn nhưng được đánh giá đã từng bước phục hồi. Xuất siêu cả nước ước 1,69 tỷ USD, góp phần bảo đảm dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và kinh tế vĩ mô. Năm 2014, có khoảng 24 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Theo TS Trần Du Lịch, chính sách kinh tế hướng vào xuất khẩu vẫn là một trong những trụ cột của chiến lược công nghiệp hóa của VN. Thế nhưng, hầu như chỉ các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất khẩu ổn định dựa vào uy tín của công ty mẹ có thể tận dụng cơ hội, còn phần lớn các DN trong nước chưa có thị trường ổn định, năng lực cạnh tranh và sản phẩm đều thấp, xuất khẩu qua trung gian nên hạn chế khả năng tiếp cận và mở rộng thị trường.

TS Trần Du Lịch phân tích, nguyên nhân làm cán cân xuất khẩu nghiêng về DN FDI là do chính sách tỷ giá có tác động rất quan trọng đối với xuất khẩu, nhưng đến nay chính sách này vẫn chưa rõ ràng giữa mục tiêu khuyến khích xuất khẩu với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, giữ giá trị đồng VN.

Mặc dù chính sách kinh tế hướng vào xuất khẩu, nhưng việc đầu tư của Nhà nước vào hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến thị trường còn nhiều bất cập, chưa xem hoạt động này như một “chương trình quốc gia” để đầu tư nguồn lực cần thiết.

Sản xuất sản phẩm cao su xuất khẩu tại Công ty cổ phần Cao su Thống Nhất. Ảnh: CAO THĂNG

Cùng quan điểm trên, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần XNK Nam Thái Sơn, lo lắng, ranh giới giữa các quốc gia đang bị san bằng bởi các hiệp định thương mại song phương và đa phương, trong khi hầu hết các DN vẫn chưa xem trọng xuất khẩu là con đường sống còn trong thời gian tới.

“Trong số hơn 3.000 DN ngành nhựa, hiện chỉ khoảng 50 DN xuất khẩu, số còn lại chỉ quẩn quanh thị trường trong nước. Trong khi đó, tại nhiều nước trong khu vực, cứ 10 DN thì có đến 7 DN xuất khẩu. Tôi có cảm giác, các DN rất ngại làm mới mình, ngại đối mặt với khó khăn, thách thức. Nếu DN không sớm thức tỉnh để có thể đứng vững bằng “cả hai chân” sẽ rất khó chống đỡ trong thời gian tới”– ông Trần Việt Anh nói.

Quyết liệt tái cấu trúc

Tại diễn đàn, nhiều diễn giả có cùng quan điểm, mục tiêu phát triển hướng về xuất khẩu, nhưng không được tách biệt với thị trường nội địa. Nền ngoại thương của một quốc gia, tham gia vào quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế phải hoạt động trong điều kiện xóa bỏ hàng rào thuế quan hai chiều, nên không có ranh giới giữa thị trường nội địa và thị trường nước ngoài.

Một sản phẩm muốn cạnh tranh được ở nước ngoài, trước hết phải có khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước về chất lượng và giá cả. Một DN không thể có hai loại sản phẩm: tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, mà chỉ có một. Vấn đề đặt ra cho thời kỳ mới không còn là xuất khẩu sản phẩm gì, mà phải tạo ra sự khác biệt của sản phẩm để cạnh tranh.

DN cần đa dạng hóa thị trường nhằm tránh tình trạng thị phần thái quá của một sản phẩm ở một thị trường, kích thích tâm lý sử dụng các công cụ bảo hộ phi thuế quan của nước sở tại như hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá… Về thị trường, vẫn phải tiếp tục mở rộng quy mô và đa dạng hóa sản phẩm ở 5 thị trường lớn nhất hiện nay: EU, Mỹ, ASEAN, Nhật Bản và Trung Quốc. Ngoài ra, với một quốc gia có tiềm năng về du lịch lớn như VN, cần xem xuất khẩu tại chỗ cho du khách là thị trường lớn.

Ông Herb Cochran, Giám đốc Hiệp hội Thương mại Hoa kỳ tại VN (AmCham), cho rằng, khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, DNVN sẽ nhận được nhiều cơ hội từ TPP. Bên cạnh kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ tăng thì vốn FDI chảy vào VN sẽ nhiều hơn, từ đó các DNVN sẽ gắn kết mạnh hơn với chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo đà để thúc đẩy cải cách tăng năng suất. Tuy nhiên, để đón nhận tốt các cơ hội này, Chính phủ cũng như DNVN phải quyết liệt hơn trong thực hiện tái cấu trúc thị trường và sản phẩm xuất khẩu, thông qua các giải pháp đồng bộ.

Theo các DN, trong khó khăn, nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của VN vẫn tăng trưởng, chứng tỏ hàng Việt đã có những vị thế nhất định tại nhiều thị trường. Điều quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu bền vững chính là các chính sách phải kịp thời, nhạy bén mới đủ sức làm công cụ “dẫn đường” cho DN phát triển.

THÚY HẢI (SGGP)