Thứ hai, 21/7/2014, 10h07

Gửi tiền đồng vẫn lợi hơn

Trong những ngày vừa qua, nhiều ngân hàng (NH) thương mại đã tăng giá bán USD thêm 15 - 20 đồng/USD và mức bán ra đang dao động từ 21.230 - 21.270 đồng/USD.

Theo các chuyên gia, khách hàng cá nhân gửi tiền đồng hiện đang có lợi hơn nhiều lần gửi ngoại tệ - Ảnh: Ngọc Thắng

Sau đợt điều chỉnh tỷ giá của NH Nhà nước vào giữa năm, nhiều khách hàng vẫn có tâm lý giữ USD vì hy vọng tỷ giá sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, hiện có nhiều doanh nghiệp thực hiện phương án gửi tiền đồng và vay USD để kinh doanh vì lãi suất thấp. Đối với cá nhân, các chuyên gia cũng cho rằng gửi tiền đồng đang có lợi hơn gửi USD nói riêng hay ngoại tệ nói chung.

Lạm phát giữ ổn định và được kiểm soát dưới 6%, tỷ giá ngoại tệ ổn định. Hơn nữa, tỷ giá USD đã được NH Nhà nước điều chỉnh tăng thêm 1% vừa qua và trong thời gian còn lại của năm 2014, nếu có điều chỉnh cũng không quá 1% (theo thông điệp đưa ra của NH Nhà nước là cả năm tỷ giá chỉ biến động khoảng 2%). Đây là những nguyên nhân khiến việc giữ USD không có nhiều hiệu quả. Đặc biệt, hiện lãi suất gửi tiết kiệm USD được quy định chỉ 1%/năm trong khi lãi suất tiền đồng vẫn duy trì và dao động 6 - 7,5%, tùy kỳ hạn gửi tiền.

Chị Thu Hà, nhân viên một NH ở Q.5, TP.HCM, tư vấn: Một khách hàng có 20.000 USD, nếu gửi tiết kiệm với kỳ hạn 12 tháng thì tiền lãi sẽ thu được khi tất toán hợp đồng là 200 USD. Giả sử lúc đáo hạn, tỷ giá tăng 1% lên mức trần mới 21.672 đồng/USD (mức trần quy định hiện nay là 21.458 đồng/USD) thì tiền lãi quy đổi ra được 200 USD x 21.672 = 4,33 triệu đồng. Còn nếu mang đổi 20.000 USD ra tiền đồng theo mức trần tối đa là 20.000 USD x 21.458 = 430,96 triệu đồng; rồi đem số tiền này gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 7,5%/năm thì tiền lãi khách nhận được là 32,3 triệu đồng. “Tính ra, gửi tiền đồng lãi suất sẽ cao hơn 7 lần so với lãi suất gửi USD”, chị Hà nói. Chị Hà cũng làm bài tính ngược lại: Nếu sau một năm, khi tỷ giá USD tăng thêm 1% lên mức trần 21.672 đồng/USD, đem số tiền gồm gốc 430,96 triệu đồng + 32,3 triệu đồng tiền lãi = 463,26 triệu đồng quy đổi sang USD, khách sẽ có 21.376 USD, cao hơn nhiều nếu gửi USD.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia tài chính tại TP.HCM, để tránh rủi ro và bảo toàn vốn, khách có thể phân chia tỷ lệ giữ USD. Đặc biệt, đối với những người đang có nguồn vốn nhàn rỗi lớn mà chưa đầu tư vào các kênh khác thì việc phân chia tỷ lệ giữa tiền đồng và USD là thích hợp nhất.

Theo Thanh Niên