Thứ tư, 30/7/2014, 09h07

ICAO tìm giải pháp cho an ninh hàng không

Ngày 29-7, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) tổ chức cuộc họp đặc biệt với đại diện các tổ chức hàng không và vận tải quốc tế tại Montreal, Canada, nhằm thảo luận những biện pháp giảm thiểu nguy cơ tại các vùng chiến sự.

Tranh cãi về quyền hạn

Theo Wall Street Journal, cuộc họp được xem là phản hồi của tổ chức quản lý hàng không trước những chỉ trích gần đây của dư luận sau hàng loạt tai nạn thảm khốc liên quan đến hàng không dân dụng. Theo một đại diện của ICAO, vụ rơi máy bay MH17 khiến 298 người chết đã làm dấy lên một cuộc tranh luận trong nội bộ tổ chức này về việc trong tương lai có nên đưa ra tư vấn về rủi ro cho các hãng bay.

Trong cuộc họp, ICAO, Hiệp hội Vận tải hàng không (IATA), Tổ chức Các nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay (CANSO) và Hội đồng Sân bay quốc tế (ACI) thảo luận về trách nhiệm của từng đơn vị trong các khu vực xảy ra xung đột. Vẫn chưa rõ liệu cuộc họp tới có đi đến hành động cụ thể nào để tăng cường an toàn bay hay không, bởi vai trò của ICAO - tổ chức thuộc Liên hiệp quốc, còn khá hạn chế.

Cho đến nay, ICAO chưa từng phát cảnh báo về nguy hiểm liên quan tới các cuộc xung đột đối với các chuyến bay. Hiện đang nảy sinh nhiều tranh cãi về quyền hạn của ICAO. Các nước thành viên ICAO đang có quyền kiểm soát tuyệt đối trong không phận của mình và không muốn trao thêm quyền lực cho ICAO. Mỹ là quốc gia đầu tiên có những phản ứng mạnh mẽ nhất. Nước này tuyên bố không chấp thuận việc trao cho ICAO thêm quyền lực và sẽ không theo chỉ dẫn của ICAO, bất chấp những sự cố hàng không xảy ra trong thời gian qua.

Người dân Malaysia thắp nến tưởng niệm các nạn nhân vụ rơi máy bay MH17.

Tai nạn do ngẫu nhiên?

Theo ông Paul Hayes, giám đốc về an toàn hàng không tại Công ty tư vấn Ascend, những vụ tai nạn nối tiếp không phản ánh đúng thực trạng xu thế an toàn ngành hàng không. Ông Hayes cho rằng xét trong dài hạn, an toàn hàng không đang cải thiện đáng kể. Các nhà phân tích nhận định chuỗi thảm họa thời gian qua cũng không thể hiện an toàn bay của ngành đang gặp vấn đề có tính hệ thống. Vụ tai nạn của các máy bay MH17, ATR 72 và AH 5017 là ngẫu nhiên, không liên quan đến việc huấn luyện con người và chất lượng thiết bị.

Sau thảm họa với chiếc MH17 của Hãng Hàng không Malaysia, nhiều hãng hàng không trên thế giới đã buộc phải điều chỉnh đường bay, vòng tránh khu vực xung đột tại miền Đông Ukraine, cho dù phải tốn thêm khá nhiều chi phí, ước tính khoảng 50 - 60 USD/hành khách. Ngoài Ukraine, nhiều vùng chiến sự khác trên thế giới cũng đang được các hãng hàng không cân nhắc có nên liệt vào danh sách “những vùng cấm bay” hay không. Hiện có một số quốc gia và vùng lãnh thổ đang có chiến sự được coi là nguy hiểm hoặc rủi ro với các chuyến bay dân dụng như Ethiopia, Libya, Somalia, Triều Tiên, Iraq… Trên thực tế, chiến sự ít gây ảnh hưởng đến các chuyến bay thương mại. Ví dụ tại Afghanistan, bất chấp xung đột thường diễn ra nhưng đây vẫn là vùng không phận được các hãng hàng không trên thế giới thường xuyên bay qua.

Liên quan đến vụ máy bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia bị bắn rơi, lần đầu tiên Chính phủ Malaysia quy trách nhiệm cho phía Ukraine. Bộ trưởng Giao thông Malaysia Liow Tiong Lai tuyên bố chính các nhân viên kiểm soát không lưu của Ukraine đã cho phép MH17 bay vào không phận Ukraine. Nhân viên kiểm soát không lưu Ukraine đã không thông báo với MH17 rằng họ không được phép vào khu vực này. Theo ông Liow Tiong Lai, Chính phủ Ukraine phải có trách nhiệm thông báo cho MH17 nếu có bất cứ mối nguy hiểm nào.

THANH HẰNG (SGGP)