Thứ sáu, 13/2/2015, 14h02

Kiều hối tăng mạnh

Số liệu của Công ty Western Union cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới. Chỉ tính năm 2014, tổng số kiều hối được chuyển về nước đạt mức kỷ lục 12 tỷ USD. Riêng TPHCM, lượng kiều hối đổ về trong năm qua đã vượt trên 5 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với năm 2013.

Chi trả kiều hối tại HDBank. Ảnh: HUY ANH

14 năm và con số 90 tỷ USD
Kết quả nghiên cứu về kiều hối tại Việt Nam của Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố vào cuối năm 2014 cho thấy, lượng kiều hối gửi về Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1991 - 2013 đạt trên 80,38 tỷ USD. Đặc biệt trong 3 năm gần đây, lượng kiều hối về Việt Nam liên tục tăng. Năm 2011 đạt 9 tỷ USD, năm 2012 là 10 tỷ USD và năm 2013 là 11 tỷ USD. Và tính thêm 12 tỷ USD kiều hối về Việt Nam trong năm 2014, tổng lượng kiều hối đã nhận trong 14 năm vượt hơn 90 tỷ USD, tương đương gần 8% GDP cả nước. CIEM nhận định, đây là dòng vốn lớn thứ 2 sau vốn đầu tư trực tiếp

* Theo Công ty Western Union, Việt Nam là một trong 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Trong đó, Hoa Kỳ là quốc gia chuyển tiền kiều hối về Việt Nam nhiều nhất, chiếm tới khoảng 57% tổng số kiều hối chính thức của cả nước. Tiếp đó là Úc, Canada, Đức, Campuchia và Pháp. Hai năm trở lại đây, hai thị trường mới nổi là Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đã tăng trưởng nhanh so với những năm trước.

nước ngoài (FDI) và lớn hơn vốn viện trợ phát triển (ODA).
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho biết, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam tăng qua các năm gần đây chủ yếu do các chính sách thu hút kiều hối như: mở rộng mạng lưới chuyển tiền, chi trả kiều hối, tạo thuận lợi cho hoạt động gửi tiền về nước của người Việt Nam ở nước ngoài, đã phát huy hiệu quả. “Cùng với đó, một số quy định về hoạt động ngoại hối cũng đã đơn giản hóa như không hạn chế số lượng tiền; người nhận kiều hối không phải chịu thuế thu nhập; không bị bắt buộc phải bán ngoại tệ cho ngân hàng… đã góp phần thu hút thêm kiều hối về nước” - ông Minh cho hay.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại thời gian qua cũng tăng cường đầu tư công nghệ hiện đại xử lý giao dịch thanh toán chuyển tiền, đáp ứng nhu cầu người dân một cánh nhanh chóng, thuận tiện và an toàn với những giao dịch giá trị lớn. Từng ngân hàng thương mại cũng đã có những chính sách riêng để thu hút lượng kiều hối thông qua các chương trình tặng quà, khuyến mãi. Công ty Kiều hối Đông Á (Ngân hàng Đông Á) cho biết, lượng kiều hối thông qua ngân hàng tăng 10%. Lượng kiều hối chuyển qua Sacombank cũng đạt hơn 2 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với năm trước. Nhận định về việc kiều hối tăng trưởng mạnh, đại diện Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao cho rằng, do chính sách xuất khẩu lao động được triển khai tốt, gia tăng số lượng lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc. Ngoài ra, chính sách quản lý kinh tế vĩ mô trong nước ổn định đã thu hút lượng kiều hối chuyển về Việt Nam, góp phần cải thiện cán cân vãng lai, ổn định tỷ giá và bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Chảy vào sản xuất kinh doanh

NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, nhiều năm trước đây, kiều hối chủ yếu tập trung vào kênh đầu tư bất động sản, chứng khoán và gửi tiết kiệm thì 2 năm qua, lượng kiều hối đã chảy mạnh vào sản xuất kinh doanh. Hiện có khoảng 2.000 dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau được các kiều bào đăng ký đầu tư, mang về nguồn lợi khoảng 20 tỷ USD/năm. Điều này cho thấy sự đóng góp tích cực của kiều bào trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của TP nói riêng và đất nước nói chung. Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, trong năm 2013, 70% lượng kiều hối tập trung vào sản xuất kinh doanh. Đến năm 2014, trong hơn 5 tỷ USD kiều hối về TPHCM có đến hơn 72% đi vào sản xuất kinh doanh, hơn 20% vào kênh bất động sản và 7% - 8% hỗ trợ người thân trong gia đình giải quyết khó khăn và mua sắm tết.
Mặc dù vậy, kết quả nghiên cứu về toàn cảnh kiều hối tại Việt Nam và những đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước do CIEM và Công ty Western Union thực hiện từ tháng 9 đến tháng 11-2014 trên 7 tỉnh, TP lớn có đông dân sống ở nước ngoài lại đưa ra rằng, năm 2014, kiều hối đầu tư cho sản xuất, kinh doanh giảm đi so với giai đoạn 3 - 5 năm gần đây. Cụ thể, tỷ trọng người nhận kiều hối sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh chỉ chiếm 15,9%, trong khi tỷ lệ này của 3 - 5 năm trước là 16,2%. Về lĩnh vực đầu tư, tỷ trọng người nhận kiếu hối dùng để gửi ngân hàng nhận tiền lãi chiếm cao nhất với 30%, sản xuất và dịch vụ chiếm 27% - 30%, đầu tư kinh doanh vàng chiếm khoảng 20% và 16% - 17% đổ vào bất động sản. Tuy nhiên, báo cáo này cũng cho rằng, việc sử dụng kiều hối như thế nào cũng có sự khác nhau giữa các tỉnh, TP. Trong đó, kết quả khảo sát từ báo cáo này cũng cho thấy, nhiều người tham gia khảo sát cho biết dòng tiền kiều hối chảy vào lĩnh vực kinh doanh và sản xuất, đã đóng vai trò “phao cứu sinh” cho các nhà đầu tư, hộ gia đình không thể tiếp cận vốn ngân hàng. Ngoài ra, có đến 40% người dân được khảo sát khẳng định, kiều hối đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống của họ.

NHUNG NGUYỄN

(SGGP)