Thứ năm, 21/8/2014, 10h08

Sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu ở Quảng Ngãi khởi sắc trở lại

Từ đầu năm 2014 đến nay, sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có nhiều khởi sắc trở lại, đơn đặt hàng của các đối tác nước ngoài với các doanh nghiệp ở Quảng Ngãi ngày càng nhiều hơn, giúp cho ngành gỗ ở Quảng Ngãi phục hồi sản xuất.

Sau 4 năm hoạt động cầm chừng, từ đầu năm 2014 đến nay, Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu của Công ty xây dựng tổng hợp Kim Thành Lưu tại khu kinh tế Dung Quất đã hoạt động mạnh mẽ trở lại. Nếu như trước đây, bình quân mỗi tháng xuất khẩu 3 đến 5 container, thì hiện nay nhà máy đã xuất khẩu 20 container sang thị trường Mỹ và Châu Âu. Nhờ đó, giá trị xuất khẩu gỗ xuất khẩu đạt gần 25 tỷ đồng.

Chế biến gỗ xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Đây là kết quả cao nhất từ trước đến nay của nhà máy. Một tín hiệu khả quan nữa là sau khi liên doanh với một công ty ở tỉnh Bình Dương, Công ty xây dựng tổng hợp Kim Thành Lưu đã ký kết với các đối tác nước ngoài với sản lượng lớn, có đơn đặt hàng đến cuối năm 2014.

Ông Lê Hoàng Long, Phó giám đốc Công ty Xây dựng tổng hợp Kim Thành Lưu, cho biết sau 4 năm khủng hoảng, từ đầu năm nay, công ty cũng đã hợp tác với một số doanh nghiệp tỉnh khác để phối hợp làm ăn.

Ông Long cho biết hiện công ty đang xuất khẩu sang thị trường Mỹ, nhờ hợp tác với một công ty ở Bình Dương nên sản xuất hiệu quả và có hướng phát triển. Trong tháng 8 này, công ty xuất khẩu 20 container sang Mỹ.

Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu của Kim Thành Lưu hiện có hơn 300 lao động. Nhờ có nhiều đơn đặt hàng giá trị lớn nên sắp tới, nhà máy sẽ tiếp tục tuyển thêm 400 lao động để đáp ứng cung cấp hàng kịp thời cho đối tác.

Ngành sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu khởi sắc trở lại đã giúp cho thu nhập của người lao động tăng lên. Hiện nay, lương hàng tháng của người lao động dao động từ 3,5 đến 4 triệu đồng/người.

Để đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp chế biến gỗ ở tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung rà soát tiết giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm để sản phẩm có tính cạnh cao trên thị trường.

Nhiều doanh nghiệp đã sử dụng nguồn nguyên liệu tự có ở địa phương là cây keo để sản xuất thành bàn ghế xuất khẩu thay vì phải nhập khẩu nguyên liệu. Cùng với đó, doanh nghiệp đã tăng cường công tác xúc tiến đầu tư theo hướng đi trực tiếp nước ngoài để tìm kiếm đối tác. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ các sản phẩm của doanh nghiệp đã được mở rộng.

Ông Lưu Tuấn Anh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tam Minh, Quảng Ngãi cho biết, 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu của công ty tăng 100% so với cùng kỳ năm 2013. Với thị trường xuất khẩu, công ty đã khôi phục thị trường Tây Âu và Đông Âu. Bên cạnh đó, công ty cũng nỗ lực tìm kiếm thị trường. Tháng 9 tới, công ty sẽ tham dự hội chợ ở Đức nhằm giới thiệu các sản phẩm mới đến với khách hàng và người tiêu dùng…

Hiện nay, ở Quảng Ngãi chỉ còn 6 doanh nghiệp đang hoạt động trong sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu (đã có 8 doanh nghiệp đã giải thể hoặc ngừng hoạt động trong 4 năm gần đây). Hầu hết các doanh nghiệp này đều có đơn đặt hàng sản xuất đến cuối năm 2014 và quý 1 năm 2015. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ và Châu Âu./.

Nguyễn Đăng Lâm

(TTXVN/Vietnam+)