Thứ ba, 23/9/2014, 09h09

Sản xuất giống ở TPHCM: Mở hướng đột phá

Trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp TPHCM ngày càng suy giảm do đô thị hóa, không thể cạnh tranh với các tỉnh về sản lượng hàng hóa dù TP có lợi thế là nơi tập trung nhiều viện, trường và doanh nghiệp (DN) sản xuất giống hàng đầu, hơn 10 năm trước, TPHCM đã xác định, sản xuất giống sẽ là hướng phát triển chính của ngành nông nghiệp TP. Nhiều chính sách đã được ban hành nhằm khuyến khích DN sản xuất giống có điều kiện phát triển.

Sản xuất giống rau quả tại Trung tâm Giống rau hoa của Công ty CP Giống cây trồng miền Nam (SSC) tại huyện Củ Chi, TPHCM.

Thành tựu ban đầu

Hơn 80% lượng hạt giống rau để trồng trong nước được nhập khẩu từ các công ty nước ngoài, trong đó 6/10 công ty giống hàng đầu thế giới đã hiện diện ở Việt Nam. Các DN sản xuất giống trong nước mới chiếm 10% thị phần, trong đó các công ty giống tại TPHCM có vai trò và vị trí khá lớn.

Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lê Minh Dũng, TPHCM có 77 DN sản xuất kinh doanh giống cây trồng và nấm, trong đó 72 DN sản xuất kinh doanh giống (chiếm 93,5%). Những giống mới đưa vào sản xuất thời gian qua đã có sự cải thiện cả về năng suất và chất lượng, cũng như khả năng kháng sâu bệnh và nhiều đặc tính tiến bộ hơn so các giống cũ; đặc biệt phù hợp với mùa vụ và thị trường trong nước.

Như giống dưa leo ENZO 19 (Công ty CP Nhiệt đới), trồng vụ hè thu tại xã Tân Nhựt huyện Bình Chánh cho thấy kháng sâu bệnh tốt, năng suất cao, dạng trái đẹp, đạt 41,5 tấn/ha. Dưa leo TLP 2268 (Công ty Tân Lộc Phát), năng suất 34,1 tấn/ha, đậu trái nhiều, cho thu hoạch sớm 31 ngày, trái ngắn, xanh vừa, dễ bán, thích hợp trồng mùa mưa. Mướp khía Zecca 127 (Công ty CP Nhiệt đới), chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt (khô hạn trong vụ xuân hè), trái xanh vừa, dạng đẹp, thịt dày, khía nhỏ (ít hao khi gọt vỏ) nên dễ bán và được thị trường ưa chuộng, năng suất đạt 30,1 tấn/ha, tương đương giống đối chứng nước ngoài.

Việc áp dụng nhiều giống mới vào sản xuất cùng với áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác thích hợp đã góp phần tạo sản phẩm rau an toàn cung ứng cho người tiêu dùng TP, nâng cao hiệu quả sản xuất cho người trồng, năng suất trồng rau TP năm 2013 bình quân 22,8 tấn/ha/vụ, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2011.

Năm 2013, các DN của TP sản xuất hơn 14.400 tấn hạt giống các loại, tăng 7,4% so với năm 2012 và trên 800.000 bịch phôi nấm. Ước tính lượng giống do các công ty giống cung cấp cho TP và các tỉnh năm 2013 trên 950.000ha gieo trồng. Đây là kết quả của nhiều năm nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo và đưa vào sản xuất với sự tham gia của các DN, viện, trường.

Trước năm 2000, các DN sản xuất kinh doanh giống ở TPHCM, chủ yếu là DN nhà nước khi chiếm 85%, nhưng đến nay số lượng các cơ sở, DN sản xuất và kinh doanh giống cây trồng gia tăng đáng kể, trong đó DN tư nhân hơn 90%, phù hợp với xu thế sản xuất giống thế giới.

Học theo Hà Lan

Tuần qua, Sở NN-PTNT TPHCM đã mời 15 DN sản xuất giống hàng đầu trao đổi về việc TP sẽ tổ chức chuyến tham quan, học tập các mô hình công nghệ sinh học, nghiên cứu giống… của Hà Lan, một trong những nước đứng đầu thế giới về ngành nông nghiệp và thực phẩm. Là quốc gia thứ hai thế giới về xuất khẩu các sản phẩm nông sản sau Mỹ, tổng giá trị xuất khẩu nông sản công nghệ cao và giống chất lượng của Hà Lan năm 2012 trên 75,4 tỷ EUR, chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, ngành lai tạo và sản xuất giống cây góp phần lớn vào giá trị xuất khẩu này. Hà Lan là nước xuất khẩu hạt giống hàng đầu thế giới, với 24% tổng giá trị xuất khẩu toàn cầu, vượt qua Mỹ (19%) và Pháp (15%).

Có 8 trong số 10 công ty sản xuất hạt giống rau quả lớn nhất thế giới có trụ sở chính hoặc các chi nhánh tại Hà Lan. Doanh thu của ngành lai tạo, sản xuất giống nông nghiệp Hà Lan đạt 2,5 tỷ EUR/năm. Ngành công nghiệp sản xuất hạt giống cây trồng của Hà Lan có lịch sử lâu đời, trong đó có một số công ty được thành lập hơn một thế kỷ. Hiện nay, hầu hết các công ty lai tạo hạt giống của Hà Lan đều là DN tư nhân.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn hỗ trợ nông nghiệp Trương Minh Hậu, nhờ mối quan hệ khá tốt của TP với tổ chức CBI (Bộ Ngoại giao Hà Lan) và Tổng Lãnh sự quán Hà Lan tại TPHCM, 2 bên đã thống nhất cơ bản việc tạo điều kiện để đưa các DN sản xuất giống TPHCM đến Hà Lan tham quan, tìm hiểu, tiếp cận công nghệ mới nhất và bàn hướng hợp tác giữa các DN Việt Nam với Hà Lan trong lĩnh vực này.

CÔNG PHIÊN

(SGGP)