Thứ ba, 16/9/2014, 10h09

Sản xuất giống rau, hoa: Lượng nhỏ, giá trị lớn

Năm 2013, để sản xuất 14 triệu tấn rau các loại, nông dân cần hơn 8.000 tấn hạt giống cho 14.000ha diện tích gieo trồng, tương đương 500 triệu USD. Những tập đoàn hàng đầu thế giới như Monsanto (Mỹ), Syngenta (Thụy Sĩ), Takii và Sakata (Nhật Bản), East West (Hà Lan)… chiếm hơn 80% thị phần hạt giống Việt Nam. Những công ty giống trong nước chưa tới 10%, phần còn lại do nông dân tự để giống.

80% giống nước ngoài

Việt Nam là nước nhiệt đới nên có tiềm năng lớn trong sản xuất rau quả. Năm 2013, với sản lượng 14 triệu tấn rau quả, Việt Nam trở thành nước sản xuất rau quả thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ. Khoảng 90% lượng rau quả được tiêu thụ trong nước. 10% còn lại xuất khẩu đến khoảng 40 thị trường trên thế giới, trong đó có những thị trường nhập khẩu với quy định nghiêm ngặt như các nước EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… nhưng lớn nhất vẫn là Trung Quốc.

Cùng với trái cây, lượng rau quả xuất khẩu những năm gần đây bắt đầu hồi phục với tốc độ tăng trưởng nhanh như năm 2013 kim ngạch xuất khẩu gần 1 tỷ USD. Thế nhưng, điều đáng nói, để sản xuất ra gần 14 triệu tấn rau quả, năm 2013 cả nước cần khoảng 8.000 tấn hạt giống các loại với trị giá khoảng 500 triệu USD.

Thị trường hạt giống rau trong nước hiện do các công ty nước ngoài chi phối với hơn 80% thị phần! Trong số 10 công ty hàng đầu chiếm 70% thị phần hạt giống rau thế giới thì 6 công ty đã có mặt tại Việt Nam, như Monsanto và Du Pont (Mỹ), Syngenta (Thụy Sĩ), Bayer Crop Science (Đức), Sakata và Takii (Nhật Bản).

Nếu việc xuất khẩu rau quả tính bằng container thì việc kinh doanh hạt giống tính chủ yếu bằng gram, thậm chí bằng hạt. 50 gram (một bịch) hạt cải ngọt khoảng 10.000 đồng (tương đương 200.000 đồng/kg), 20 gram hạt dưa leo 50.000 đồng (khoảng 2,5 triệu đồng/kg). Hạt lai chất lượng cao như 100 hạt xà lách tím cao sản của Ý giá 28.000 đồng, 20 hạt cải thảo tim vàng 28.000 đồng, 50 hạt súp lơ trắng 28.000 đồng…

Vì vậy, theo ông Ngô Văn Giáo, Chủ tịch Hiệp hội Giống thương mại Việt Nam, sản xuất hạt giống rau “khối lượng nhỏ, công nghệ cao, trị giá lớn, lợi nhuận nhiều”.

Sản xuất giống trong nhà kính của CVF.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng, du học tại Nhật và làm việc lâu năm tại Úc, sở dĩ các công ty giống nước ngoài chiếm lĩnh thị phần hạt giống rau trong nước do các loại giống này phần lớn là giống lai, có khả năng chống chịu nhiều bệnh hại và sự biến đổi thời tiết như nóng, lạnh. Các loại giống nước ngoài đều thuộc dạng chín sớm, năng suất cao, chất lượng tốt, tỷ lệ nẩy mầm cao, cây mầm khỏe và thời gian bảo quản lâu. Vì vậy, những loại hạt giống rau có thể sản xuất trong nước như củ cải, cà chua, dưa chuột, cải bắp, su hào, hạt rau mầm... cũng phải nhập khẩu.

Doanh nghiệp trong nước thất thế

Yếu tố hạn chế trong sự phát triển ngành sản xuất hạt giống rau của các doanh nghiệp (DN) trong nước là do hạt giống nội địa không cạnh tranh được với các giống ngoại nhập về chất lượng (độ nẩy mầm…), tính chống chịu thời tiết, năng suất cao... Ngay cả với nông dân, do sản xuất bằng phương thức lạc hậu nên năng suất hạt giống thấp, chất lượng kém, hơn nữa còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm hạt giống.

Trong khi đó, nghiên cứu và sản xuất hạt giống rau, nhất là giống rau cao cấp cần đầu tư vốn lớn, các công ty đa quốc gia phải chi hàng trăm tỷ đồng, thời gian nghiên cứu tạo ra giống mới cũng vài năm trở lên. Chỉ công ty nước ngoài mới có đủ năng lực cả về tài chính và con người để thực hiện.

Với bộ giống phong phú, có thể chủ động hết các khâu từ nghiên cứu, lai tạo, sản xuất, tiếp thị, nhất là chăm sóc khách hàng nên chiếm lĩnh thị trường là điều dễ hiểu. Điều này giải thích vì sao 70% thị phần hạt giống rau, hoa cao cấp trên toàn thế giới đều tập trung ở 10 công ty hàng đầu của Mỹ, Thụy Sĩ, Đức, Nhật Bản, Hà Lan…

Vì vậy, dù cả nước có khoảng 650 DN sản xuất, kinh doanh hạt giống, nhưng do vốn ít, chưa thể tiếp cận công nghệ mới, nên các viện, DN chỉ tập trung nghiên cứu, sản xuất các giống cây lương thực, và làm chủ được khoảng 10 giống như lúa, bắp, cà phê, cao su, hồ tiêu… hay mới dừng lại những giống cây trồng quen thuộc như rau muống, rau cải, đậu các loại hay dưa hấu.

Ngoài vấn đề vốn đầu tư lớn, ngay cả nhân lực cũng hạn chế và chưa sở hữu những tổ hợp lai có thể đáp ứng yêu cầu sản xuất hạt giống chất lượng cao, chưa thể tạo ra hạt giống lai F1 với nhiều ưu thế, mới dừng lại ở khoa học mô tả, chưa làm được khoa học phân tử nên các DN trong nước khó có thể sản xuất giống rau, hoa cao cấp, đành phải nhường “sân nhà” cho công ty giống nước ngoài hoặc chỉ hợp tác, làm DN phân phối độc quyền, nhập khẩu, khảo nghiệm, sản xuất và cung ứng.

Điều đáng nói, việc nghiên cứu, sản xuất giống cây lương thực, nhất là lúa đang bị các công ty giống hàng đầu thế giới “chê” vì lợi nhuận thấp. Tuy nhiên, để có được khoản lợi nhuận hấp dẫn này, đòi hỏi phải biết ứng dụng công nghệ cao, nhất là công nghệ sinh học. Nhưng có thể nói, bên cạnh nguyên nhân hạn chế nêu trên của hầu hết DN trong nước, còn do cơ chế và chính sách của nhà nước.

Theo Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch Hiệp hội Giống Việt Nam, cơ chế và chính sách chưa thật sự thông thoáng để các nhà đầu tư vào cuộc, khi mà ngành sản xuất hạt giống đòi hỏi công nghệ cao, chi phí đầu tư ban đầu không hề nhỏ.

CÔNG PHIÊN

(SGGP)