Thứ bảy, 10/5/2014, 11h05

Tháng Tư đánh dấu tín hiệu khả quan từ dệt may và da giày

Trong tháng Tư, các số liệu của Bộ Công Thương cho thấy dệt may và da giày Việt Nam đã đạt được kết quả khả quan, với mức tăng trưởng ấn tượng cùng nhiều hợp đồng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Dệt may vẫn duy trì mức tăng trưởng ấn tượng

Thống kê từ Cục Xuất Nhập khẩu Bộ Công Thương cho thấy, kết thúc tháng Tư, ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 5,9 tỷ USD, tăng 20 % so với cùng kỳ. M ột số sản phẩm chính của ngành dệt may đạt tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ, thể hiện tình hình xuất khẩu sang các thị trường của ngành ổn định và có mức tăng trưởng khá.

Phân loại sản phẩm tại Công ty Da giày Hải Phòng. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Theo ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), sự tăng trưởng mạnh mẽ về xuất khẩu của ngành dệt may đã được dự báo ngay từ đầu năm khi lượng đơn hàng về các doanh nghiệp đã có sự bứt phá. Thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý III, thậm chí đến hết năm, các doanh nghiệp luôn duy trì được tối đa công suất sản xuất. Cùng đó, dệt may Việt Nam luôn đảm bảo đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu truyền thống của ngành như EU, tiếp đến là thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Ông Lê Tiến Trường cho biết thêm mới đây, Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Hội Dệt May Thêu Đan Thành phố Hồ Chí Minh, cùng một số đơn vị đã tổ chức Triển lãm Quốc tế lần thứ 24 về máy, thiết bị ngành may mặc, linh kiện, nguyên phụ liệu và vải 2014 (Saigon Tex 2014) có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Đây là cơ hội cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thêm thông tin và cơ hội tiếp cận các công nghệ sản xuất mới nhất nhằm tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.

Nhằm hướng tới sự phát triển bền vững của ngành dệt may Việt Nam, trong tháng Tư vừa qua Công đoàn Dệt May Việt Nam và Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã ký kết thỏa ước lao động tập thể cấp ngành tại Hà Nội với nhiều điều khoản tốt hơn những lần trước và có lợi hơn cho người lao động. Đây là nỗ lực của ngành dệt may trong việc xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở, đẩy mạnh chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Đặc biệt, vừa qua liên doanh Công ty Cổ phần Đầu tư Vinatex (thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam), Công ty Foshan Sanshui Jialida (Trung Quốc) và Công ty Luenthai (Hong Kong, Trung Quốc) đã làm việc với tỉnh Nam Định xúc tiến thành lập Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông.

Mục tiêu của dự án nhằm phát triển chuỗi cung ứng dệt may từ khâu kéo sợi - dệt - nhuộm - in - hoàn tất. Dự kiến, khu này có quy mô diện tích từ 1.400-1.500ha, thu hút khoảng 200-300 nghìn lao động. Đây là dự án lớn cả về quy mô và vốn đầu tư, hứa hẹn trở thành một trong những trung tâm dệt may lớn của cả nước.

Đánh giá cao những kết quả đã đạt được của ngành dệt may cũng như của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Thứ trưởng Lê Dương Quang cho rằng dệt may là một trong những ngành sẽ được hưởng nhiều ưu thế khi các hiệp định thương mại, đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương được ký kết. Do đó ngành dệt may cần phải chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết, chú ý tiến độ các dự án đầu tư để sẵn sàng đón nhận cơ hội.

Nhiều cơ hội khả quan cho doanh nghiệp xuất khẩu da giày

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, trong tháng Tư, ngành da giày đã xuất khẩu 730 triệu USD sản phẩm giày dép các loại. Tính chung 4 tháng đầu năm, ngành đã xuất khẩu gần 2,9 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm túi xách, vali, ô dù, mũ của ngành cũng tăng tới 48,1%, đạt 821 triệu USD.

Tình hình xuất khẩu hàng da giày sang các thị trường, nhất là các thị trường truyền thống cũng rất khả quan, thể hiện mức tăng trưởng cao và ổn định tại nhiều thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Bỉ, Đức, Pháp…

Đáng lưu ý, kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường nhỏ, thị trường ngách của ngành đã tăng đột biến, như thị trường Chile tăng 80,85%, đạt 17,2 triệu USD; thị trường Israel tăng 120,41%, đạt 7,3 triệu USD; thị trường Hy Lạp tăng 78,2%, đạt 5,1 triệu USD; thị trường Ba Lan tăng 161,7%, đạt 5,5 triệu USD…

Hơn nữa, sự phục hồi về tiêu dùng từ các thị trường xuất khẩu chính, đặc biệt là thị trường EU cũng là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam. Đến nay, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã ký được hợp đồng đến hết tháng 8/2014.

Nhận định từ Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) cho thấy cơ hội tăng trưởng xuất khẩu của ngành là rất khả quan bởi ngoài những yếu tố thuận lợi về thị trường, ưu đãi thuế quan phổ cập GSP, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng sẽ tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong tương lai gần.

Sản phẩm giày, dép, túi xách… của Việt Nam cũng sẽ có lợi thế cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Nhật Bản và các thị trường thành viên khối TPP. Tuy nhiên, Lefaso khuyến cáo các doanh nghiệp phải nâng cấp công nghệ, hiện đại hóa sản xuất, phát triển thương hiệu nhằm tăng cả chất và lượng cho sản phẩm xuất khẩu.

Cùng đó, các doanh nghiệp trong ngành cần nâng cao năng lực sản xuất da thuộc trong nước nhằm đón đầu xu hướng tiêu dùng và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)