Thứ tư, 12/5/2010, 14h05

Hàn Quốc: Khi chi phí giáo dục trở thành gánh nặng

Tại Hàn Quốc, chưa bao giờ chi phí giáo dục lại trở thành gánh nặng đối với các bậc phụ huynh như hiện nay, nhất là với những gia đình có mức thu nhập thấp.
Tốn kém với các trung tâm luyện thi tư nhân
Sau 6 giờ học trên lớp tại một trường tiểu học, Ho You-jin vội vã về nhà lấy thêm sách vở để đến với lớp học thêm tư nhân. Cô bé nói: “Cháu đã quen với việc phải học tập nhiều như thế nhưng thực sự cháu cảm thấy rất mỏi mệt”.
Tại Hàn Quốc - một quốc gia luôn đặt nặng thành tích học tập và ưu tiên số 1 cho việc học thì tình trạng học sinh mất quá nhiều thời gian để “nhồi nhét” kiến thức như You-jin là việc bình thường. Mỗi ngày, ngoài thời gian trên lớp, học sinh nước này còn phải mất thêm 5-6 giờ đồng hồ cho các lớp luyện thi. You-jin cho rằng mình chẳng học được điều gì mới mẻ ở trường công. “Tài liệu giảng dạy trong các trường công lập trở nên quá dễ dãi và bọn trẻ không mấy hứng thú với việc học ở trường. Các em cũng không thể giành được điểm cao nếu chỉ học tập trên lớp”, bà Woo Soon-young, mẹ You-jin nói.
Đây chính là lý do khiến tình trạng giáo dục nước này đang lên “cơn sốt”, nhiều gia đình vì không muốn con mình “tụt hậu” so với bạn bè đã chấp nhận chi trả một khoản rất lớn cho các trung tâm ôn luyện đắt đỏ. Ông Kim Seung-hee, một phụ huynh cho biết mỗi tháng ông phải tốn hơn 800.000 won cho việc học thêm toán và tiếng Anh của hai đứa con tại các trung tâm luyện thi tư nhân. Ông nói: “Những gì tôi đang lo lắng không phải là hiện tại mà là trong tương lai gần. Khi các con tôi bước vào trung học, chi phí giáo dục sẽ tăng cao mà thu nhập của tôi thì ít lại vì tôi đang già đi. Tôi đã nghĩ đến việc sẽ giảm bớt chi phí dành cho việc học của các con nhưng không thể. Tôi đoán đây cũng là suy nghĩ chung của hầu hết phụ huynh Hàn Quốc”.
Giống như ông Kim, mặc dù có thu nhập thấp nhưng nhiều gia đình đã không cắt giảm chi tiêu học tập của con mình. “Chính điều này đã đặt lên vai họ một gánh nặng” - ông Lee Dong-won, nhà nghiên cứu làm việc cho Viện Nghiên cứu kinh tế Samsung nhận định. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc còn cho rằng chính khoản chi tiêu quá lớn dành cho giáo dục đã cản trở các nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng cá nhân cũng như sự tăng trưởng của kinh tế.
Nỗ lực hạn chế học thêm
Theo thống kê của Chính phủ Hàn Quốc, mức chi tiêu dành cho giáo dục đã tăng lên đến 290.078 won/ hộ gia đình vào cuối năm 2009 thay vì 187.298 won năm 2003. Số liệu còn cho thấy, ngay cả trong năm 2009, khi nền kinh tế chỉ có mức tăng trưởng khiêm tốn 0,2% thì chi phí giáo dục cũng đã lên đến 7,2%.
Không những tốn kém cho các trung tâm luyện thi đắt đỏ, nhiều phụ huynh còn gửi con ra nước ngoài học tập với mong muốn tạo cho con em một khởi đầu tốt nhất. Đây chính là tác nhân đẩy không ít gia đình nghèo vào con đường nợ nần trong khi học sinh thì đối diện với một áp lực học tập quá lớn đã dấy lên một làn sóng lo ngại. Trước tình trạng đó, Chính phủ đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng học thêm. Tổng thống Lee Myung-bak phát biểu: “Học sinh có thể thi đỗ vào đại học mà không cần phải học thêm”. Tổng thống yêu cầu Bộ Giáo dục phải cải thiện hệ thống giáo dục từ xa (EBS) - một chương trình bổ túc kiến thức miễn phí qua truyền hình và internet nhằm thu hút học sinh. Bộ Giáo dục Hàn Quốc muốn 70% kiến thức trong kỳ thi tuyển vào các trường đại học nằm trong các bài giảng của EBS. Ông Ahn Byong-man, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hàn Quốc khẳng định: “Thông qua EBS, chúng tôi cố gắng giúp giảm chi phí giáo dục cho các gia đình”.
Ngoài nỗ lực tăng cường chất lượng bài giảng trên EBS, Chính phủ Hàn Quốc còn đưa ra quy định cấm các trung tâm dạy thêm mở cửa sau 22 giờ.
Tuy nhiên các chuyên gia về giáo dục nhận định cái mà Hàn Quốc cần phải thay đổi chính là nhận thức của phụ huynh. Hầu hết các bậc cha mẹ luôn cảm thấy không an tâm khi con cái họ đi học thêm ít hơn so với những gia đình hàng xóm khác. Và họ nghĩ rằng phải đỗ vào một trường đại học hàng đầu mới mở đường cho sự thành công trong cuộc sống.
(Theo Korea Herald)
Ngân Du