Thứ sáu, 1/8/2014, 09h08

Libya: Giao tranh ác liệt dập tắt hy vọng về dân chủ

Al Arabiya ngày 31-7 đưa tin, nhóm phiến quân Hồi giáo Ansar al-Sharia có liên hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda tuyên bố đã kiểm soát toàn bộ thành phố Benghazi ở miền Đông Libya chỉ sau 2 ngày giao tranh với quân đội nước này. Libya đang rơi vào tình trạng khủng hoảng tồi tệ nhất trong 3 năm qua.

Các nước rút công dân, Tunisia dọa đóng cửa biên giới

Nhóm Ansar al-Sharia đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen vì tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Benghazi năm 2012. Giao tranh trong 2 tuần vừa qua là đợt giao tranh dữ dội nhất kể từ khi khủng hoảng chính trị bùng phát ở Libya hồi đầu năm 2011, khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ. Chỉ trong vài ngày, đã có gần 150 người thiệt mạng, 400 người bị thương. Phần lớn khu vực sân bay ở các trung tâm đã bị phá hủy nghiêm trọng.

Thành phố Benghazi đã bị phiến quân Hồi giáo Ansar al-Sharia chiếm đóng.

Cũng trong ngày 31-7, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius thông báo tạm thời đóng cửa Đại sứ quán nước này tại Libya, đồng thời sơ tán gấp công dân Pháp khỏi đây. Theo Reuters, cùng ngày, chính quyền Trung Quốc đã sơ tán hàng trăm công dân nước này đang làm việc ở Libya và đưa họ sang đảo quốc Malta, đồng thời kêu gọi toàn bộ công dân của mình rời khỏi Libya. Hiện còn gần 1.000 người Trung Quốc ở Libya. Chính quyền Malta cho biết họ đã sẵn sàng cung cấp chỗ trú ngụ tạm thời và chuẩn bị đón dòng người từ Libya sang.

Trước đó, Đại sứ quán Canada ở thủ đô Tripoli của Libya đã tạm dừng mọi hoạt động và rút các nhân viên ngoại giao khỏi Libya trong bối cảnh xung đột không ngừng tăng mạnh ở nước này. Bồ Đào Nha, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có những động thái tương tự. Philippines cũng đã ra lệnh sơ tán 13.000 công dân nước này về nước, trong đó có nhiều người là y tá.

Riêng với Ấn Độ, nước này đang có chính sách hỗ trợ tiền vé máy bay để bất cứ ai trong số 6.000 công dân nước này đang sống ở Libya có thể sớm mua được vé để hồi hương. Trong số 6.000 người này có 750 người là y tá. Các nước trên đồng loạt khẳng định sẽ chỉ nối lại hoạt động ngoại giao và một số hoạt động khác ở Libya khi tình hình ở quốc gia này được cải thiện.

Theo AP, trong tuần qua, lượng người từ Libya tràn qua Tunisia là 5.000 - 6.000 người. Ngoại trưởng Tunisia, ông Monji Hamdi cho biết Tunisia đã quá tải với dòng người tị nạn từ Libya và đang cân nhắc khả năng đóng cửa biên giới.

Phương Tây bỏ cuộc

Mặc dù cộng đồng quốc tế đã kêu gọi chấm dứt giao tranh ác liệt ở Libya nhưng dường như không có tác dụng. Căng thẳng bùng nổ đúng vào thời điểm nhạy cảm, chuẩn bị cho tiến trình chuyển giao quyền lực cho Quốc hội mới vào ngày 4-8. Sự kiện này lẽ ra được người dân Libya kỳ vọng về một nền dân chủ, thế nhưng hy vọng này đã bị dập tắt.

Theo công bố của Ủy ban bầu cử Libya, cuộc bầu cử Quốc hội được tổ chức ngày 25-6 vừa qua chỉ có 42% trong tổng số 1,5 triệu cử tri đăng ký đi bỏ phiếu. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với cuộc bầu cử năm 2012.

Tờ Washington Post nhận định, sau 3 năm kể từ khi phương Tây hậu thuẫn người dân Libya đứng lên lật đổ lãnh đạo Muammar Gaddafi để xây dựng lại cuộc sống mà phương Tây gọi là dân chủ thì đến thời điểm hiện tại, dường như phương Tây đã bỏ rơi quốc gia này.

Bằng chứng dễ nhận ra nhất là việc hàng loạt quốc gia châu Âu rút cơ quan ngoại giao khỏi Libya. Anh chưa chính thức ngừng các hoạt động ngoại giao ở Tripoli nhưng đã rút các nhân viên ngoại giao chủ chốt cũng như khuyến cáo người dân chạy khỏi đây. Điều này hoàn toàn trái ngược với những tuyên bố mạnh mẽ năm 2011 rằng Mỹ, Anh sẽ chủ trì tái thiết Libya cùng với sự hợp tác của Liên hiệp quốc và NATO.

NHƯ QUỲNH

(SGGP)