Thứ tư, 18/11/2009, 10h11

Mỹ, Pháp: Khuyến khích học sinh tiểu học viết bằng tay

Ảnh: I.T

Trong thời đại mà trẻ con cũng biết gõ vi tính rào rào, có cần phải rèn khả năng viết (bằng tay) cho các em nữa không? Có người cho rằng “thời đại cầm bút” đã qua rồi, cần gì bắt học sinh phải nắn nót chữ viết theo kiểu “chữ h cao mấy ly, chữ g thấp mấy ly”... Ý kiến về vấn đề này cũng gây tranh luận sôi nổi trong các giới khoa học và sư phạm các nước, nhất là hai quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như Pháp và Mỹ.
Ưu thế khi viết bằng tay
Ông Denis Alamargot, nhà nghiên cứu và là giáo sư ở Đại học Poitiers (Pháp) nói: “Viết bằng tay là biện pháp tốt để tập cho học sinh viết một văn bản”. Lý do, theo ý ông, viết bằng tay giúp các em có thời gian suy nghĩ sâu sắc hơn nội dung viết ra. Chính khi nắn nót nét chữ trên giấy mà tư duy được hình thành và chọn lọc. Ông Virginia Berninger, giáo sư ở Đại học Washington (Hoa Kỳ) nói: “Vào thế kỷ 21, trẻ em phải biết cả hai thứ: viết bằng tay và gõ trên phím vi tính. Nhưng vì yêu cầu phát triển trí tuệ của trẻ em mẫu giáo và cấp 1, tốt nhất là phải bắt đầu rèn luyện khả năng viết bằng tay. Gõ trên vi tính đòi hỏi cả hai tay, mười ngón hoạt động nhịp nhàng, đó là điều rất khó đối với các em. Các em có thể tập chơi những trò chơi với chữ trên vi tính nhờ “con chuột” trước khi tập viết các chữ đúng quy cách trên giấy. Điều đó cũng tốt, vì giúp các em làm quen với các chữ cái, nhưng qua những công trình nghiên cứu sư phạm, chúng tôi nhận thấy rằng đối với trẻ em từ 7 đến 12 tuổi, viết bằng tay trên giấy vẫn tốt hơn, có lợi hơn, hoàn thành bài viết nhanh hơn, vì viết nhanh hơn gõ (gõ đúng quy cách), và điều quan trọng nhất là trong khi viết bằng tay, tư duy các em hiện ra trên giấy chính xác hơn, rõ ràng hơn, chọn lọc hơn. Khi nhìn lại bài mình viết trên giấy, các em có xúc cảm hơn. Điều đó càng rõ khi các em viết thư cho cha mẹ, bạn bè”.
Ông Jean-Louis Lebrave, chuyên gia về ngôn ngữ và bản nháp của tác giả (nghiên cứu những bản viết tay của các tác giả, vốn viết chữ rất khó đọc-TG), Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia (Pháp), thành viên của Viện Các tác phẩm và bản viết hiện đại (ITEM), mà ông lãnh đạo từ năm 1997 đến 2004 nói: “Nếu vi tính trợ giúp đắc lực cho chuyên môn về văn bản (thư ký, nhà báo), thì đôi khi nó không phù hợp, khập khiễng với bài viết đòi hỏi trí tưởng tượng phong phú, nhất là khi công cụ tự động hóa của máy làm nhiễu loạn, cắt đứt trí tưởng tượng, cảm hứng của tác giả. Đó là chưa kể khi máy vi tính hoàn toàn không thể viết hay vẽ bên lề một tác phẩm, một ý tưởng nào đó xuất hiện bất chợt vừa thoáng qua đầu của tác giả”.
Kết hợp giữa viết bằng tay và gõ vi tính
 Ông Lebrave còn nói thêm: “Cũng như trong tất cả những phát minh công cụ mới, những người sử dụng cuối cùng rồi cũng làm quen với công nghệ thông tin áp dụng vào việc viết văn bản, đồng thời sáng tạo ra một công cụ mới nữa đáp ứng được yêu cầu của việc ghi lại tư duy, cảm xúc một cách trung thành nhất, tiện lợi nhất, khác với công cụ trước đó. Đó là bước tiến tất yếu của nền văn minh nhân loại”.
Tóm lại, để phù hợp với bước tiến như vũ bão của nền sản xuất hiện đại, học sinh trong thế kỷ 21 cần phải biết sử dụng máy vi tính để học tập, làm việc, đồng thời cũng biết viết bằng tay thành thạo (chữ đúng quy cách, chính xác, rõ ràng). Không có kỹ năng nào được lấn áp kỹ năng nào, vì mỗi kỹ năng có một yêu cầu riêng về mặt sư phạm. Riêng đối với học sinh tiểu học, yêu cầu về viết bằng tay là cần thiết, bắt buộc vì đó là yêu cầu về rèn luyện trí tuệ và nhân cách, giúp các em có những phẩm chất cần thiết sau này trong cuộc sống hiện đại.
 (Theo Thế giới Giáo dục
Phan Thanh Quang