Thứ sáu, 14/5/2010, 18h05

Trung Quốc: Lịch sử giáo dục sang trang mới

Bắt đầu từ năm nay, Chính phủ Trung Quốc sẽ phân bổ ngân sách để hỗ trợ sinh viên nghèo đi du học

Trung Quốc vừa thông qua một dự án cải tổ giáo dục hứa hẹn sẽ chi nhiều ngân sách hơn, dành cho nhiều đối tượng, thu hút nhiều sinh viên nước ngoài và nâng cao chất lượng đào tạo.
Ưu tiên cho phát triển giáo dục nông thôn
Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã gọi đây là “một chương mới trong lịch sử giáo dục Trung Quốc”. Nền giáo dục nước này vốn gặp nhiều khó khăn - từ việc thiếu ngân sách cho tới phát triển không cân đối giữa các khu vực đô thị và nông thôn. Ưu tiên của chương trình phát triển giáo dục mới sẽ dành cho vùng nông thôn - từ mẫu giáo cho tới các trường dạy nghề.
Kế hoạch phát triển và cải cách giáo dục quốc gia trung và dài hạn (2010-2020) dự kiến đến 2012 sẽ dành 4% GDP cho ngân sách giáo dục. Trong năm 2008, ngân sách giáo dục của Trung Quốc chỉ chiếm 3,8% GDP trong khi mức bình quân của thế giới là 4,5% GDP. Kế hoạch này cũng cam kết thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn bằng cách xây thêm trường học, đào tạo thêm giáo viên và tăng chỉ tiêu tuyển sinh đại học cho học sinh vùng nông thôn, vùng kém phát triển kinh tế hay các khu vực sắc tộc thiểu số.
Ngoài ra, cũng theo kế hoạch này, mọi công dân cho đến năm 2020 sẽ được phổ cập tiểu học, ít nhất 90% học sinh cấp II sẽ học tiếp cấp III, và hơn 40% học sinh tốt nghiệp trung học sẽ học tiếp đại học.
Còn ở thành phố, học sinh sẽ được giảm bớt khối lượng bài tập ở nhà để có nhiều thời gian hơn cho các hoạt động ngoại khóa. Tính bình quân theo kế hoạch mới, mọi công dân Trung Quốc sẽ được đi học ít nhất là 11 năm.
Nhận thêm sinh viên nước ngoài và tăng học bổng du học
Riêng Bắc Kinh sẽ thực hiện chính sách thu hút, tăng số lượng sinh viên nước ngoài lên 14%, đồng thời tăng thêm lượng du học sinh Trung Quốc ra nước ngoài. Bắt đầu từ năm nay, Bắc Kinh sẽ cải cách chương trình đào tạo và thu hút thêm 10.000 sinh viên nước ngoài. Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc sẽ phân bổ ngân sách để hỗ trợ sinh viên nghèo Trung Quốc thuộc những chuyên ngành thiết yếu đi du học nước ngoài.
Nhiều đại học Trung Quốc đã liên kết với các đại học hàng đầu của Mỹ như Harvard, Standford, Yale… để cho sinh viên Bắc Kinh có nhiều cơ hội học tập tốt hơn thông qua các chương trình trao đổi du học sinh.
Năm vừa qua đã có 71.000 sinh viên nước ngoài đến Bắc Kinh du học, chủ yếu từ Hàn Quốc, Mỹ và Nhật. Theo thống kê của Bộ Giáo dục Trung Quốc, năm 2009 đã có 240.000 sinh viên từ 190 quốc gia và khu vực đến du học ở các đại học khắp Trung Quốc. Số học bổng dành cho sinh viên Trung Quốc đi du học của Chính phủ nước này cũng tăng thêm. Hiện đang có khoảng 100.000 sinh viên Trung Quốc du học tại Mỹ, gấp 5 lần số sinh viên Mỹ du học ở Trung Quốc.
Theo tuyên bố chung nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Obama, Chính phủ Mỹ cũng cam kết gửi 100.000 sinh viên đến Trung Quốc trong vòng 4 năm tới. Các chuyên ngành ưa chuộng của sinh viên nước ngoài khi du học Trung Quốc là Hoa ngữ, mỹ thuật và y khoa. Tuy nhiên, các chuyên ngành khoa học, kinh tế và quản trị cũng càng ngày càng tăng sức hấp dẫn đối với sinh viên nước ngoài. Khoảng 176 trường tiểu học, trung học và đại học ở Bắc Kinh đã sẵn sàng tiếp nhận du học sinh nước ngoài.
Những chuyển biến trong cải tổ giáo dục của Trung Quốc lại khiến Úc lo ngại. Số lượng sinh viên Trung Quốc năm nay ghi danh vào các trường đại học Úc giảm chỉ còn một nửa. Thị trường du học của Úc đang mất thị phần trước Mỹ và Anh vì chi phí du học tại Úc ngày càng cao hơn trước và vì các chính sách giáo dục của nước này cũng thiếu phần ổn định.
(Theo AsiaOne & Strait Times)
Yên Nhạn