Thứ bảy, 21/11/2009, 15h11

Trung Quốc: Ưu tiên số một cho giáo dục

 

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (giữa) nói chuyện với các em học sinh tại Trường Trung học số 35, thủ đô Bắc Kinh. Trước Kỷ niệm Ngày Nhà giáo lần thứ 25, ngày 10-9-2009

Hãng tin Tân Hoa Xã ngày 11-10 đã công bố bài diễn văn dài 8.000 từ của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo được đọc tại một trường trung học ở Bắc Kinh ngày 4-9-2009 với tựa đề “Giáo viên là nền tảng cho sự nghiệp giáo dục vĩ đại”. Theo Thủ tướng: Nếu giáo dục là hòn đá tảng cho sự phát triển của quốc gia thì giáo viên chính là hòn đá tảng của giáo dục.
Thủ tướng tới thăm các lớp học
Ông Ôn Gia Bảo đã dự 5 lớp học, ăn bữa trưa cùng với học sinh tại Trường Trung học số 35, thủ đô Bắc Kinh và tham gia một buổi hội thảo với các giáo viên trong trường. Đó là một cách để ông thể hiện mối quan tâm đến các giáo viên trước Ngày Nhà giáo (ngày 10-9 hàng năm), và cũng là cách để tìm hiểu tình trạng thực tế của vấn đề dạy học - theo vị Thủ tướng ưa nói thẳng và đã đưa ra nhận xét của mình sau khi quan sát những gì diễn ra trong lớp. 
Thoạt đầu ông dự lớp học toán tập trung về tam giác bằng nhau. Ông khen ngợi cô giáo dạy toán do đã tìm ra phương pháp dạy học khi cô cố hướng dẫn các học sinh tự mình tìm ra lời giải. Thủ tướng cũng đã đề nghị mỗi tiết dạy học sinh chỉ nên kéo dài nhiều lắm là 40 phút.
Sau khi nghe một bài giảng về tiếng Trung Quốc, Thủ tướng khuyên giáo viên nên có phần giới thiệu về tác giả cuốn “Đầm lau sậy”, một tác phẩm của Tôn Lý, nhà văn nổi tiếng Trung Quốc. Ông nói: “Cô giáo đã khéo léo khi để học sinh của mình lướt qua 3.300 từ trong một câu chuyện về cuộc kháng chiến thầm lặng chống Nhật Bản trong 4 phút” trong một thử nghiệm huấn luyện kỹ thuật đọc nhanh cho học sinh, khiến ông “kinh ngạc” bởi chính ông chưa bao giờ được chỉ bảo làm điều này hồi cắp sách đến trường.
Ông cũng kinh ngạc khi hầu hết học sinh hoàn thành tốt việc đọc nhanh và một vài học sinh được yêu cầu tự mình tóm tắt câu chuyện đã làm tốt. Theo ông, việc này giúp cho học sinh kỹ thuật suy tư lô-gíc và khả năng tóm tắt. Ông cũng khen ngợi cô giáo về nỗ lực dạy học sinh về lòng yêu nước.
Lớp học thứ ba là về phương pháp nghiên cứu, vốn ít quen thuộc với Thủ tướng. Ông phát biểu: “Sau lớp học, tôi nhận thức rằng lớp học được thiết kế để giúp học sinh mở rộng tầm nhìn của mình”.
Điều giáo viên và các học sinh thảo luận trong lớp là quan niệm về “phòng dạy học”. Giáo viên hỏi các học sinh thử nghĩ xem một “phòng dạy học” bao gồm những thứ gì.  
Thủ tướng đã phê bình chút đỉnh lớp học này khi cả giáo viên và học sinh đều quên không kể đến vấn đề an toàn của một “phòng học”, như khi xảy ra động đất chẳng hạn.
Trong lớp, giáo viên cũng lảng tránh một câu hỏi của học sinh về quặng thô. Thủ tướng một lần nữa chứng tỏ nền tảng địa chất của mình bằng cách đề nghị học sinh nên được dạy nhiều hơn về thiên nhiên. Ông nói: “Một giáo viên dường như không thể biết tất cả mọi chuyện, nhưng ông ta có thể suy nghĩ về câu hỏi và trả lời vào lần tới”.
Sau lớp thứ tư về địa lý, Thủ tướng một lần nữa nói ông lại kinh ngạc khi biết rằng nhiều học sinh đã đi đây đi đó, cả trong lẫn ngoài nước.
Ôn nhận thấy một số sai lầm trong sách giáo khoa môn địa, trong đó miêu tả sai về vùng địa lý của Trung Quốc. “Bắc Trung Quốc” không nên bao gồm các tỉnh Thiểm Tây, Cam Túc và Vùng Tự trị Ninh Hạ Hui, chính thức vùng này được coi là một phần mạn tây - bắc Trung Quốc.
Lớp cuối cùng mà ông dự, cũng là lớp thứ năm, là lớp dạy âm nhạc. Thầy giáo trước hết cho học sinh nghe bài Chúng ta là Thế giới, một trong những tác phẩm nổi tiếng của Michael Jackson. Thủ tướng nói “Tôi cảm thấy đây giống như một lớp dạy nghệ sĩ”.
Chủ đề tình yêu của lớp học đã khiến nhà lãnh đạo thông thái nói chuyện về thẩm mỹ và nhà thẩm mỹ học Châu Quang Quan nổi tiếng của Trung Quốc. Tại lớp học, Thủ tướng đã ứng khẩu một bài nói về vấn đề tình yêu. Ông cũng kể cho học sinh nghe về một số các nhà khoa học Trung Quốc đã học hỏi về các đề tài khác như nghệ thuật, âm nhạc và văn chương.
Và góp ý cho giáo viên
Khi trao đổi với giáo viên, ông nói Trung Quốc đã thất bại trong chăm sóc và nuôi dưỡng đủ cho các tài năng đặc biệt đáp ứng nhu cầu của đất nước. Mặc dù đất nước nâng đỡ một số lớn những ngành chuyên môn, nhưng con số nhà khoa học Trung Quốc thành danh trên trường quốc tế còn quá ít.
Trong khi nói, ông dẫn lời nhà giáo dục nổi tiếng người Czech, John Amos Comenius (1592-1670) rằng: “Dạy học là nghề vinh quang nhất dưới ánh mặt trời”.
Theo Thủ tướng, Trung Quốc hiện có khoảng 16 triệu nhà giáo, trong đó có 2 triệu giáo viên tiểu học và trung học. Ông kêu gọi cải cách mạnh dạn trong lĩnh vực giáo dục. Trung Quốc cần một số lượng lớn nhà giáo dục với phán đoán sắc sảo về các trường hiện hành, theo ông.
Thủ tướng cho rằng giáo dục phải đáp ứng những đòi hỏi của luật phát triển; đòi hỏi thay đổi theo thời gian, đòi hỏi của đất nước trong xây dựng xã hội chủ nghĩa với những đặc điểm riêng của Trung Quốc; và đòi hỏi dựa trên nguyên lý “con người - cơ bản”.
Theo Thủ tướng: Giáo viên cần là một “sứ giả của lòng nhân ái”, một “hiện thân của tình yêu chân thành”, một “phẩm chất tuyệt vời” và nhà giáo dục “hết sức khéo léo” với “đạo đức nghề nghiệp cao”. Ông khuyến khích các giáo viên yêu mến và tận tụy với nghề, chịu khó học hỏi và đủ tiêu chuẩn hành nghề, và nêu gương tốt cho các em học sinh.
Ông cũng tiết lộ rằng một học sinh đã viết thư cho ông về vấn đề học sinh tự tử. Học sinh đó nói với ông rằng nhiều học sinh quay sang tự tử ở độ tuổi rất trẻ, và hỏi Thủ tướng mở đối thoại trên mạng với học sinh vào ngày 1-9, đúng ngày khai giảng năm học mới. Ông cũng kêu gọi chính quyền các cấp hỗ trợ cho lĩnh vực giáo dục và phối hợp mọi nỗ lực để cải thiện điều kiện làm việc và đời sống của các nhà giáo.
Quang Hùng (Theo Tân Hoa Xã)