Thứ ba, 24/2/2015, 11h02

Từ trường làng thành trường điểm

Tiết dạy tại lớp 3A của cô Nguyễn Thị Phương Thảo
Khi dự một tiết dạy toán theo mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) tại lớp 3A Trường Tiểu học Võ Trường Toản (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), chúng tôi rất bất ngờ trước sự chững chạc, tự tin, năng động của các em học sinh (HS).
Lớp có 37 HS, chia 6 nhóm, gồm: Vui vẻ, Đoàn kết, Năng động, Chăm ngoan, Chuyên cần, Sáng tạo. Đầu tiên em Trương Cát Tường Vy, Trưởng ban Ngoại giao, giới thiệu lớp và điều khiển lớp hát bài Ngày mùa vui; đến lượt Chủ tịch Hội đồng Tự quản Nguyễn Bảo Trâm, phụ trách phần ôn bài. Sau đó cô giáo Nguyễn Thị Phương Thảo hướng dẫn bài mới Hình chữ nhật và hình vuông. Cô hướng dẫn HS dùng eke và thước đo cạnh và góc các hình để phân biệt và tìm đặc điểm giữa hình chữ nhật và hình vuông. Khi cô chốt lại bài học bằng cách đặt ra những câu hỏi, nhiều cánh tay giơ lên, hầu hết HS trả lời đúng định nghĩa: “Hình chữ nhật có 4 góc vuông, 2 cạnh dài bằng nhau, 2 cạnh ngắn bằng nhau. Hình vuông có 4 góc vuông và 4 cạnh bằng nhau”. Cuối cùng các nhóm làm bài tập dưới hình thức trò chơi “Ai nhanh Ai đúng?”. Suốt tiết dạy, giáo viên (GV) luôn di chuyển, bao quát lớp, nhắc nhở số HS thụ động, trả lời những phần HS chưa hiểu. Tiết học sinh động và thân thiện trôi qua nhanh…
Cô Phương Thảo trải lòng: “Lúc đầu thực hiện rất khó khăn vì HS đã quen với cách học cũ. Nhiều lúc nản lắm nhưng tôi ráng cố gắng, bây giờ lớp cũng tương đối ổn định. Theo tôi, dạy mô hình này GV phải nhiệt tình, tâm huyết mới thành công. Trước đây khi chốt lại bài học tôi chỉ nhắc 2-3 lần, bây giờ phải đến 6 nhóm kiểm tra HS có hiểu bài, nắm được chuẩn kiến thức không?”.
1. Trường Tiểu học Võ Trường Toản trước đây thuộc diện “trường làng” của Q.Ninh Kiều, từ 6 năm trở lại, trường đã có những bước tiến “Phù Đổng” về nhiều mặt: Cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp và an toàn, sân chơi rợp mát, có vườn thực vật phong phú và tươi xanh do HS khối 4 và khối 5 chăm sóc. 41 phòng học đều thoáng mát, đảm bảo ánh sáng và duyên dáng với những giàn hoa, chậu kiểng trang trí. Trường đạt chuẩn quốc gia, nằm trong top dẫn đầu bậc tiểu học và là một trong 4 trường tiểu học của TP.Cần Thơ đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục mức độ 3 - mức cao nhất của chuẩn kiểm định.
Chỉ tính năm học 2013-2014, trường có gần 80 em đạt danh hiệu HS giỏi các cấp, trong đó 16 em đạt danh hiệu HS giỏi cấp TP, 3 em đạt HS giỏi cấp quốc gia kỳ thi Violympic tiếng Anh lớp 5 qua mạng (toàn TP.Cần Thơ có 13 HS đạt)...

Tập thể sư phạm Trường Tiểu học Võ Trường Toản (thầy Trương Hoài Phong, Hiệu trưởng nhà trường bìa phải)
Đặt chất lượng giáo dục lên hàng đầu, ngoài công tác quản lý khoa học, công bằng, phát huy yếu tố dân chủ, Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên dự giờ, thăm lớp, tổ chức các hội giảng, chuyên đề; tạo điều kiện để GV học tập, tham quan những điển hình giáo dục. Đến nay, 63 GV của trường đều đạt chuẩn và trên chuẩn, trong đó 34 người là GV giỏi các cấp. Trong Hội thi GV ứng dụng CNTT vào bài học cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT vừa tổ chức, TP.Cần Thơ có 2 GV đạt giải, trong đó có cô Phạm Ngọc Hạnh, GV của trường. Ngoài ra, cô Ngọc Hạnh còn đạt giải nhất hội thi “Tiết đọc thư viện cấp khu vực” tổ chức tháng 12-2014 tại Vĩnh Long. Cô Ngọc Hạnh chia sẻ: “Ban Giám hiệu luôn động viên, tạo điều kiện để tôi học hỏi, nâng cao nghiệp vụ. Khi tôi thi, có khi đi gần nửa tháng, Ban Giám hiệu bố trí GV dạy thay để tôi tập trung thi”…
Cô Nguyễn Thị Loan, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Đối với những HS yếu, GV phụ đạo ngay trong giờ học, không để đến cuối quý hoặc cuối học kỳ, bởi như vậy các em không nắm được chuẩn kiến thức, sẽ sợ đến trường. Trong các kỳ kiểm tra và thi học kỳ, nhà trường luôn đổi GV gác thi và chấm bài. Từ kết quả kiểm tra, GV chủ nhiệm lên kế hoạch phụ đạo số HS yếu. Nếu không hiệu quả, hàng tháng, trong sinh hoạt tổ chuyên môn, cả tổ cùng tìm biện pháp hiệu quả hơn để phụ đạo. Cuối năm, số HS không đạt yêu cầu được trường tổ chức phụ đạo và thi lại 3 lần. Nếu vẫn không đạt chuẩn kiến thức, trường mạnh dạn cho ở lại. Chúng tôi chủ trương dạy thật - học thật và không chạy theo thành tích”.
2. Hàng năm, những HS nghèo của trường được Ban Giám hiệu vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ học bổng, quần áo đồng phục, tập vở, sách giáo khoa, mua bảo hiểm xã hội và bảo hiểm tai nạn (100% HS của trường tham gia các loại hình bảo hiểm này). Nhiều năm nay trường không có HS nghỉ học vì khó khăn. Em Nguyễn Thị Hằng Nga (lớp 4B) bị bệnh bướu xương tay phải. Định kỳ, em theo mẹ lên Bệnh viện Ung bướu TP.HCM điều trị. Cha bỏ đi từ khi em chưa thôi nôi, mẹ làm tạp vụ trong Quân khu 9. Dù mang bệnh nan y nhưng Hằng Nga là thành viên đội tuyển HS giỏi của trường, trong lớp em làm nhóm trưởng nhóm Chăm chỉ, giúp nhiều bạn cùng tiến bộ. Hằng Nga kể: “Em đi học, mẹ không phải mua sách vở và đồng phục vì nhà trường đã cho. Hàng tháng trường cấp cho em 10kg gạo. Mỗi năm em đều nhận học bổng. Em cố gắng học để sau này làm bác sĩ chữa bệnh cho mình và mọi người”. Còn em Lâm Hoàng Duy (lớp 4D), mẹ bị bệnh suy thận giai đoạn cuối, tuần chạy thận 3 lần. Cha làm thợ hàn, nhiều khi theo công trình mấy hôm mới về, ở nhà Duy thay cha đưa mẹ vào bệnh viện chạy thận. Thương cậu học trò hiếu hạnh và học giỏi, thầy Hiệu trưởng Trương Hoài Phong bỏ tiền túi hỗ trợ tiền ăn bán trú cho em. Duy cũng có nguyện vọng làm bác sĩ để: “Em chữa bệnh cho má và chữa bệnh cho người nghèo giống như đức Hải Thượng Lãn Ông đã làm…”.
 
3. Từ năm học 2010- 2011 đến nay, nhà trường liên tục đạt danh hiệu Tiên tiến xuất sắc và nhận bằng khen của UBND TP. Ban đại diện cha mẹ HS luôn hỗ trợ trường từ vật chất đến tinh thần. Bà Nguyễn Thị Ngọc Thuyết, có con học lớp 5 - một trong những người nhiệt tình đóng góp cho trường, trao đổi: “Tôi có 2 con, các cháu đều học ở trường này. Thầy cô luôn tận tụy với HS và dạy dễ hiểu. 10 năm qua, trường càng ngày càng đi lên về mọi mặt, nhất là chất lượng dạy học và các phong trào. Tôi rất mang ơn các thầy cô đã dạy các con tôi nên người”.
Ông Trần Thanh Tài, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ), nhận xét: “Là một trong những điển hình của TP về xây dựng mô hình “Trường học thân thiện - HS tích cực”, Trường Tiểu học Võ Trường Toản luôn tích cực tham gia các phong trào do ngành phát động cũng như đổi mới phương pháp giảng dạy, lồng ghép, giáo dục toàn diện cho HS. Hàng năm, trường đóng góp hàng chục triệu đồng cho quỹ Vì người nghèo của Liên đoàn Lao động TP và quỹ Mái ấm công đoàn, hỗ trợ phương tiện học tập cho HS nghèo ở khu vực ngoại thành... Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, Ban Giám hiệu đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa để có kinh phí nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, tạo môi trường sư phạm khang trang, đảm bảo yêu cầu phục vụ dạy và học; trong đó đã trang bị 20 ti vi đời mới cho các lớp bán trú để tổ chức giáo dục HS trong giờ nghỉ trưa như cho các em xem phim có tính giáo dục cao, hoặc kết nối internet để các em ôn tập, giải bài tập toán và Anh văn trên website của Bộ GD-ĐT. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho HS”.
Trong nắng ấm của tiết xuân, thầy Hiệu trưởng Trương Hoài Phong phấn khởi cho chúng tôi biết: “Một công ty đã nhận hỗ trợ, xây cho trường bể bơi trong năm nay, giúp trường có điều kiện thực hiện chương trình xóa mù bơi cho HS do TP phát động; đồng thời sẽ hỗ trợ một số trường bạn làm tốt chương trình này”.
Đan Phượng
Tọa lạc tại khu vực 4 thuộc phường An Hòa, ngoại ô Q.Ninh Kiều, Trường Tiểu học Võ Trường Toản có 41 lớp với 1.650 HS; 100% HS học 2 buổi, trong đó 38 lớp bán trú với 1.360 HS. Bắt đầu từ năm học 2014-2015, trừ khối 1, từ khối 2 đến khối 5 - mỗi khối chọn 2 lớp dạy theo mô hình VNEN, những lớp còn lại GV cũng thực hiện theo mô hình này nhưng dạy theo sách giáo khoa hiện hành.