Thứ tư, 14/10/2009, 16h10

UNESCO: Bàn về những thách thức của giáo viên hiện nay

Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị. Ảnh: T.L

Bí mật sự thành công của nền giáo dục Phần Lan và cuộc đấu tranh giành quyền lợi cho giáo viên ở Senegal, hay những thách thức của giáo dục trong việc trẻ em bị bắt lao động sớm là những đề tài được chia sẻ tại hội nghị bàn tròn các bộ trưởng giáo dục của UNESCO. Sự kiện này được tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Thế giới 5-10 với biểu ngữ “Xây dựng tương lai, phải đầu tư cho giáo viên ngay từ bây giờ!”.
Khó khăn của giáo dục
Giáo sư Vasudha Kamat, Viện Công nghệ Giáo dục Trung Ương ở New Delhi thừa nhận rằng các giáo viên Ấn Độ thường làm việc với một sự chống đối mạnh mẽ nhưng việc học cũng đang nhận được sự quan tâm nhiều hơn. Thách thức của giáo dục chính là tỷ lệ giáo viên vắng mặt cao, lớp học quá đông và học “vẹt”. Hiện tại, nhiều trẻ em Ấn Độ đang phải thu xếp giữa việc đi làm giúp đỡ cha mẹ với việc học của mình. Bà cho biết: “Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã làm trầm trọng thêm vấn đề về trẻ em nghèo ở Ấn Độ”. Qua đó, giáo sư Kamat bày tỏ sự hy vọng rằng một đạo luật nhằm bảo đảm việc giáo dục phổ cập và miễn phí mới ban hành năm 2009 sẽ nâng cao nền giáo dục cho đất nước của mình.
Bên cạnh đó, ngài Mamadou Diouf - Tổng thư ký Hiệp hội Giáo viên Senegal cho biết: “Những thách thức lớn ở đây là lớp học quá đông và thiếu sự thường xuyên đào tạo công nghệ thông tin dẫn đến một số giáo viên không thể sử dụng máy tính để dạy học sinh. Tôi đã cười khi nghe ai đó trước đây yêu cầu hạn chế chỉ 40 sinh viên/lớp. Thực ra chỉ hơn 50 sinh viên/lớp là chúng tôi đã mừng rồi khi mà lớp học lúc nào cũng từ 80 tới 100 người”. Về chất lượng giảng dạy, ông nói, hiệp hội đã thu hút sự chú ý vào một chính sách của Chính phủ khi cho các sinh viên tốt nghiệp không có kinh nghiệm một cơ hội giảng dạy tại một phòng tài vụ nhỏ. Đối với các sinh viên đã tốt nghiệp này hiệp hội bảo đảm sự thay đổi về cấp bậc, sau hai năm họ sẽ được ký hợp đồng và trở thành nhân viên chính thức với mức lương khá hơn.
Kinh nghiệm của Phần Lan
Ông Martti Hellstrom, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Aurora tại Phần Lan, đồng thời là một nhà sư phạm kỳ cựu mô tả cách đất nước của ông trở nên nổi tiếng về hệ thống giáo dục mẫu mực sau khi dẫn đầu bảng xếp hạng các trường học toàn cầu được thống kê cho Chương trình Đánh giá Sinh viên Quốc tế – PISA diễn ra ba năm một lần.
Ông nói, chất lượng cao của các trường học Phần Lan bắt đầu với một mức độ tin cậy vào người làm sư phạm. Bởi lịch sử lâu đời của nền giáo dục nơi đây bắt nguồn từ một đội ngũ truyền bá tri thức giỏi, đồng nghĩa với việc nghề giáo nhận được nhiều sự kính trọng. Ông cho biết: “Đó là một phép màu nhưng ở Phần Lan, thanh niên và đặc biệt là thiếu nữ khao khát được đứng trên bục giảng hơn là làm bác sĩ hay luật sư. Chúng tôi nghĩ giáo viên là những chuyên gia và kết quả là các bậc phụ huynh rất coi trọng họ”.
Ông Hellstrom còn nói rằng nghề nhà giáo đòi hỏi chuyên môn của các ứng viên phải xuất sắc. Ở Phần Lan, muốn trở thành một giáo viên đứng lớp bạn phải mất 5 đến 6 năm để được huấn luyện lý thuyết cũng như thực hành. Trong quá trình thực tập họ được đào tạo để suy nghĩ theo hướng sư phạm, và tất nhiên các giáo viên phải được trao quyền tự chủ và tự do cao nhất. Chìa khóa cuối cùng là chính sách bền vững. Giáo dục cần có sự tài trợ của Chính phủ. “Thế nhưng, không phải mọi thứ đều hoàn hảo” - ông Hellstrom chia sẻ rằng đất nước của ông cũng bị ảnh hưởng bởi những thách thức của một thế giới đang thay đổi chóng mặt và chịu những tác động từ số ít các sinh viên tỏ ra bất đồng vì họ thiếu động lực phấn đấu.
Tuy nhiên, vấn đề cốt yếu tại Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục UNESCO lần này được các nước và Tổ chức UNESCO quan tâm chính là làm sao để thúc đẩy việc giáo dục hiệu quả cho mọi người, đồng thời đóng góp vào các chương trình của UNESCO về phát triển giáo dục hay làm thế nào để những nước phát triển có thể hỗ trợ cho các nước chậm phát triển hơn trong vấn đề giáo dục?
Ngày Nhà giáo Thế giới 5-10 được UNESCO khởi xướng và kỷ niệm thường niên từ năm 1994 nhằm tôn vinh công ơn, đồng thời cổ vũ, khuyến khích sự nghiệp giáo dục của thầy cô khắp thế giới, tất cả vì con em và tương lai thế hệ sau này.
 
 (Theo UNESCO)
Tuyết Dân