Thứ hai, 15/12/2014, 06h12

Đổi mới phương pháp nhờ đam mê

HS hứng thú làm thí nghiệm cùng cô Đỗ Thị Phương
Dù trường còn khó khăn về cơ sở vật chất nhưng bằng đam mê và mong muốn cho học sinh (HS) có những tiết học sinh động, dễ nhớ, dễ áp dụng vào cuộc sống, các giáo viên (GV) Trường THCS Nguyễn Văn Bé (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy.
Phổ nhạc vào tác phẩm văn học
Với nhiều HS, giờ học môn văn rất nhàm chán bởi lên lớp phải thuộc bài, trả bài... Thế nhưng, đối với HS Trường Nguyễn Văn Bé thì khác bởi những tiết học văn luôn nhẹ nhàng như các tiết âm nhạc vậy. Khi thì cô giáo cho các em thưởng thức những giai điệu du dương của nhạc hiện đại; khi thì trở về với những câu hát ru, làn điệu dân ca quen thuộc; khi lại dồn nén cảm xúc bi ai, ai oán trong những câu vọng cổ… Đó là những giờ lên lớp của cô Vũ Thị Đoàn Trang.
Không chỉ là GV, cô Đoàn Trang thường được Đài Truyền hình TP.HCM, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương… mời ngâm thơ trong chương trình Tiếng thơ. Yêu thơ, biết ngâm thơ nên mỗi giờ lên lớp, hầu hết các bài thơ đều được cô phổ nhạc để HS dễ nhớ, dễ nghe mà không hề cảm thấy nặng nề. Nếu dạy về văn học dân gian thì cô sẽ phổ nhạc bằng các làn điệu dân ca; dạy văn học trung đại thì cô phổ nhạc bằng ca cổ; còn dạy văn học hiện đại thì cô đưa âm hưởng của nhạc hiện đại vào chứ không lấy toàn bộ.
Chẳng hạn, những bài thơ như Đồng chí, Viếng lăng Bác, Con cò… đã được phổ nhạc nhưng có một số từ ngữ thay đổi nên cô nghiên cứu thêm để phổ vào bài thơ (dựa vào âm hưởng của bài nhạc) mà không thay đổi từ ngữ, cấu trúc câu… Với cách phổ nhạc này, những tiết học về bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy hay Khúc hát ru những em bé trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm trở nên trầm lắng với giai điệu du dương của làn điệu nhạc mới. Nhưng có khi, cả lớp bỗng đầy cảm xúc khi học đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích với điệu ai oán của câu vọng cổ Phụng Hoàng và Nam ai phù hợp với tâm trạng của Thúy Kiều lúc đó.
Cô Đoàn Trang chia sẻ: “Thay vì phải ngồi học thuộc lòng, các bài thơ được phổ nhạc các em có thể nghêu ngao hát ở mọi lúc, mọi nơi và nhớ một cách tự nhiên chứ không hề cảm thấy nặng nề. Hơn nữa, trước khi dạy tôi có hỏi HS trong lớp có thích cải lương, dân ca không thì chỉ có 1/3 em giơ tay. Khi tôi phổ nhạc các bài thơ thì các em bắt đầu cảm thấy thích. Tôi nghĩ, sử dụng chút năng khiếu vào những giờ giảng văn không chỉ giúp HS giảm bớt căng thẳng, nhàm chán mà còn khơi gợi niềm yêu thích âm nhạc truyền thống của các em”. Không chỉ ngâm thơ, ca hát mà giờ dạy văn của cô Đoàn Trang còn có diễn kịch, thuyết trình nhóm rất sôi nổi vì đã có sự chuẩn bị chu đáo.
Sáng kiến kinh nghiệm Tạo hứng thú cho HS môn ngữ văn phần văn bản bằng hình thức hát thơ, ngâm thơ và diễn kịch đã giúp cô Đoàn Trang vinh dự giành giải nhì trong Hội thi GV giỏi Chu Văn An năm học 2014-2015 do Phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh tổ chức.
Thí nghiệm bằng hình ảnh trực quan

Cô Vũ Thị Đoàn Trang thường đưa âm nhạc lồng ghép vào những giờ dạy văn để tiết học nhẹ nhàng hơn
Nếu những giờ học văn HS được đắm chìm trong các giai điệu du dương thì giờ học sinh học các em lại hiếu kỳ trước việc làm thí nghiệm qua những hình ảnh trực quan của cô Đỗ Thị Phương - người vừa giành giải nhất Hội thi GV giỏi Chu Văn An năm học 2014-2015.
Với việc dùng camera có khả năng phóng to hình ảnh để quay các thí nghiệm rồi phóng lên cho HS quan sát và làm thử, các em cảm thấy hấp dẫn và hứng thú hơn. Cô Phương cho biết: “Sách giáo khoa vẽ hình ảnh khá nhỏ nên quan sát hơi khó, nhưng với bộ kết nối này, GV làm trực tiếp rồi cho HS nhìn thấy hình ảnh trên máy chiếu. Các em có thể thấy được chi tiết của sinh vật trước giờ không nhìn thấy như có thể thấy chân của con ruồi, mắt kép có thể nhìn thấy nhiều mắt…”.
Vừa chuẩn bị nội dung, vừa quay phim, vừa chép ra đĩa nên để có hình ảnh trình chiếu cho HS, cô Phương phải chuẩn bị ngay từ đầu hè. Năm nay, nhà trường được một giảng viên của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) tặng một bộ thí nghiệm mới có khả năng kết nối trực tuyến đến máy tính và pin rời nên cô có thể đem các dụng cụ thí nghiệm ra thực địa để HS cùng làm.
Ngoài việc sử dụng các phương tiện hiện đại, những giờ dạy sinh học của cô Phương còn có thuyết trình, chơi trò chơi… Những bài thuyết trình thường được cô giao nhiệm vụ cụ thể cho từng nhóm về tìm hiểu tư liệu, không chỉ trong sách mà cả trên internet, báo chí…
Nói về những động lực giúp cô cố gắng tìm tòi, đổi mới, cô Phương chia sẻ: “Một GV sinh học dạy ít nhất 7-8 lớp, lớp nào cũng nói cùng một nội dung như nhau thì không chỉ HS chán mà ngay cả bản thân GV cũng chán. Vì vậy, trước mỗi bài dạy tôi luôn suy nghĩ làm thế nào để gắn lý thuyết với thực tế, khơi gợi niềm đam mê cho HS”.
Bài, ảnh: Dương Bình
“Ban Giám hiệu nhà trường luôn tạo điều kiện cho các GV tìm hiểu, đổi mới phương pháp giảng dạy. Chúng tôi không tạo áp lực, không bắt buộc GV phải chạy theo thành tích mà tác động từ từ đến ý thức của từng GV. Cũng chính từ ý thức, tâm nguyện của người thầy muốn đem đến cho HS những tiết học hay, hứng thú mà GV thường xuyên đổi mới”, thầy Văn Công Lộc, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Bé, cho biết.