Thứ hai, 20/10/2014, 09h10

Loay hoay với “bàn tay nặn bột”

Từ năm học 2014-2015, nhiều trường THCS trên địa bàn TPHCM bắt đầu làm quen với phương pháp dạy học mới - “bàn tay nặn bột”. Do chỉ được tập huấn sơ sài, thiếu tài liệu hướng dẫn, sĩ số lớp học quá đông, phòng thí nghiệm nghèo nàn… nên giáo viên phải mày mò thử nghiệm, khổ sở vì có nhiều cái vênh giữa chuẩn và thực tế.

Giáo viên cũng bị “nhào thành bột”

Gần cả tháng chuẩn bị bài giảng cho tiết dạy thử theo phương pháp “bàn tay nặn bột”, một giáo viên dạy môn Lý lớp 6 ở Trường THCS quận Gò Vấp than thở: “Để có tiết giảng theo yêu cầu, chúng tôi phải tự mày mò thiết kế bài giảng, cho học trò làm quen với cách học mới, làm thí nghiệm, thảo luận theo nhóm. Thời lượng ngắn (45 phút) không đủ thời gian để học sinh trao đổi thảo luận và giáo viên nhận xét kỹ lưỡng. Vì thế mọi thứ cứ rối mù lên và giáo viên cũng cảm thấy áp lực nặng nề…” . Một giáo viên khác nói vui: “Trước khi học sinh nhuần nhuyễn với bàn tay nặn bột thì giáo viên cũng bị nhào thành bột”.

Học sinh Trường THCS Hồng Bàng quận 5, TPHCM trong giờ thực hành thí nghiệm môn Vật lý. Ảnh: MAI HẢI

Tương tự, hiệu trưởng một trường THCS ở quận 10 bức xúc: “Khó khăn và rối lắm! Giáo viên không được tập huấn gì cả và nhà trường chỉ nhận được một tập tài liệu hướng dẫn thực hiện phương pháp mới này. Vì thế, giáo viên phải “tự bơi”, tự nghiên cứu, mày mò cách làm. Một số giáo viên thiếu kỹ năng sư phạm, kinh nghiệm đứng lớp, tổ chức lớp học đã không hình dung được phải thiết kế bài giảng, tổ chức điều hành học nhóm trình bày ý tưởng, quan điểm và giải quyết vấn đề ra sao…”.

Khảo sát cho thấy, bước đầu phòng GD-ĐT các quận, huyện mới triển khai áp dụng thí điểm phương pháp “bàn tay nặn bột” ở một số trường có điều kiện và chọn các môn khoa học tự nhiên để làm thử. Sau đó, tiến hành xây dựng tiết học, dự giờ, góp ý kiến về chuyên môn rồi mới triển khai đại trà.

Thầy Nguyễn Long Sơn, Hiệu trưởng Trường TH Thực hành Sài Gòn, chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất đối với giáo viên là chọn nội dung để dạy theo phương pháp mới này phải có vấn đề và nhiều cách giải quyết khác nhau. Nhìn chung, học sinh còn yếu về kỹ năng thực hành thí nghiệm nên tốn nhiều thời gian để thực hiện các bước theo yêu cầu đặt ra. Lớp học quá đông (trên 50 em) nên giáo viên không đủ thời gian nhận xét và đánh giá kết quả làm việc của từng nhóm…”.

Tuy hào hứng với tín hiệu đổi mới cách dạy và học theo hướng tích cực, lấy học sinh làm trung tâm, nhưng nhiều hiệu trưởng vò đầu bứt tai nói: “Làm sao chúng tôi có thể đổi mới phương pháp dạy học theo mô hình chuẩn, tiên tiến khi điều kiện thực tế lớp học quá đông, diện tích nhỏ, không thể sắp xếp ghế ngồi theo nhóm và quan trọng hơn là thiếu điều kiện để thực hành, thí nghiệm… Vì thế, bắt thầy và trò đổi mới trong điều kiện học hành nghèo nàn, thiếu đủ thứ thật là khổ”.

Đổi mới từ “lò” đào tạo sư phạm

Theo chia sẻ của chuyên viên Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, từ năm 2009, quận Tân Bình đã áp dụng phương pháp “bàn tay nặn bột” và đến nay đã triển khai đại trà ở cấp tiểu học. Nhìn chung giáo viên đều hứng thú với tiết dạy sáng tạo này và học sinh cũng tham gia tích cực, thích thú được trải nghiệm, khám phá những gì vượt khỏi sách giáo khoa.

Không những thế, có nhiều tiết học thể hiện sự sinh động, vui nhộn khi giáo viên thiết kế tiết dạy sáng tạo và mang vào lớp học những tình huống bất ngờ. Như thế không phải bài nào cũng có thể chọn dạy theo phương pháp mới mà đòi hỏi giáo viên phải nghiên cứu, tìm chủ đề hấp dẫn, đưa ra nhiều hướng giải quyết vấn đề để học sinh tư duy sáng tạo.

Từ thực tiễn và kinh nghiệm được làm nhuần nhuyễn ở bậc tiểu học, quận Tân Bình đã chọn đội ngũ giáo viên tiểu học cốt cán được tập huấn kỹ, có kinh nghiệm tập huấn lại cho các trường THCS. Theo đó, giáo viên được chủ động sáng tạo với tiết học và thời gian thực hiện cũng được co giãn theo nhu cầu chứ không bó hẹp theo quy định.

Thầy Nguyễn Long Sơn cũng cho rằng, phương pháp “bàn tay nặn bột” có nhiều ưu điểm, góp phần thay đổi tư duy dạy và học theo mô hình tiên tiến, lấy học sinh làm trung tâm. Nó tạo sự hào hứng cho học sinh vì các em không chỉ tiếp nhận kiến thức một chiều từ người thầy mà còn được hướng dẫn phương pháp tìm ra kiến thức. Như vậy người thầy chỉ giữ vai trò nêu vấn đề và hướng dẫn để học sinh tự tìm tòi tư liệu, kiến thức. Điều này kích thích học sinh mạnh dạn nêu lên ý tưởng của mình dù đúng hay sai và tìm cách bảo vệ ý tưởng của mình. Hình thành thói quen làm việc nhóm cũng giúp các em biết cách phối hợp trong công việc, nâng cao khả năng giao tiếp, thuyết trình trước đám đông.

“Bàn tay nặn bột” là phương pháp dạy học tích cực và nó đang trở thành một trong những chiến lược về giáo dục khoa học và ngành GD-ĐT các cấp kỳ vọng sẽ tạo tín hiệu đổi mới cách dạy và học thụ động như hiện nay. Từ thực tiễn được khuyến khích tự làm các thí nghiệm để tiếp thu các kiến thức khoa học, tư duy logic, sáng tạo, học sinh sẽ đi trên đôi chân của mình, được làm những điều mình muốn. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi lớp phải ra lớp, sĩ số đạt chuẩn, điều kiện thí nghiệm đầy đủ và giáo viên phải năng động, có kỹ năng sư phạm, tổ chức lớp học tốt.

Trên thực tế, phần đông giáo viên đã quen với cách dạy truyền thống nên ngại đổi mới, nhất là những người đã lớn tuổi. Ngay cả giáo viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm đứng lớp cũng không dễ tổ chức lớp học theo “bàn tay nặn bột”. Vì thế, để áp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học, đòi hỏi các lò đào tạo ngành sư phạm phải chuyển động trước, đào tạo giáo sinh có kỹ năng sư phạm, tư vấn hướng dẫn học sinh xây dựng kiến thức khoa học và hành động cùng các em. Những tiết học trải nghiệm này sẽ giúp học sinh trưởng thành và đứng vững trên đôi chân của mình.

KHÁNH BÌNH

(SGGP)