Thứ hai, 8/9/2014, 10h09

Quy định không cho điểm học sinh tiểu học: Chưa thể yên tâm

Mặc dù có hiệu lực thi hành từ ngày 15-10-2014, tức còn hơn một tháng nữa mới chính thức triển khai, nhưng thông tư quy định việc đánh giá học sinh tiểu học do Bộ GD-ĐT vừa ban hành đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận xã hội. Trong đó nhiều người lo ngại việc này dễ dẫn đến tình trạng dạy và học đối phó, ảnh hưởng chất lượng học tập của học sinh. Đâu là lý do?

Phụ huynh vẫn còn nhiều băn khoăn khi quy định không cho điểm

học sinh tiểu học.

Đã có chuẩn bị từ trước

Trao đổi với báo chí, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, TPHCM đã được Bộ GD-ĐT giao cho thực hiện thí điểm việc không cho điểm học sinh lớp 1 từ nhiều năm trước, ban đầu chỉ thực hiện thí điểm ở học kỳ 1 năm lớp 1. Sau đó, Sở GD-ĐT đã tổ chức lấy ý kiến phòng GD-ĐT các quận, huyện, cán bộ quản lý và giáo viên các trường tiểu học - những người trực tiếp làm công tác giảng dạy để góp thêm ý kiến cho việc triển khai. Từ những kết quả ban đầu, chủ trương thí điểm đã được mở rộng ra trong cả năm lớp 1. Theo đó, giáo viên không tiến hành cho điểm số mà dùng nhiều hình thức khác như hình mặt cười, bông hoa hay các con thú ngộ nghĩnh để đánh giá học sinh. Phân tích những kết quả đạt được sau một thời gian triển khai, ông Sơn cho biết: “Việc không cho điểm học sinh lớp 1 đã giúp xóa bỏ tâm lý ganh đua, so kè về mặt điểm số của học sinh, đồng thời tạo điều kiện cho phụ huynh cùng tham gia, góp ý kiến với giáo viên trong việc dạy dỗ và rèn luyện nhân cách cho học sinh.

Nhưng quan trọng hơn hết là chủ trương đã góp phần xóa bỏ tình trạng học thêm, học trước chương trình trước khi vào lớp 1”. Kết quả thực hiện thí điểm tại TPHCM đã được Bộ GD-ĐT đánh giá cao, làm cơ sở cho việc tiếp tục triển khai ở các khối lớp còn lại.

Mới đây, tại hội nghị tổng kết năm học 2013 - 2014 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2014 - 2015 do các phòng GD-ĐT quận, huyện của TPHCM tổ chức, nội dung đổi mới phương pháp đánh giá đặc biệt được quan tâm. Giáo viên lớp 4 một trường tiểu học ở quận Gò Vấp bày tỏ: “Tôi không ngạc nhiên trước quy định đánh giá mới của Bộ GD-ĐT. Nếu đã triển khai được ở lớp 1 thì nay các khối lớp khác cũng làm được. Vấn đề là các trường phải có sự quyết tâm, kiên trì, cộng thêm việc thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo của phòng GD-ĐT thì việc triển khai mới có hiệu quả”. Tuy nhiên, giáo viên này cũng lưu ý TP không thể bê nguyên xi kết quả thực hiện thí điểm ở một năm lớp 1 áp dụng cho các khối lớp còn lại. Bởi yêu cầu về mức độ kiểm tra, đánh giá mỗi cấp lớp mỗi khác, hơn nữa học sinh ở mỗi độ tuổi cũng có nhận thức và sự phát triển tâm sinh lý không giống nhau. Do đó, nếu không có những nghiên cứu đầy đủ về tác động của việc kiểm tra, đánh giá sẽ dẫn đến tình trạng chủ trương thực hiện tốt ở khối này nhưng kém hiệu quả ở khối lớp kia.

Còn lắm băn khoăn

Ở góc độ phụ huynh, anh Nguyễn Sơn, phụ huynh có con đang học một trường tiểu học trên địa bàn quận 3 chia sẻ: “Nếu đánh giá kết quả bài làm của học sinh qua điểm số, phụ huynh có thể dễ dàng biết học lực của con mình đến đâu, 5 điểm khác hoàn toàn với 7 điểm. Nhưng nếu đánh giá chỉ qua nhận xét, tôi sợ là không phải ai cũng có đủ thời gian và trình độ tư duy phân biệt được “chưa đạt” và “cần cố gắng” khác nhau ở điểm nào”. Đồng quan điểm, chị L.N., thành viên thuộc ban đại diện cha mẹ học sinh một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh bày tỏ: “Với tình hình sĩ số lớp học quá đông hiện nay, nếu yêu cầu một giáo viên phải cùng lúc ngồi ghi nhận xét cho 45 - 50 học sinh, không môn nào được giống môn nào, tuần này không được giống tuần kia, tháng sau phải có sự chuyển biến hơn so với tháng trước thì e rằng nếu làm được, tất cả giáo viên đều được cấp bằng tiến sĩ ngôn ngữ”. Đó là chưa kể nhiều người cũng lo ngại, nếu nhận xét có ngôn từ không phù hợp, hoặc giáo viên vì lý do nào đó có ác cảm với học sinh sẽ dẫn đến lời phê bình mang màu sắc cảm tính, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý và quá trình phấn đấu của học sinh.

Đối với riêng hai môn Toán và Tiếng Việt, hai môn học mang tính chất nền tảng, quyết định kết quả học tập của học sinh ở các bậc cao hơn, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 3 nhận định, việc ghi nhận xét sẽ khiến giáo viên quá tải so với các môn năng khiếu như tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, thể dục. Song nghịch lý ở chỗ theo phân công hiện nay của bậc tiểu học, giáo viên đứng lớp phải dạy cùng lúc nhiều môn, trong khi mỗi môn năng khiếu lại do một người khác đảm nhận. Điều này sẽ dễ dẫn đến tình trạng môn quan trọng cần lời phê rõ ràng, chi tiết, giáo viên lại bị “đuối” lời phê, hoặc lời phê của môn này bị ảnh hưởng bởi môn kia. Trong khi ngược lại ở các môn năng khiếu, học sinh dễ thỏa mãn với những nhận xét mang mẫu số chung như “con giỏi lắm”, “bài làm đạt yêu cầu”… Ngoài ra, nếu thay hoàn toàn đánh giá bằng nhận xét đòi hỏi giáo viên phải có sự liên hệ chặt chẽ với phụ huynh để kịp thời điều chỉnh mức độ ngôn từ, tránh tác hại lâu dài đối với học sinh.

Qua đó cho thấy, để tránh tâm lý hoang mang cho giáo viên và lo lắng của phụ huynh, Bộ GD-ĐT cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, chi tiết cho từng môn học ở từng khối lớp, tránh tình trạng “đèn nhà ai nấy rạng” gây thiệt thòi cho học sinh.

THU TÂM (SGGP)