Thứ tư, 23/7/2014, 09h07

Triển khai chuẩn đánh giá tiếng Anh mới: Thêm áp lực cho trẻ

Nhằm chuẩn bị cho năm học 2014 - 2015, sáng 22-7, Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp cùng Công ty IIG Việt Nam tổ chức hội thảo “Dạy và học tiếng Anh tiểu học tại TPHCM”. Ngoài việc chính thức triển khai chuẩn đánh giá TOEFL Primary, chuẩn đánh giá mới theo Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ (viết tắt ETS) dành cho học sinh tiểu học, hội thảo còn giới thiệu đến hơn 1.000 giáo viên tiếng Anh tiểu học trên toàn TP một số phương pháp giảng dạy tiếng Anh mới…

Sau hơn 14 năm đưa tiếng Anh vào giảng dạy ở bậc tiểu học, đến nay toàn TPHCM đã có hơn 300.000 học sinh theo học các chương trình tiếng Anh tự chọn, tiếng Anh tăng cường và tiếng Anh theo chuẩn Cambridge. Ngoài các phương pháp giảng dạy truyền thống, trong đó giáo viên truyền giảng kiến thức một chiều, học sinh học thuộc lòng qua hình thức ghi chép, việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường hiện nay đã có nhiều đổi mới. Cô Đỗ Thị Thanh Thúy, giáo viên tiếng Anh Trường Tiểu học Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), cho biết: “Khi học sinh được tạo điều kiện thoát ra khỏi môi trường không gian lớp học, các em sẽ vượt qua tâm lý sợ phát biểu trước đám đông. Đồng thời, việc tổ chức học tiếng Anh thông qua các hoạt động nhóm giúp việc học không còn bị áp lực, ghi nhớ từ và ngữ pháp cũng dễ dàng hơn”.

Học sinh tiểu học TPHCM được học tiếng Anh theo chuẩn Cambrigde.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết năm học 2014 - 2015, TPHCM sẽ đẩy mạnh việc dạy học tiếng Anh thông qua các hình thức sử dụng công nghệ hiện đại, tạo ra môi trường học tập tương tác, kết hợp dạy ngoại ngữ với giáo dục về văn hóa, dạy tiếng Anh thông qua các môn Toán và khoa học. Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết thêm: “Mặc dù TPHCM đã chính thức ngưng triển khai chương trình tiếng Anh Cambridge, nhưng chuẩn đánh giá Cambridge vẫn được sử dụng. Việc Sở GD-ĐT TPHCM triển khai thêm một chuẩn đánh giá trên tinh thần tự nguyện chứ không bắt buộc để giúp phụ huynh và học sinh có thêm nhiều lựa chọn chuẩn trình độ”. Ngoài ra, ông Vinh cũng khẳng định chủ trương của Sở GD-ĐT là giáo viên không được sử dụng các chuẩn đánh giá này để tổ chức học thêm, luyện thi ngoài giờ lên lớp.

Tuy nhiên, với thiết kế bài thi tiếng Anh TOEFL Primary chỉ tập trung vào kỹ năng listening (nghe) và reading (đọc), bỏ qua các kỹ năng speaking (nói) và writing (viết), nhiều giáo viên lo ngại chuẩn đánh giá mới sẽ không đánh giá được toàn diện quá trình học ngoại ngữ của học sinh. Đó là chưa kể với quy định mức lệ phí 460.000 đồng/người/lượt thi TOEFL Primary, người thi còn phải đóng thêm 5 USD (hơn 100.000 đồng Việt Nam) để được cấp chứng chỉ TOEFL Primary Standard. Ngoài ra, để hoàn thành hồ sơ dự thi, thí sinh phải bổ túc thêm nhiều loại giấy tờ “không thật sự cần thiết” khác như bản sao giấy khai sinh, chữ ký có xác nhận của bố hoặc mẹ, khiến nhiều người lo ngại chuẩn đánh giá mới sẽ vấp phải nhiều phản ứng trái chiều từ phía dư luận xã hội.

Theo các giáo viên tiếng Anh, thời điểm cuối tháng 5, học sinh tiểu học phải trải qua nhiều kỳ thi cuối năm với áp lực không nhỏ. Do đó, việc “đẻ” ra thêm một kỳ thi tiếng Anh sẽ khiến các em bị quá tải, tạo thêm gánh nặng chi phí cho phụ huynh... Cuối buổi hội thảo, nhiều giáo viên đã đặt câu hỏi về việc so sánh điểm mạnh, yếu giữa hai chuẩn đánh giá TOEFL Primary và chuẩn tiếng Anh Cambridge. Tuy nhiên, câu hỏi này chưa được các đơn vị có trách nhiệm trả lời thỏa đáng.

THU TÂM (SGGP)