Thứ năm, 15/10/2009, 14h10

“Lương giáo sư Việt Nam thấp nhất thế giới”

Tại buổi thảo luận về công tác bổ nhiệm chức danh GS-PGS của ĐH Quốc gia TPHCM ngày 13/10, nhiều ý kiến cho rằng chính chế độ đãi ngộ chưa tương xứng nên GS-PGS của Việt Nam chưa tập trung hết sức lực và trí tuệ cho công việc chuyên môn.

Theo Cổng thông tin điện tử của Chính phủ Việt Nam thì mức lương trung bình của giáo sư Việt Nam vào năm 2008 là 200 USD/tháng. GS Trần Ngọc Thêm (trường ĐHKHXH&NV TPHCM) đánh giá đây là mức lương giáo sư thấp nhất thế giới, nếu so với lương trung bình của giáo sư châu Á là 1.000 USD/tháng. Còn nếu so với trong nước thì mức 200 USD thấp hơn so với nhiều nghề như trợ lý, phiên dịch, chuyên viên, trưởng phòng, giám đốc.
GS Thêm cho rằng mức lương 4-5 triệu đồng/tháng như thế chỉ đáp ứng 1/4 nhu cầu bản thân và gia đình của các giáo sư Việt Nam. 
 Bao giờ lương của giáo sư Việt Nam ngang ngửa với giáo sư Việt ở nước ngoài?
(Trong ảnh: GS Nguyễn Đăng Hưng (phải), Việt kiều Bỉ trong một lần
giao lưu với các giáo sư Việt Nam)
Còn theo như lời của GS Phạm Phụ (trường ĐH Bách khoa TPHCM) thì nếu trung bình thu nhập của các giáo sư là 10 thì trong đó lương chỉ khoảng 3 mà phụ cấp, tặng thưởng lại đến 7, nếu tỷ lệ này đổi ngược lại cho nhau thì tốt hơn. Ông cũng đưa ra đề xuất của mình với ĐHQG TPHCM là nên cho giáo sư được hưởng mức lương 1.000 USD/tháng. 
Đưa ra đề xuất này, GS Phạm Phụ đồng thời dẫn ra những cơ sở khoa học. Đó là tiền lương phải dựa trên “Tam giác công bằng lương bổng”, trong phép so sánh lương bổng ở giáo dục đại học thế giới và giá trị xã hội của tầng lớp trí thức. 
GS Phạm Phụ cho rằng mức thu nhập một người lao động ở Việt Nam có trình độ tương đương giáo sư đã là khoảng 2.000 USD/tháng. Hơn thế nữa, nếu so sánh với thế giới, mức lương trung bình hợp lý ở các nước phát triển cao thường gấp 1,5-2 lần so với GDP/đầu người, ở các nước phát triển trung bình là 3-4 lần, ở các nước phát triển thấp lại có thể đến 5-8 lần. Như vậy, nếu đối chiếu với Việt Nam thì mức lương 1.000 USD/tháng là hoàn toàn hợp lý. 
Sự hợp lý về chế độ đãi ngộ sẽ giúp các GS, PGS yên tâm tập trung cống hiến hết sức lực và trí tuệ cho khoa học, cho chuyên môn, cho cơ quan sở tại. 
Theo PGS.TS Phan Thị Tươi, nhiều bộ môn ở ĐHQG TPHCM không có giảng viên là PGS, thậm chí một số bộ môn còn chưa có Tiến sĩ. Còn ở riêng ĐH Bách khoa TPHCM thì có đến một nửa số bộ môn chưa có giảng viên là GS-PGS. “Đây là một thách thức lớn đối với sự phát triển của ĐHQG trong tương lai”, bà nhận định.
Ngoài ra, những vị GS-PGS khi ở trong bộ môn cũng phải chịu sự quản lý của những thủ trưởng chưa có trình độ tiến sĩ hoặc vừa nhận bằng tiến sĩ, số năm giảng dạy ít (có người chỉ giảng dạy 2-3 năm). Theo bà Phan Thị Tươi, điều này ảnh hưởng rất lớn đến định hướng phát triển chuyên môn của ngành và chuyên ngành. Đây cũng là nguyên nhân làm chất lượng đào tạo ở một số ngành chưa đạt chuẩn.  
Chính vì vậy trong những năm qua, ĐHQG TPHCM cũng như bản thân các trường thành viên đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích, đào tạo đội ngũ tiến sĩ trong nước và ngoài nước. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa khả quan vì người được đào tạo không trở về nước khi đã tốt nghiệp, hoặc về một thời gian rồi cũng chuyển công tác đi nơi khác. Ngoài ra, bà Tươi cho rằng hiện nay một số cán bộ giảng dạy sau khi có bằng tiến sĩ đã không chịu phấn đấu để đạt học vị PGS. 
Về độ tuổi trung bình của PGS ở trường, bà Tươi cho biết là khá cao, chủ yếu trên 50 tuổi. Những người dưới 50 chỉ chiếm 20%, PGS tuổi dưới 40 chỉ đếm trên đầu ngón tay. 
So với các nước phương Tây, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho biết, GS ở các nước đó được tuyển vào làm việc với độ tuổi trung bình trên dưới 40. Chính vì vậy, ĐHQG TPHCM đang khủng hoảng về đội ngũ kế thừa GS-PGS. 
Đánh giá về mục tiêu của ĐHQG TPHCM phấn đấu đến năm 2015 có khoảng 640 GS-PGS (đạt tỷ lệ 2,6 người/bộ môn), PGS-TS Phan Thị Tươi cho rằng việc nâng số GS, PGS lên gấp 5 lần trong vòng 6 năm tới là bất khả thi vì sẽ không đủ thời gian.  

Hiếu Hiền (Dan tri)