Chủ nhật, 19/4/2009, 12h04

Đào tạo ngoại ngữ miễn phí, tại sao không ?

Trước khi xảy ra khủng khoảng kinh tế thế giới, Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá có lợi thế về lao động trẻ và cùng một công việc nhưng mức lương trả cho người lao động Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực. Chính lợi thế về giá nhân công thấp cùng với việc thông thoáng hơn trong các thủ tục hành chính nên năm 2008, Việt Nam đã thu hút gần 12 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Thế nhưng, khi khủng khoảng kinh tế thế giới bắt đầu xảy ra từ gần cuối năm 2008 cho đến thời điểm này, kinh tế Việt Nam đã bị tác động của suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp không thể xuất khẩu được hàng hóa dẫn đến công nhân phải nghỉ việc. Hiện chưa có con số thống kê chính thức trên cả nước, song chỉ tính riêng tại các doanh nghiệp lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có hơn 10.000 lao động mất việc do doanh nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm. Theo thống kê chưa đầy đủ của cơ quan quản lý lao động nước ngoài, cả nước hiện có khoảng 90.000 lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, trong đó có không ít là lao động phổ thông. Thực tế số lao động nước ngoài còn cao hơn bởi không ít người nước ngoài vào Việt Nam bằng visa du lịch nhưng vẫn dạy tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ, làm ôsin cho các gia đình người nước ngoài. Việc người nước ngoài thuê lao động làm các công việc giản đơn chỉ vì những người này biết tiếng Anh.
Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, Bộ trưởng Cố vấn cao cấp Xin-ga-po Lý Quang Diệu lại nhắc lại lời khuyên: giáo trình bậc đại học ở Việt Nam nên sử dụng tiếng Anh. Không chỉ đối với sinh viên, ông Lý Quang Diệu cũng khuyên nên tăng cường dạy tiếng Anh cho các tầng lớp khác trong xã hội. Ông Lý Quang Diệu cho rằng, tiếng Anh chính là chìa khóa để Xin-ga-po phát triển như ngày hôm nay và thành công hơn cả Nhật Bản khi biến Xin-ga-po thành trung tâm tài chính quốc tế, điều mà Nhật Bản không làm được bởi hạn chế về ngoại ngữ. Việc đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc đã gần 20 năm kể từ khi chúng ta thực hiện mở cửa, song số lượng vẫn thấp hơn so với Phi-líp-pin, Ấn Độ, Thái Lan cho dù lao động Việt Nam được đánh giá là sáng dạ và nhanh nhẹn
Thực tế nhiều người lao động muốn học thêm nghề mới hay học ngoại ngữ nhưng thu nhập chỉ đủ trang trải cho cuộc sống của chính bản thân họ. Do vậy chuyện đi học là không thể. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng suy giảm kinh tế là cơ hội để đào tạo nghề cho người lao động. Giá như người lao động Việt Nam biết tiếng Anh thì lao động đơn giản nước ngoài đâu có cơ hội làm việc tại Việt Nam với mức lương từ 250-300 USD? Thêm nữa nếu biết tiếng Anh, lao động Việt Nam còn có thể làm việc tại nhiều quốc gia khác. Tại sao chúng ta hỗ trợ lãi suất 4% cho các doanh nghiệp mà lại không đào tạo ngoại ngữ miễn phí cho người lao động?

Tiên Thêm Sắc (Theo HNM)