Thứ tư, 17/12/2014, 09h12

Anh hóa sách Việt hay Việt hóa sách nước ngoài?

Hôm qua 16.12 tại Hà Nội, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo giới thiệu và lấy ý kiến hoàn thiện bộ Tiêu chí đánh giá và thẩm định sách giáo khoa ngoại ngữ trong trường phổ thông VN.

Sắp tới sẽ có bộ tiêu chí sách giáo khoa tiếng Anh của VN - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Chưa có chuẩn được VN công nhận

"Học ngoại ngữ để làm gì khi mà người nước ngoài nói ta không hiểu, ta đọc ngôn ngữ của họ mà họ thấy xa lạ, viết thì khó khăn... Tiêu chí sách giáo khoa phải giải quyết rõ điều này".

Ông NGUYỄN MINH TRÍ, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi

Giáo sư Nguyễn Quốc Hùng, đại diện cho nhóm chuyên gia xây dựng bộ Tiêu chí đánh giá và thẩm định sách giáo khoa (SGK), ví von: “Hiện nay việc dạy tiếng Anh là một chùm khế ngọt cho nhiều nhà xuất bản trèo hái mỗi ngày, đặc biệt ở cấp tiểu học”.
Trên một địa bàn, ít thì 2 - 3, nhiều thì 5 - 7 bộ giáo trình đã tràn vào các cơ sở giáo dục. Đó là những giáo trình gốc của nước ngoài, chủ yếu của các nhà xuất bản Anh, Mỹ. Nhưng nhiều phụ huynh than phiền đầu tư cao, sao con họ vẫn không nói được tiếng Anh như mong muốn. “Những giáo trình đó đáp ứng tham vọng của phụ huynh chứ không đáp ứng năng lực cảm thụ ngôn ngữ của con cái họ”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cho rằng cái mà chúng ta thiếu chính là một chuẩn đánh giá giáo trình, chuẩn xây dựng, biên soạn giáo trình. “Nói đúng hơn là chuẩn thì có nhưng chuẩn chính thức được nhà nước VN công nhận thì chưa có”, ông Hùng kết luận.
Theo GS Hùng, nhóm chuyên gia xây dựng tiêu chí đánh giá SGK ngoại ngữ của VN dựa trên một số bộ tiêu chí đáng tin cậy trên thế giới và đặc biệt là của tác giả các nước xem tiếng Anh không phải bản ngữ. Bộ tiêu chí đánh giá SGK khi được ban hành sẽ là công cụ cung cấp cho các chuyên gia đánh giá một danh sách những đặc thù tạo nên sự thành công của quy trình dạy tiếng.
Ông Nguyễn Minh Trí (Phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi) đề xuất: “Xây dựng bộ tiêu chí cho SGK cần 3 - 4 tiêu chí lớn, trong đó quan trọng là nội dung. Ngữ liệu đưa vào phải có yêu cầu, tiêu chí rõ ràng, đảm bảo thông dụng và chính xác, không phải lấy tiếng Việt chuyển sang tiếng Anh”. “Tôi ở địa phương, tôi biết điều mà người dân cực kỳ quan tâm, đó là học ngoại ngữ để làm gì khi mà người nước ngoài nói ta không hiểu, ta đọc ngôn ngữ của họ mà họ thấy xa lạ, viết thì khó khăn... Tiêu chí SGK phải giải quyết rõ điều này”, ông Trí nói.
Cần có tiêu chí về văn hóa dân tộc ?
GS Hoàng Văn Vân (ĐH Quốc gia Hà Nội) đề nghị cần bổ sung những tiêu chí đánh giá SGK như: tính VN, tính dân tộc. Lý giải điều này, GS Vân cho rằng

59 tiêu chí đánh giá SGK ngoại ngữ
Bộ tiêu chí được giới thiệu tại hội thảo bao gồm 59 tiêu chí chung và 6 tiêu chí bổ trợ cho việc chọn SGK tiểu học. Tiêu chí bổ trợ bao gồm: phông chữ và khổ sách phù hợp với học sinh, chủ đề và nội dung gần gũi với trẻ và mang tính giáo dục cao về hành vi, kỹ năng sống...
GS Hoàng Văn Vân đề nghị cần có thêm tiêu chí về giá thành SGK phải phù hợp với túi tiền của phụ huynh (nghĩa là phải rẻ), không mang tính thương mại và không được thương mại hóa sản phẩm quá mức.

SGK ngoại ngữ phải giới thiệu cho người học những nét văn hóa cơ bản của VN chứ không phải bê nguyên xi tài liệu giảng dạy của nước ngoài hoặc do người nước ngoài viết để làm SGK của mình. “Phấn đấu dạy cho học sinh theo mô hình song ngữ là tốt nhưng giao tiếp phải bằng ngôn ngữ liên văn hóa", ông Vân đề nghị.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Trí lại không đồng tình với quan điểm ấy và dùng chính quan điểm của Bộ GD-ĐT để phản biện: “Có cần thiết đưa yếu tố văn hóa của VN vào SGK tiếng Anh không, trong khi nội dung kiến thức này đã được học ở rất nhiều môn học khoa học xã hội khác như lịch sử, văn học... Học ngoại ngữ cái cần hơn là biết thêm về văn hóa của nước ngoài. Phương pháp do Bộ chỉ đạo là phương pháp dạy liên môn, nội dung kiến thức nào đã dạy ở môn này thì không lặp lại ở môn khác nữa. Tôi cho rằng chúng ta càng hiểu được về người khác thì chúng ta mới giữ được cái gốc của mình”.
Không thể dùng trực tiếp SGK nước ngoài !
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho hay hiện nay đã có bộ SGK tiếng Anh do Bộ tổ chức biên soạn và Nhà xuất bản Giáo dục VN ấn hành. Riêng bộ SGK tiếng Anh cấp tiểu học đã thí điểm hết một vòng và Bộ đang yêu cầu đánh giá, chỉnh sửa. “Quá trình này cho thấy SGK tiếng Anh trong nước biên soạn cần phải học hỏi nhiều của các nhà xuất bản nước ngoài, chứ mình cứ “đóng cửa trong nhà bảo nhau” thì không hay bởi mình có kinh nghiệm xương máu của bao nhiêu năm nay là dạy ngoại ngữ mà không dùng được”, ông Hiển nói.
Mặc dù khẳng định SGK ngoại ngữ là môn cần phải học trực tiếp từ SGK nước ngoài nhưng ông Hiển cũng khẳng định không thể dùng trực tiếp SGK nước ngoài được, mà phải có những điều chỉnh cho phù hợp với VN. “Có 2 cách: Việt hóa SGK của nước ngoài hoặc SGK trong nước có rồi thì Anh hóa thêm một chút nữa để việc dạy học ngoại ngữ của VN tốt hơn”, ông Hiển nêu quan điểm.
Theo ông Hiển, bộ Tiêu chí đánh giá SGK là để định hướng cho người viết và thẩm định SGK. Mọi tổ chức, cá nhân đều bình đẳng trong việc viết SGK. Do vậy, tiêu chí phải dễ hiểu. Bộ tiêu chí này sẽ quy định SGK phải tạo điều kiện cho việc đổi mới cách dạy - học và kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu mới.

Bất nhất trong sách tiếng Anh lớp 3
Một giáo viên tiếng Anh ở tỉnh Bến Tre phản ánh SGK tiếng Anh lớp 3 chương trình mới theo Đề án quốc gia 2020 của Bộ GD-ĐT có những điểm không thống nhất, dẫn đến sai sót. Trong sách cho học sinh ở Lesson 2 - Unit 9 - What colour is it?, bức tranh C của phần 4 - Listen and number (trang 61) in hình một cây viết (số ít) nhưng trong sách giáo viên và CD lại thể hiện ở trạng thái số nhiều.
Giáo viên này cũng cho hay một số học sinh sử dụng sách bài tập của Nhà xuất bản Giáo dục, xuất bản và nộp lưu chiểu cùng tháng nhưng nội dung lại khác nhau. Chẳng hạn ở bài tập 1- Read and match (trang 25), câu b có cuốn in là your book, please, có cuốn lại in là year book, please.

B.THANH

Tuệ Nguyễn

(TNO)