Thứ bảy, 15/5/2010, 09h05

Băn khoăn chất lượng đào tạo sau đại học

Việc Bộ GD-ĐT đình chỉ tuyển sinh 101 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ khiến chúng ta không khỏi đặt câu hỏi về chất lượng đào tạo ở bậc học này.

Điều kiện bảo vệ tiến sĩ: ai kiểm tra?
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa - Trưởng ban ĐH và sau ĐH của ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng, hiện tại số lượng tiến sĩ (TS) vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các trường ĐH và quá trình đào tạo vẫn còn có những "hạt sạn". Câu chuyện sau đây do GS Phạm Phụ - trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nêu ra là một minh chứng của một trong những "hạt sạn" đó.
Tìm hiểu thông tin các chương trình đào tạo sau ĐH ở các trường nước ngoài tại triển lãm du học - Ảnh: Đ.N.T
GS Phạm Phụ kể: "Tôi nhận hướng dẫn cho một nghiên cứu sinh, anh này vừa đi học vừa đi làm nên thời gian nghiên cứu không nhiều. Hết thời gian quy định nhưng vẫn chưa làm xong luận văn. Thời gian sau, anh ta đến tìm tôi và đưa một cuốn luận văn đề nghị tôi ký tên cho bảo vệ. Sau khi xem luận văn, tôi nói chưa đạt đến 1/3 yêu cầu và không thể bảo vệ được. Anh ta cầm cuốn luận văn về và hơn tháng sau lại tìm đến tôi đề nghị mang luận văn này sang trường khác làm. Giờ tôi nghe tin anh ta đã bảo vệ thành công luận văn TS cũng với đề tài mà tôi từng đánh giá không đạt".
Theo nhận xét của PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, có 5 bất cập cơ bản trong đào tạo sau ĐH hiện nay: Một là, đội ngũ người thầy chưa nhiều, chưa đủ mạnh. Hai là nguồn vật lực và tài lực phục vụ đào tạo sau ĐH còn yếu kém. Ba là chính sách, quy chế, quy định còn chưa phù hợp với mục tiêu và yêu cầu chất lượng. Bốn là chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra chưa tốt. Và cuối cùng là quan hệ quốc tế chưa rộng và sâu, chưa phát huy hết tiềm năng.
Để nâng cao chất lượng đào tạo TS, năm 2009, Bộ GD-ĐT đã đưa ra quy chế đào tạo trình độ TS với nhiều quy định khá chặt chẽ. Chẳng hạn để được công nhận là một TS, nghiên cứu sinh phải đáp ứng các yêu cầu: cùng tham gia công tác trợ giảng với các GS, PGS; tham gia các hội thảo khoa học; cùng nghiên cứu các đề tài quan tâm với thầy. Trong trường hợp nghiên cứu sinh không theo học tập trung được thì phải có thời gian tập trung liên tục trong 12 tháng tại cơ sở đào tạo để nghiên cứu và báo cáo các chuyên đề TS... Tuy nhiên, theo PGS-TS Phạm Văn Hiền - Phó trưởng phòng Sau ĐH trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, nếu làm đúng với quy định này thì những người đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước không dễ thực hiện vì không có thời gian. Chính vì vậy, hiện nay rất nhiều trường "lờ" qua các khâu trong quy định và Bộ cũng khó có thể kiểm tra, đánh giá hết được quy trình đào tạo này.
Cũng theo quy định của Bộ GD-ĐT, mỗi GS được hướng dẫn không quá 5 nghiên cứu sinh cùng lúc, PGS hoặc TS được hướng dẫn 3 nghiên cứu sinh và chỉ được nhận thêm một nghiên cứu sinh nữa khi có một người bảo vệ thành công luận án TS. Tuy nhiên, nhiều trường chỉ có vài GS, PGS thì việc phải mời thêm các GS ở bên ngoài trường - thậm chí không còn tham gia công tác nghiên cứu khoa học hay giảng dạy về hướng dẫn là chuyện phải làm. PGS-TS Phạm Văn Hiền nói: "Đào tạo TS mà người hướng dẫn không phải là nhà khoa học thực thụ chắc chắn có ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra của nghiên cứu sinh".
Vì sao bằng trong nước bị chê?
TS Nguyễn Đình Long - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên môi trường trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, từng làm nghiên cứu sinh tại Anh - cho biết nghiên cứu sinh ở nước ngoài có một môi trường học tập thật sự, chỉ chuyên tâm vào việc học, nghiên cứu, làm bài luận, không bị phân tâm bởi chuyện "cơm áo gạo tiền" mỗi ngày như ở Việt Nam. Chính vì vậy những gì mà họ đạt được có thể nói là đáng giá. GS nước ngoài hưởng lương cao, chế độ ưu đãi tốt nên tập trung nghiên cứu và có nhiều thời gian hướng dẫn trò.
Lý giải vì sao những người đi học ở nước ngoài lại được xã hội, các doanh nghiệp đánh giá cao hơn, chị Trương Vũ Thùy Loan - Giám đốc nhân sự Công ty TNHH TM-DV Viên Thành, từng nhận học bổng Bill Clinton du học tại Mỹ, cho biết: "Điều mà tôi gặt hái nhiều nhất trong thời gian học ở Mỹ là khả năng tự học và biết trân trọng tính độc đáo. Các GS thường đã kinh qua vài năm (đến vài chục năm) kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực họ nghiên cứu. Sinh viên trước khi lên lớp phải đọc chừng 100 trang tài liệu. Mỗi buổi học thực sự là một buổi tranh luận đầy tính cạnh tranh: ai cũng tham gia thảo luận và phải đưa ra ý kiến độc đáo nào đó".
Còn PGS-TS Phạm Văn Hiền thì cho rằng người tốt nghiệp ở nước ngoài về nhìn chung được trọng vọng hơn vì nhiều nguyên nhân: "Một là họ thông thạo ngoại ngữ. Hai là kiến thức của họ được cập nhật vì họ thường học toàn thời gian, bị buộc phải đọc nhiều hơn. Ba là họ được trang bị các kỹ năng cơ bản cũng như kỹ năng mềm tốt hơn. Bốn là họ được học các phương pháp hiện đại, khoa học hơn. Nhìn chung, họ được học và nghiên cứu trong một môi trường tốt hơn nên thành quả tốt hơn cũng là lẽ thường".
Cao học nhưng học... chưa cao
Tôi hiện đang theo học chương trình cao học Sử tại một trường đại học khá nổi tiếng ở miền Trung. Qua quá trình học, tôi thấy chất lượng dạy và học vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Nhiều học viên không hiểu gì về phương pháp nghiên cứu khoa học. Thường mỗi chuyên đề có một tiểu luận, nhưng đa phần đều được các học viên tải từ trên mạng xuống, cắt chỗ này, thêm chỗ kia một ít rồi đóng tập nộp cho giảng viên. Giờ học ít diễn ra đối thoại mà chỉ có thông tin một chiều từ giảng viên.
Trò ngồi nhầm lớp đã đành, một số thầy còn đứng sai vị trí. Nhiều thầy còn duy trì cách đọc - chép, thầy vừa đọc vừa giảng chậm để học viên kịp ghi. Nhiều môn học suốt từ đầu đến cuối chỉ nghe tiếng thầy, tiếng sột soạt của ghi chép, không thấy thầy hỏi học viên câu nào hoặc hỏi học viên có điều gì thắc mắc cần giải đáp. Không khí tiết học trở nên tẻ nhạt và buồn chán.
Có lẽ do đội ngũ giảng viên thiếu nên nhiều chuyên đề khác nhau chỉ bố trí một người dạy. Điều này dẫn đến sự trùng lắp trong việc truyền đạt của giảng viên. Nhiều chuyên đề, giảng viên chỉ quanh quẩn trình bày những điều "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" làm cho học viên mất hứng thú.
Kim Nhan

Thiên Long / Thanh Niên