Thứ sáu, 29/4/2011, 16h04

“Biết thì thưa thốt…”

Chuyến tham quan Đầm Sen của học sinh (HS) hai lớp 5 trường X. trên xe số 3 thật vui nhờ vào tài của H. - hướng dẫn viên của công ty du lịch Y. Anh H. vui vẻ, hoạt bát, có nhiều tài vặt nên thu hút tất cả HS trên xe. Các trò chơi, câu đố, chuyện kể, bài hát… liên tục được H. đưa ra để HS tham gia. Khi có HS say xe, H. cũng là người nhanh tay lo lắng, chăm sóc. Hai giáo viên đi cùng trên xe thật an tâm và hài lòng. Đến nơi, H. cũng tổ chức cho các em vui chơi, ăn uống trật tự... Tất cả đều mến H.
Trên đường về, thấy HS đã mệt nên H. đã chuyển sang giới thiệu các cảnh quan trên đường, thỉnh thoảng ra câu đố nhỏ cho HS trả lời. Hai giáo viên đi cùng xe không tiếc lời khen H. Thế nhưng… khi xe quẹo sang đường Hoàng Diệu (Q.4) thì H. nói: “Các em có biết ông Hoàng Diệu không?”. Vài tiếng trả lời lí nhí “Biết”. “Các em có biết vợ ông Hoàng Diệu là ai không?” . Trên xe im phăng phắc, hai thầy cô cũng lắng nghe. Cô hỏi nhỏ với thầy: “Anh biết ai không? Em không biết gì về vợ Hoàng Diệu cả”, thầy cũng lắc đầu. Thấy mọi người im lặng, H. nói lớn hơn: “Vợ Hoàng Diệu là nữ tướng nổi tiếng Bùi Thị Xuân. Hai vợ chồng Hoàng Diệu đã có công lao rất lớn đối với phong trào Tây Sơn…”. Thầy cô ngỡ ngàng, chưa biết xử trí thế nào để đừng làm mất mặt H. thì có tiếng HS nói nhỏ: “Ủa sao kì vậy?...”. Vừa lúc ấy, xe đến cổng trường, HS xuống xe. Thầy giáo vội bước đến cám ơn H. và nói vừa đủ cho anh này nghe: “Em đã nhầm lẫn rồi! Hoàng Diệu là Tổng đốc đã tuẫn tiết khi Hà Nội thất thủ trước sự tấn công của giặc Pháp năm 1882, còn chồng của bà Bùi Thị Xuân là ông Trần Quang Diệu, cả hai đều là tướng tài của Quang Trung - Nguyễn Huệ. Là hướng dẫn viên, khi biết chắc điều mình nói thì hãy trình bày nha!”. H. đỏ mặt, gật đầu. Thầy đến bên cô giáo đi cùng nhắc cô ngày mai nhớ nói lại cho HS rõ, đó cũng là bài học cho các em.
Hiện nay, trên các chuyến du lịch, có những hướng dẫn viên rất uyên bác và cũng có rất nhiều hướng dẫn viên chưa trang bị cho mình các kiến thức cần thiết nhưng hay diễn giải đủ mọi thứ. Với những người hiểu biết thì các hướng dẫn viên ấy sẽ làm trò cười, còn với những người không biết, nhất là các em HS thì các kiến thức sai đó sẽ in vào trong trí nhớ thì thật là tai hại. Rất mong mọi người khi nói điều gì đó trước đám đông, nhất là có các em nhỏ thì hãy nhớ câu “Biết thì thưa thốt…”.
Lê Phương Trí