Thứ bảy, 28/11/2009, 15h11

Bồi dưỡng giáo viên vẫn còn cơm chấm cơm

Ngày 27/11, Hội nghị tổng kết thực hiện chương trình bồi dưỡng thường xuyên chu kỳ 2, 3 cho giáo viên mầm non, phổ thông của Bộ GD-ĐT đã diễn ra tại Hà Nội.
Việc bồi dưỡng thường xuyên là nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác dạy - học phổ thông, mầm non. Nhưng theo ông Nguyễn Hữu Ân (Trung tâm Nghiên cứu giáo dục và bồi dưỡng giáo viên - ĐH Sư phạm, ĐH Huế) thì hiệu quả chưa tương xứng với công sức, nguồn kinh phí bỏ ra.
Ông Ân cho rằng, phương pháp được dùng để bồi dưỡng các thầy cô giáo dạy chương trình mới lại là phương pháp thuyết trình, mang tính hàn lâm. Do đó, người học hoàn toàn bị động, chưa xác định được những yêu cầu của chính mình cần được bồi dưỡng.

Hệ quả là giảng viên cứ báo cáo và người nghe cứ "chủ động" tự giải quyết công việc của mình, hai động lực không trùng hợp nhau dẫn đến việc bồi dưỡng như là "chẳng có gì mới" - ông Ân nói.
Ông Phạm Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cũng đưa ra những hạn chế khác. Chẳng hạn, nội dung chương trình bồi dưỡng không "mở", đã làm giảm hứng thú tự học, tự nghiên cứu, sáng tạo của giáo viên đối với những nội dung không thiết thực với bản thân, với địa phương mình.
Bên cạnh đó, nội dung bồi dưỡng chưa thể hiện được đầy đủ sự đổi mới trong cách dạy và học, không phát huy được tính tích cực, chủ động của người học, không tạo điều kiện cho người học tự học, tự nghiên cứu, ông Ân nói thêm.
Theo báo cáo của 46 Sở GD-ĐT, số giáo viên được tham gia bồi dưỡng thường xuyên chiếm tỷ lệ gần 93% (mầm non), 87% (tiểu học), 86% (THCS), 79% (THPT). 
Bộ GD-ĐT chưa xây dựng chương trình tập huấn cho cán bộ quản lý; chưa có tiêu chí để lựa chọn đội ngũ hướng dẫn viên đáp ứng yêu cầu, nên còn tình trạng "cơm chấm cơm", chưa vững vàng về chuyên môn và phương pháp để đáp ứng với những tình huống cần phải làm trọng tài trong việc trao đổi, thắc mắc của giáo viên. 
Nhiều giáo viên có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào việc giải đáp thắc mắc, hệ thống hóa kiến thức trong các kỳ học tập trung dẫn đến việc tiếp thu kiến thức bị động,... ông Hùng nói.
Trong giai đoạn 2010 - 2015, Bộ GD-ĐT đã xác định 5 định hướng cơ bản, trong đó chú trọng việc xây dựng chương trình bồi dưỡng thường xuyên như biên soạn tài liệu, đổi mới phương thức học tập, đổi mới cách thức đánh giá... 
Bảo Anh/Vietnamnet