Thứ hai, 7/5/2012, 15h05

Bồi dưỡng năng lực tự học cho sinh viên

Ngành giáo dục cần phải rèn các kỹ năng và phương pháp tự học ngay từ khi các em còn ngồi ở trường phổ thông mà không đợi đến khi học ĐH, CĐ. Ảnh: N.Anh

Cách đây 5 năm, trong một lần dạy tiếng Việt cho một lớp sư phạm tiểu học chính quy, tôi bất ngờ khi một bạn sinh viên (SV) không hiểu từ “lúa chiêm” trong câu ca dao quen thuộc “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ…” trong sách giáo khoa.
Bẵng đi vài năm, cũng câu hỏi đó tôi hỏi một SV cùng ngành khóa khác và kết quả là SV này cũng không biết “lúa chiêm” là gì. Để xác định lại một lần nữa, tôi hỏi hơn 80 SV hai lớp khác với câu hỏi ấy và cũng không có ai trả lời được.
Trường hợp trên chỉ là một ví dụ về thực trạng khả năng tự bồi dưỡng kiến thức phổ thông và chuyên ngành của SV hiện nay. Hàng ngày chúng tôi vẫn thấy SV lên lớp, vẫn thấy họ chăm chú nghe giảng và tham gia các sinh hoạt chuyên môn khác. Song trong quá trình giảng dạy và khảo sát trực tiếp đối tượng, tôi mới thấy kiến thức phổ thông của các em có nhiều lỗ hổng. SV không nắm được kiến thức về lịch sử, văn hóa của dân tộc, nhiều SV không kể nổi các triều đại phong kiến quan trọng của Việt Nam như Đinh, Lê, Lý, Trần… Kiến thức về chính trị, xã hội của các em cũng không khá hơn. Các em không biết những thông tin quan trọng của đất nước, khu vực, thế giới diễn ra hàng ngày trên đài, báo… Còn vốn văn hóa, lịch sử địa phương thì càng là vấn đề đánh đố đối với các em.
Khi hỏi nguyên nhân, đa số SV bảo rằng học quá nhiều, bận đi làm thêm nên không có thời gian đọc sách báo, nghe đài. Một số em khác cho rằng ở phòng trọ không có ti vi. Tuy nhiên, tôi nghĩ đó không phải là lí do. Lí do chính là các em đã mất căn bản từ bậc học phổ thông. Ở bậc học này, các em được trang bị khá đầy đủ những kiến thức căn bản, thậm chí thừa nữa là khác. Chỉ có điều các em không nắm kĩ, học rồi trả lại chữ cho thầy nên trong đầu chẳng còn lại gì.
Một lí do quan trọng hơn là các em không biết tự bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng cho chính mình. Học ở trường ĐH, CĐ khác với học ở phổ thông. Ở đây năng lực và phương pháp tự học, tự bồi dưỡng được xem là mục tiêu quan trọng của việc đào tạo.
Điều 40, Luật Giáo dục sửa đổi năm 2009 nêu rõ: “Phương pháp đào tạo trình độ CĐ, trình độ ĐH phải coi trọng việc bồi dưỡng ý thức tự giác trong học tập, năng lực tự học, tự nghiên cứu, phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện kỹ năng thực hành, tạo điều kiện cho người học tham gia nghiên cứu, thực nghiệm, ứng dụng”. Do đó, việc tự học, tự bồi dưỡng của SV là nhu cầu thiết yếu và phổ biến. Tri thức và kĩ năng có được của SV không chỉ qua bài giảng của thầy. Trong điều kiện thông tin bùng nổ như hiện nay, SV có thể dễ dàng tìm kiếm tài liệu để mở rộng, nâng cao kiến thức, tự làm giàu vốn tri thức cho cá nhân. Mặt khác trong điều kiện khoa học kĩ thuật phát triển, các em có nhiều phương tiện nghe, nhìn hỗ trợ cho việc tự học, tự bồi dưỡng. Hệ thống thư viện của các trường ĐH, CĐ cũng trang bị đầy đủ giáo trình, sách các loại, băng đĩa, internet và vô vàn các tài liệu khác để các em học tập, tham khảo.
Song thực tế cho thấy rất đáng buồn. Số SV có mặt ở thư viện khá thưa thớt. Một trường CĐ có trên 3.000 SV nhưng hàng ngày có chưa đến vài chục em lên thư viện mượn hoặc đọc sách để mở mang kiến thức. Hầu hết các SV có mặt ở thư viện là để mượn giáo trình mà thầy cô yêu cầu phải có chứ không phải các em tự tìm tòi, tham khảo. Số SV sử dụng internet để tìm kiếm tài liệu ngoài bài giảng của thầy cũng hiếm hoi (dù là mạng miễn phí của nhà trường). Điều đó cho thấy khả năng tự học, tự bồi dưỡng của SV hiện nay rất thấp.
Để vấn đề tự bồi dưỡng thành mục tiêu và phương thức đào tạo của mỗi SV, các trường ĐH, CĐ cần phải đổi mới toàn diện. Việc đổi mới phải diễn ra đồng bộ từ khâu soạn thảo chương trình, viết giáo trình đến khâu giảng dạy, thi cử, kiểm tra và điều kiện, cơ sở vật chất dạy học… Lâu dài hơn, các trường cần phải có những nghiên cứu về lí luận dạy học ĐH, CĐ với việc hình thành và phát triển năng lực tự học, tự bồi dưỡng của SV. Phải rèn cho SV các kĩ năng và phương pháp tự học của từng môn học, lĩnh vực khác nhau. Xây dựng cho SV một số biện pháp, quy trình cơ bản để phát huy năng lực tự học, tự bồi dưỡng và tự nghiên cứu để các em có thể giải quyết các vấn đề trong nghề nghiệp, đời sống sau này.
Nguyễn Tiến Dũng
(Trường CĐ Sư phạm Gia Lai)